Khoa học - Công nghệ

Bí ẩn khoa học

Kính viễn vọng Hubble chụp những bức ảnh đầu tiên sau khi hồi sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau hơn 1 tháng gặp sự cố, kính viễn vọng không gian Hubble đang tiếp tục trở lại chụp ảnh vũ trụ.

Hai thiên hà kỳ lạ trong số ảnh do Hubble chụp sau khi hồi sinh hoạt động. Bên phải là thiên hà xoắn ốc ba nhánh ARP-MADORE0002-503 và bên trái là cặp thiên hà tương tác ARP-MADORE2115-273. Ảnh: NASA/ESA
Kính viễn vọng Hubble hoạt động trở lại ngày 17.7 sau nhiều tuần nghỉ ngơi trong lúc chờ các kỹ sư NASA khắc phục sự cố máy tính.
"Tôi rất vui khi thấy Hubble trở lại quan sát vũ trụ, một lần nữa ghi lại những hình ảnh đã gây tò mò và truyền cảm hứng cho chúng ta trong nhiều thập kỷ" - giám đốc NASA Bill Nelson cho biết.
NASA và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu đã phóng kính viễn vọng không gian Hubble vào tháng 4.1990.
Những bức ảnh đầu tiên sau khi hồi sinh của Hubble là ảnh đen trắng cho thấy những khung cảnh thiên hà khác nhau. Bức ảnh bên trái là ARP-MADORE2115-273 - 2 thiên hà khác nhau bị cuốn vào vũ điệu tango của các thiên hà. Thiên thể này cách Trái đất khoảng 297 triệu năm ánh sáng.
"Các nhà thiên văn học trước đây nghĩ rằng đây là một hệ thống 'vòng va chạm' do sự hợp nhất trực tiếp của hai thiên hà. Những quan sát mới của Hubble cho thấy sự tương tác diễn ra giữa các thiên hà phức tạp hơn nhiều, để lại một mạng lưới các ngôi sao và khí bụi phong phú" - NASA viết trong mô tả hình ảnh.
Bức ảnh thứ 2 của Hubble (ảnh phải) cho thấy ARP-MADORE0002-503 - thiên hà xoắn ốc lớn cách Trái đất khoảng 490 triệu năm ánh sáng. Tuy nhiên, đây không phải thiên hà xoắn ốc giống như Dải Ngân hà.
NASA viết: “Các nhánh của thiên hà này mở rộng ra bán kính 163.000 năm ánh sáng, khiến thiên hà mở rộng hơn gấp ba lần so với Dải Ngân hà. Trong khi hầu hết thiên hà đĩa có số lượng nhánh xoắn ốc chẵn thì thiên hà này có 3 nhánh".
Hai bức ảnh mới của Hubble nằm trong loạt ảnh thử nghiệm khi NASA và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu khởi động lại kính viễn vọng không gian.
Hubble đã tạm chuyển sang chế độ an toàn, ngừng mọi hoạt động khoa học từ 13.6 sau khi máy tính chính gặp sự cố. Sau nhiều tuần khắc phục, các kỹ sư đã xác định được lỗi của máy tính chính của Hubble và xử lý bằng cách chuyển sang máy tính dự phòng.
Sau khi hồi sinh Hubble, các nhà khoa học và kỹ sư đã chụp ảnh thử nghiệm các thiên hà, các cụm sao cầu và cực quang trên sao Mộc.
HẢI ANH (LĐO)
https://laodong.vn/the-gioi/kinh-vien-vong-hubble-chup-nhung-buc-anh-dau-tien-sau-khi-hoi-sinh-932309.ldo

Có thể bạn quan tâm