TN - Đất & Người

Kon Gang mùa cam chín

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những trái cam Đường Canh mà người dân địa phương vẫn quen gọi là quýt đường đã bắt đầu vào mùa, chín vàng cả thung lũng làng Kốp (xã Kon Gang, huyện Đak Đoa). Lão nông Nguyễn Duy Đô chính là người đã biến một vùng đất cát bỏ hoang thành thung lũng cam.  

Hồi sinh vùng đất hoang

Một cán bộ xã Kon Gang chở chúng tôi xuôi theo con đường đất đỏ trơn nhẫy sau những cơn mưa cuối mùa xuống thung lũng cam không giấu nổi sự thán phục khi nói về ông Nguyễn Duy Đô: “Nhiều năm về trước, đây vẫn là một vùng đất hoang. Là vùng trũng thấp, đất pha cát không giữ được nước nên không trồng được cây gì, kể cả lúa nước. Người dân làng Kốp bỏ hoang cả một vùng thung lũng cho cỏ mọc để thả gia súc. Vậy mà ông Đô đã biến vùng đất hoang này thành vườn cam xanh tươi trĩu quả”.

 

Ông Đô bên vườn cam chín. Ảnh: H.N

Đã là năm thứ 2 cho thu hoạch, vườn cam của ông Đô cho sản lượng không thua kém các vùng chuyên canh cây cam của cả nước. Ông Đô cho biết, hiện vườn của ông có 800 gốc cam Đường Canh và 200 gốc cam Vinh. Gia đình ông vừa thu hoạch đợt cam Vinh đầu mùa, sản lượng trung bình đạt 30 kg đến 50 kg/gốc, đặc biệt có những gốc cam cho sản lượng 70 kg, giá bán tại vườn là 30.000 đồng/kg. Riêng cam Đường Canh sản lượng tương tự cam Vinh nhưng giá cao hơn hẳn, thương lái đến tận vườn thu mua với giá 45.000 đồng đến 50.000 đồng/kg. Nhìn những gốc cam Đường Canh trĩu quả, đang chuyển sang màu vàng mọng biết ông không nói đùa về sản lượng “khủng” của cây cam.  

 Nói về duyên nghiệp với loại cây trồng chưa từng xuất hiện trên bản đồ nông nghiệp của xã, thậm chí của huyện, ông Đô cho biết: “Tôi sinh ra ở vùng quê Lục Ngạn, Bắc Giang đất chật người đông, người nông dân quý từng tấc đất. Vậy nên khi vào đây thăm người thân, thấy một vùng đất đai rộng lớn bỏ hoang, tôi nghĩ ngay đến chuyện sẽ mang giống cây gì đó vào để trồng. Sẵn có chút kiến thức về cây cam, tôi mua giống cam Vinh và cam Đường Canh trồng thử, thấy cây có vẻ hợp thổ nhưỡng, phát triển tốt. Năm ngoái, vườn cam cho thu bói được gần 200 triệu đồng nên tôi yên tâm là mình đã đúng”. Mới đây, ông Đô còn thử nghiệm trồng thêm giống cam không hạt và nhiều giống cây có múi như bưởi da xanh, chanh đào-một loại chanh dược liệu đều phát triển tốt. “Từ giữa tháng 7 đến cuối năm là bắt đầu mùa cam: tháng 7-8 là mùa cam không hạt, tháng 9-10 thu hoạch cam Vinh, còn tháng 11-12 là mùa của cam Đường Canh”-ông nói.

Hướng đến vùng chuyên canh cây ăn quả

Không chỉ làm giàu cho bản thân, lão nông Nguyễn Duy Đô còn nuôi tham vọng biến Kon Gang thành vùng chuyên canh cây ăn quả của cả huyện, thậm chí toàn tỉnh, giúp người nông dân làng Kốp tìm hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp. Theo ông, trồng cây cam không khó nhọc để tìm đầu ra bởi thương lái tự tìm đến vườn thu mua. Trong khi đó, cây cam cho thu nhập gấp hàng chục lần so với cây lúa, gấp 3-4 lần cây cà phê. “Hiện tại, tôi đang thuê đất của người dân địa phương và trả lúa cho họ, nhưng cách này không giúp người ta giàu được. Cần hướng họ chuyển đổi cây trồng sao cho hiệu quả cao, đặc biệt là phủ xanh diện tích đất bỏ hoang còn khá lớn. Tôi đang tính đến phương án sẽ liên kết với người dân làng Kốp: họ góp đất, góp công, còn mình góp vốn, kỹ thuật để cùng nhau phát triển nơi này thành vùng chuyên canh cây ăn trái. Đó là hướng thoát nghèo bền vững cho bà con”-ông nói.

Nhiều năm gắn bó với đất Kon Gang, ông Đô hiểu rõ về thổ nhưỡng vùng này như hiểu về bản thân. Ông tự tin với hướng đi của mình nên trong năm 2016, khi người nông dân ồ ạt chuyển sang trồng chanh dây, ông vẫn không nao núng, vẫn ủng hộ những người có ý định mở rộng diện tích cam. Ngoài diện tích cam hiện có của gia đình, ông còn giúp 4 hộ phát triển 2 ha cam trên khu đất hoang. Vườn cam các hộ này sát ngay vườn cam của ông mới 1 năm tuổi đã lên xanh tốt.

 “Nhu cầu về nguồn trái cây sạch của Gia Lai và Tây Nguyên vẫn còn rất lớn, mở rộng diện tích gấp 10 lần như thế này vẫn không cung ứng đủ ra thị trường. Ngoài cây cam, tôi còn trồng thử 40 gốc vải thiều Lục Ngạn, năm nay cho thu bói. Nếu thành công với cây vải, tôi sẽ hướng dẫn thêm để bà con mạnh dạn trồng các loại cây mới. Vải thiều vốn là cây giảm nghèo của vùng Lục Ngạn, Bắc Giang, dễ trồng, dễ chăm sóc. Tôi muốn cây vải, cây cam cũng sẽ trở thành cây giảm nghèo cho người dân vùng này”-ông Đô dự định.

 Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm