Phóng sự - Ký sự

Kon Plông thức giấc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Kon Plông là huyện miền núi nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Kon Tum với diện tích tự nhiên 137.000 ha. Dân số toàn huyện trên 27.850 người, chủ yếu là người dân tộc Xơ Đăng, Mơ Nâm, Ca Dong, Hre.

Huyện miền núi khó khăn

Ngày 31.1.2002, H.Kon Plông được thành lập dựa trên cơ sở chia tách H.Kon Plông (cũ) để thành lập H.Kon Rẫy và H.Kon Plông. Những buổi đầu gian khó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân H.Kon Plông phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức như tỷ lệ hộ nghèo rất cao, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hầu như chưa có gì. Trong khi đó, chất lượng nguồn nhân lực rất thấp; sản xuất chưa phát triển, chủ yếu là tự cung, tự cấp; đời sống người dân vô cùng khó khăn.

Tuyến QL 24 được đầu tư xây dựng đã nối nhiều buôn làng với ấm no

Tuyến QL 24 được đầu tư xây dựng đã nối nhiều buôn làng với ấm no

Lúc bấy giờ thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 2,9 triệu đồng/năm. Thu ngân sách toàn huyện đạt 10 tỉ đồng. Hầu hết các tuyến đường nối trung tâm huyện với các xã đều là đường đất; điện, đường, trường, trạm vẫn chưa được đầu tư đồng bộ.

Trước tình hình đó, lãnh đạo huyện đã tìm ra những hướng đi đúng như đã tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ cách làm; thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Từ đó, huyện đặc biệt khó khăn Kon Plông, đã dần "thay da đổi thịt".

Gia đình anh A Vương (ở làng Đăk Ne, xã Măng Cành) trước đây chủ yếu chăn nuôi gia súc theo hướng thả rông, thức ăn không được kiểm soát. Từ khi được vận động tham gia mô hình nuôi lợn đen, anh A Vương đã biết cách làm chuồng trại, lắp bóng đèn sưởi ấm để lợn không bị chết khi trời rét; lợn được cho ăn đủ dinh dưỡng và tiêm vắc xin phòng bệnh. Đàn lợn của gia đình anh hiện đang phát triển rất tốt. Thu nhập từ lợn đen giúp gia đình anh thu về khoảng 50 - 60 triệu đồng/năm.

"Nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương, gia đình tôi đã thay đổi nếp nghĩ cách làm, không còn nuôi lợn thả rông như trước. Kinh tế gia đình cũng từ đó mà được nâng lên", anh Vương hồ hởi nói.

Không chỉ hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, H.Kon Plông còn tập trung mọi nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị để thu hút đầu tư. Từ đó bộ mặt đô thị, nông thôn đã có nhiều thay đổi nhanh chóng.

Với sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, qua 22 năm xây dựng và phát triển, kinh tế - xã hội của huyện đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Bộ mặt đô thị, nông thôn đã có nhiều thay đổi ngày càng khang trang, đồng bộ.

Thành tựu nổi bật là kinh tế của huyện đã duy trì được tốc độ tăng trưởng qua các năm. Năm 2023, tổng giá trị sản xuất của H.Kon Plông đạt 4.152 tỉ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng/người/năm. Thu ngân sách đạt quy mô 470 tỉ đồng, trong quý 1 năm 2024 là hơn 136 tỉ đồng, đạt 21% dự toán năm.

Trong các năm qua, H.Kon Plông đã thu hút 77 dự án đầu tư, với tổng diện tích đăng ký 5.035 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư 30.334 tỉ đồng. Sản xuất nông nghiệp phát triển đi vào chiều sâu theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường tiêu thụ; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng tiểu vùng khí hậu; chuyển đổi mạnh mẽ diện tích cây trồng truyền thống, giá trị thấp sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: rau hoa xứ lạnh, dược liệu, cà phê xứ lạnh…

22 năm đổi thay những con đường

Trong ký ức của hầu hết cán bộ, người dân ở đây trong những ngày đầu thành lập huyện là sự gian khó, thiếu thốn. Hầu hết các tuyến đường trên địa bàn huyện đều là đường đất, mùa mưa lầy lội, mùa nắng bụi mù.

Ông A Doa (45 tuổi, trú xã Măng Bút, H.Kon Plông) cho hay, hơn 20 năm trước các tuyến đường trên địa bàn huyện chủ yếu là đường đất. Vào mùa mưa không thể đi xe, mọi người muốn ra trung tâm huyện chỉ có cách lội bộ. Lúc bấy giờ cơ sở vật chất, hạ tầng còn thiếu thốn. Nhiều trường học, trụ sở còn thô sơ chưa đảm bảo.

Người dân địa phương đã thay đổi nếp nghĩ cách làm, hướng tới ứng dụng công nghệ cao vào canh tác, sản xuất

Người dân địa phương đã thay đổi nếp nghĩ cách làm, hướng tới ứng dụng công nghệ cao vào canh tác, sản xuất

Xuất phát điểm thấp, giữa "điệp trùng" khó khăn, lãnh đạo H.Kon Plông xác định xây dựng cơ sở hạ tầng là ưu tiên trọng tâm, trong đó chọn khâu đột phá làm đường giao thông. Xác định hướng đi đúng, được người dân đồng thuận, từ huyện xuống đến các xã đặt quyết tâm cao đầu tư làm đường để "nối buôn làng với ấm no". Cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, hệ thống thủy lợi nội đồng cũng được cải thiện.

"Các năm qua, được sự quan tâm của các cấp, cơ sở hạ tầng trên địa bàn đã được đầu tư xây dựng. Nhiều tuyến đường đã được phủ nhựa, bê tông hóa. Hàng hóa được lưu thông thuận tiện hơn. Hầu hết các điểm trường đã được xây dựng kiên cố. Việc học tập của con em được chú trọng, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt", ông Doa vui mừng nói.

Để có được những thành quả như ngày hôm nay, H.Kon Plông đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm thu hút đầu tư và đánh thức tiềm năng du lịch. Trong đó, huyện tranh thủ các nguồn lực để đầu tư hạ tầng một cách đồng bộ, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thiện tuyến quốc lộ, tỉnh lộ 676, tập trung xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn, giao thông kết nối các khu vực trên địa bàn huyện...

Đến nay, 100% xã có đường ô tô đi được 2 mùa, trên 95% đường liên thôn, nội thôn, đường đi khu sản xuất được cứng hóa… Cơ sở vật chất dạy và học từng bước được đầu tư đồng bộ, toàn huyện có 31 đơn vị trường với 389 lớp. Trong đó có 502 phòng học kiên cố, 7 trường đạt chuẩn quốc gia; 9/9 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi…

Theo UBND H.Kon Plông, từ nay đến năm 2025, huyện sẽ ưu tiên tập trung phát triển 2 lĩnh vực có thế mạnh. Đó là tận dụng lợi thế tự nhiên để phát triển du lịch, thực hiện tốt Quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen và Quy hoạch chung đô thị Kon Plông. Đi đôi với phát triển nông nghiệp công nghệ cao và dược liệu, cây ăn quả.

Cùng với quy hoạch tỉnh, nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen đến năm 2045 cũng đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phê duyệt ngày 29.11.2023. Qua đó, đã định hướng phát triển H.Kon Plông là vùng kinh tế động lực của tỉnh Kon Tum. Đây là địa bàn trọng điểm trong tổ chức không gian phát triển "3 vùng kinh tế, 4 cực tăng trưởng và 6 hành lang phát triển".

Đặc biệt, trong định hướng phát triển, Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương và tỉnh Kon Tum đặt mục tiêu xây dựng và phát triển Khu du lịch Măng Đen đạt các tiêu chí của khu du lịch sinh thái mang tầm cỡ quốc gia. Đây hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn của khu vực Tây nguyên, trong nước và quốc tế, là một trong những động lực phát triển du lịch của cả nước. Đây không những là niềm vinh dự, mà còn là động lực để H.Kon Plông hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng xây dựng Khu du lịch sinh thái Măng Đen trở thành trung tâm du lịch của cả nước.

Có thể bạn quan tâm