TN - Đất & Người

Kon Tum: Cầu treo bị cuốn trôi, gần 1.500 người bị cô lập hoàn toàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cầu treo nối huyện Kon Rẫy với xã Đăk Pne bị cuốn trôi do ảnh hưởng của bão số 9, khiến gần 1.500 người dân (438 hộ) trong xã Đăk Pne bị cô lập hoàn toàn.
 
Bão số 9 cuốn trôi cầu sắt nối huyện Kon Rẫy với xã Đăk Pne (Kon Tum). (Nguồn: TTXVN)
Ngày 29/10, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum cùng chính quyền huyện Kon Rẫy và lực lượng chức năng trong tỉnh đã đến hiện trường vụ cầu treo nối huyện Kon Rẫy với xã Đăk Pne bị cuốn trôi do ảnh hưởng của bão số 9, khiến gần 1.500 người dân (438 hộ) trong xã Đăk Pne bị cô lập hoàn toàn.
Tại hiện trường, ngay đầu cầu, lực lượng chức năng của huyện đã căng dây, cảnh báo, không để người và phương tiện qua sông.
Sau khi nước lũ rút, sáng 29/10, một số hộ dân xã Đăk Pne đã chèo thuyền qua sông để mua thêm lương thực, thực phẩm.
Sau khi mưa dứt, sáng 29/10, chính quyền xã Đăk Pne đã triển khai lực lượng đi từng thôn, làng kiểm tra tình hình, nắm bắt các điểm sạt lở để có phương án khắc phục, giúp dân.
Thông tin ban đầu cho thấy có khoảng 10ha gồm lúa, càphê và ao cá bị thiệt hại do lũ.
Ông Lê Đình Phương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đăk Pne, cho biết ngay khi mưa dứt, người dân đã khơi thông đường xá, cống rãnh, dọn dẹp cảnh quan. Trước đó, các phương án đã được chuẩn bị kỹ nên dù Đăk Pne bị cô lập, chính quyền vẫn chủ động mọi việc.
Ông Võ Văn Lương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Kon Rẫy, khẳng định trước khi lũ về, với phương châm "4 tại chỗ," chính quyền đã chuẩn bị đủ các nhu yếu phẩm cần thiết trong trường hợp xã bị cô lập trong 1 tuần. Việc triển khai khắc phục hậu quả cũng rất khẩn trương.
Đến trưa 29/10, tuyến đường bộ đến xã Đăk Pne đã được thông. Đường mới đi vòng suối Đăk Snghé, qua 2 đập thủy điện 2AB và Đăk Ne cùng cầu treo đi vào khu sản xuất của Thôn 2 xã Đăk Pne. Tuyến đường vòng đi xa hơn 5km, khó đi nhưng xe máy vẫn lưu thông được.
Công an tỉnh Kon Tum đã bố trí 1 ca nô cùng các chiến sỹ giúp dân lưu thông qua lại tại điểm cầu bị cuốn trôi để đảm bảo an toàn.
“Cùng với chính quyền, Công an tỉnh đã cử 1 đội túc trực tại điểm cầu sắt bị trôi để hỗ trợ dân, chuyển lương thực tiếp tế, đưa người có nhu cầu qua lại. Trước đó, công an các huyện cũng chủ động mọi tình huống, tham mưu chính quyền địa phương di dời dân, làm công tác cảnh báo trên các tuyến đường nguy hiểm, chuẩn bị lực lượng phối hợp cùng chính quyền và người dân khắc phục hậu quả sau bão,” Thượng tá Trần Thị Thu Phước, Phó Giám đốc Công an tỉnh Kon Tum, cho biết thêm.
Trong khi đó, tại huyện Tu Mơ Rông công tác khắc phục hậu quả sau bão vẫn đang được các ngành tích cực triển khai.
Đến đầu giờ chiều 29/10, lực lượng chức năng đã tiếp cận được 5 xã bị cô lập (gồm Tê Xăng, Đăk Sao, Măng Ri, Ngọc Yêu và Đăk Na).
Tại 3 xã bị ảnh hưởng nặng nề là Ngọc Yêu, Đăk Na và Đăk Sao, người dân và chính quyền đã tạm giải tỏa các điểm sạt lở để xe máy có thể lưu thông.
Theo ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tu Mơ Rông, tuy bị chia cắt nhưng người dân ở 5 xã bị cô lập vẫn có cuộc sống ổn định. Vấn đề cấp bách đối với huyện Tu Mơ Rông là phải thông đường. Hiện Sở Giao thông Vận tải tỉnh và chính quyền đang phối hợp để thông các tuyến tỉnh lộ đi vào xã Đăk Sao, Ngọc Yêu.
Cao Nguyên (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm