TN - Đất & Người

Kon Tum: Huyện Kon Plông tiếp tục xảy ra 5 trận động đất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ sáng đến trưa 10/9, tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã xảy ra liên tiếp 5 trận động đất có độ lớn từ 2.5 đến 3.5, nhiều khả năng vẫn còn dư chấn tiếp theo.
 
Bản đồ khu vực Kon Plông. Nguồn: Google Maps
Bản đồ khu vực Kon Plông. Nguồn: Google Maps
Theo Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần-Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), từ sáng đến trưa 10/9, tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã xảy ra liên tiếp 5 trận động đất có độ lớn từ 2.5 đến 3.5, nhiều khả năng vẫn còn dư chấn tiếp theo.
Các trận động đất trên đều không gây rủi ro thiên tai.
Trận động đất có độ lớn cao nhất là 3.5, vừa xảy ra vào lúc 11 giờ 35 phút 25 giây ngày 10/9, tại tọa độ 14.934 Vĩ Bắc-108.203 Kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 10km.
Trước đó, vào sáng 10/9, tại khu vực này xảy ra các trận động đất gồm trận động đất có độ lớn 2.8 vào 5 giờ 55 phút 46 giây tại tọa độ 14.922 Vĩ Bắc-108.205 Kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1km; trận động đất có độ lớn 2.5 vào 6 giờ 30 phút 55 giây tại tọa độ 14.925 Vĩ Bắc-108.208 Kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1km; trận động đất có độ lớn 2.8 vào 7 giờ 16 phút 1 giây, tại tọa độ 14.935 Vĩ Bắc-108.203 Kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1km; trận động đất có độ lớn 3.1 vào 7 giờ 34 phút 36 giây, tại tọa độ 14.925 Vĩ Bắc-108.188 Kinh Động, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km.
Kể từ năm 2021 đến nay, khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum liên tiếp xảy ra hàng chục trận động đất có độ lớn từ 2.4 đến 4.7.
Chiều 23/8/2022, khu vực này đã xảy ra trận động đất có độ lớn 4.7, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trận động đất có độ lớn cao thứ hai tại khu vực này xảy ra vào trưa 18/4/2022 với độ lớn là 4.5.
Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu Nguyễn Xuân Anh cho biết từ tháng 6/2021, Viện Vật lý Địa cầu đã cử cán bộ đến khu vực này để thiết lập thêm các trạm quan trắc nhằm tìm hiểu rõ hơn và cảnh báo kịp thời các hiện tượng địa chất nguy hiểm xảy ra.
Ngày 9/9, tỉnh Kon Tum đã hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt mới 3 trạm quan trắc cảnh báo động đất tại thủy điện Thượng Kon Tum, nâng tổng số trạm quan trắc thuộc khu vực hoạt động của thủy điện này lên 6 trạm.
Trên cơ sở số liệu động đất ghi nhận được tại khu vực huyện Kon Plông cho thấy động đất xảy ra thường xuyên hơn trong thời gian gần đây và có xu hướng tăng lên về độ lớn. Mặc dù cho đến nay chưa ghi nhận thiệt hại về nhà cửa và người tại khu vực trên, tuy nhiên chắc chắn các rung động địa chấn do động đất gây ra đã ảnh hưởng nhất định đến đời sống của nhân dân trong khu vực.
Khu vực tỉnh Kon Tum nói chung và huyện Kon Plông nói riêng thuộc đới đứt gãy nhỏ. Các nghiên cứu trước chỉ ra rằng, các trận động đất tại khu vực này có độ lớn không quá 5.0.
Viện cũng thường xuyên thông báo về hoạt động động đất đến chính quyền và người dân tại khu vực này. Để có kết luận chính xác, thời gian theo dõi hoạt động động đất phải đủ lớn, các cán bộ thuộc Viện tiếp tục theo dõi thêm và xử lý số liệu các trận động đất tại huyện Kon Plông.
Viện trưởng Nguyễn Xuân Anh khuyến cáo người dân và chính quyền khu vực này cần quan tâm đến các yếu tố kháng chấn trong xây dựng; các cấp chính quyền cần thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân các biện pháp phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra động đất mạnh.
Đặc biệt, khi có động đất xảy ra, chính quyền và người dân tại khu vực bị ảnh hưởng cần thực hiện nghiêm theo các quy định tại Quyết định số 78/2007/QĐ-TTg ngày 29/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế phòng, chống động đất, sóng thần.
Khi nhận được tin động đất, cảnh báo sóng thần, mọi công dân trong vùng bị ảnh hưởng phải chủ động sơ tán khỏi vùng nguy hiểm để đảm bảo an toàn; ủy ban nhân dân các cấp phải bằng mọi hình thức thông báo tin trên đến nhân dân trong khu vực; tổ chức hướng dẫn sơ tán dân và huy động các phương tiện trên địa bàn để giúp dân sơ tán đến nơi an toàn, đồng thời có biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự trong khu vực.
Ngay sau khi xảy ra động đất, sóng thần, chính quyền các cấp phải huy động mọi nguồn lực tại chỗ theo quy định để cứu người bị nạn, cấp cứu người bị thương, tìm kiếm người mất tích đồng thời tổng hợp thông tin và báo cáo khẩn cấp đến cấp có thẩm quyền để chỉ đạo các biện pháp cần thiết, hạn chế thiệt hại do động đất, sóng thần gây ra.
Theo Hoàng Nam (TTXVN/Vietnam+)
 

Có thể bạn quan tâm