TN - Đất & Người

Kon Tum thực hiện các biện pháp ngăn chặn bệnh viêm da nổi cục trên bò

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dịch bệnh viêm da nổi cục diễn biến phức tạp và ngành thú y đang tập trung phối hợp với các địa phương xuất hiện bệnh để thực hiện các biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Cán bộ thú y thành phố Kon Tum tiêm thuốc kháng sinh cho cá thể bò nhiễm bệnh. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)


Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum, tính đến 17 giờ ngày 10/6, toàn tỉnh đã ghi nhận 185 con bò mắc bệnh viêm da nổi cục, trong đó lực lượng chức năng đã tiêu hủy 6 con, tiếp tục chăm sóc các con nhiễm bệnh còn lại.

Đáng chú ý, dịch bệnh viêm da nổi cục diễn biến phức tạp và ngành thú y đang tập trung phối hợp với các địa phương xuất hiện bệnh để thực hiện các biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Cụ thể, bệnh viêm da nổi cục xuất hiện trên đàn bò của Kon Tum từ ngày 13/5, đến 23/5 lực lượng chức năng mới ghi nhận có 6 cá thể bò mắc bệnh tại 3 huyện Kon Plông, Ia H’Drai, Sa Thầy và đã tiến hành tiêu hủy.

Tuy nhiên, đến nay, dịch bệnh đã xuất hiện tại 25 thôn, làng của thành phố Kon Tum và các huyện Kon Plông, Ia H’Drai, Sa Thầy và Ngọc Hồi, với số lượng tăng nhanh.

Theo ông Đoàn Thanh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum, nguyên nhân dẫn đến tình trạng dịch bệnh lây lan nhanh là do tập quán chăn thả gia súc của bà con nhân dân khiến virus gây bệnh dễ lây lan từ cá thể mắc bệnh sang các cá thể bò khác.

Bên cạnh đó, tỉnh đang bắt đầu bước vào mùa mưa và là điều kiện lý tưởng cho các sinh vật truyền bệnh trung gian như: ve, mùng,… phát triển. Khi các loại sinh vật này hút máu của con bị bệnh sẽ dễ dàng truyền sang cho con khỏe mạnh.

“Trước mắt Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương có dịch và cán bộ thú y xã tổ chức rà soát, tuyên truyền cho bà con nhân dân hiểu về dịch bệnh, không chăn thả gia súc mắc bệnh. Tỉnh cũng đã phê duyệt kinh phí gần 4 tỷ đồng để mua vaccine phòng bệnh và ngành đã chỉ đạo cho các địa phương lên lịch tiêm vì vaccine là phương pháp duy nhất để ngăn ngừa dịch bệnh,” ông Đoàn Thanh Mai cho biết thêm.

Là một trong những hộ dân có bò bị bệnh viêm da nổi cục, anh Y Plỡ, thôn Rơ Wăk, xã Đăk Năng, thành phố Kon Tum, chia sẻ gia đình anh có đàn bò 3 con thường xuyên chăn thả tại cánh đồng của thôn.

Ngày 5/6, trong lúc đưa bò ra đồng, cán bộ thú y xã đã phát hiện các triệu chứng của bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò.

 

Các cá thể bò nhiễm bệnh được chăm sóc tốt đã dần khỏe mạnh. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)


Ngay sau đó, anh đưa đàn bò về cách ly và nuôi nhốt, cho ăn tại chỗ; đồng thời, các cán bộ thú y đã đến tiêm thuốc điều trị, nâng cao sức đề kháng cho bò. Nhờ vậy, đến nay đàn bò của gia đình anh dần khỏe mạnh, các cục nổi trên da giảm đi đáng kể.

Theo ông Hà Thanh Lâm, Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum, việc hạn chế chăn thả rông trâu, bò sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ nhiễm bệnh viêm da nổi cục do các sinh vật trung gian không có điều kiện để truyền bệnh.

Bên cạnh đó, việc chăm sóc, đảm bảo sức khỏe cho gia súc bị bệnh giúp tăng sức đề kháng cho cá thể mắc bệnh. Vì vậy, bà con nhân dân cần tuân thủ, làm theo khuyến cáo của cơ quan chức năng để tránh dịch bệnh lây lan, gây thiệt hại về kinh tế.

Theo Dư Toán (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm