Kinh tế

Nông nghiệp

Kông Chro: Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm gần đây, nền nông nghiệp huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, cơ cấu cây trồng chuyển dịch theo hướng hợp lý, phù hợp với nhu cầu thị trường và hình thành các vùng chuyên canh phục vụ các nhà máy chế biến nông sản.

Huyện Kông Chro có 40.300 ha cây trồng các loại, trong đó có 4.230 ha lúa, 7.620 ha bắp, 11.590 ha mì, 5.817 ha đậu các loại, 4.080 ha rau, 5.350 ha mía, 460 ha điều, 600 ha cây ăn quả, cây dược liệu và các loại cây hàng năm khác. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, giai đoạn 2016-2020, diện tích cây lương thực giảm từ 16.850 ha xuống còn 11.850 ha; cây mía giảm từ 6.214 ha xuống còn 5.350 ha; cây tinh bột có củ tăng từ 7.382 lên 11.586 ha; cây thực phẩm tăng từ 8.646 ha lên 9.900 ha; cây công nghiệp dài ngày tăng từ 163 ha lên 535 ha; cây ăn quả, dược liệu tăng từ 143 ha lên gần 600 ha; cây điều tăng từ 163 ha lên 460 ha…   

Ông Đinh Văn Blem-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ya Ma chăm sóc cây mì. Ảnh: Lê Nam
Ông Đinh Văn Blem-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ya Ma chăm sóc cây mì. Ảnh: Lê Nam


Gia đình ông Đinh Văn Blem-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ya Ma có 7 ha đất sản xuất. Ông Blem đã xây dựng mô hình trang trại tổng hợp với các loại cây gồm: bắp lai, lúa nước, đậu xanh, mì cao sản và kết hợp với chăn nuôi bò, dê đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông cho hay: “Trước đây, gia đình chủ yếu trồng mì và bắp địa phương, lại chưa biết cách chăm sóc, bón phân hợp lý nên năng suất thấp. Thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp và học hỏi từ các cựu chiến binh trong huyện, tôi đã triển khai mô hình tổng hợp đa canh các loại cây trồng nhằm tránh rủi ro nếu có loại nông sản nào đó mất giá. Nhờ vậy, mỗi năm gia đình tích lũy được khoảng 120 triệu đồng”.

Tương tự, trên địa bàn xã Yang Trung, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích mía, mì kém hiệu quả và lúa nước thường xuyên bị hạn sang trồng cây ăn quả và các loại rau màu. Bước đầu, việc chuyển đổi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong giai đoạn 2016-2020, diện tích cây ăn quả của xã đã tăng từ 50 ha lên 130 ha và trở thành một trong những cây trồng mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân. Ông Nguyễn Hồng Thái (thôn 9, xã Yang Trung) cho hay: “Tôi có 1,7 ha na dai, 1 ha nhãn ghép và đào ao để vừa nuôi cá vừa lấy nước tưới cho cây trồng. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình có thu nhập trên 300 triệu đồng”.

Theo ông Đặng Thế Quyền-Chủ tịch UBND xã Yang Trung:  Nhờ chuyển đổi cây trồng mà đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Nếu như năm 2016, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 12 triệu đồng thì đến cuối năm 2020 đã nâng lên 42 triệu đồng/người/năm. “Thời gian đến, xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp với cơ quan chuyên môn mở các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp và triển khai một số mô hình để người dân chuyển đổi cây trồng, nâng cao thu nhập. Đến năm 2025, xã phấn đấu nâng diện tích cây ăn quả lên khoảng 250 ha. Cùng với đó, xã tiếp tục hướng dẫn, vận động người dân sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ và hướng đến xây dựng thành sản phẩm OCOP”-ông Quyền cho hay.   

 Mô hình trồng bắp sinh khối ở huyện Kông Chro cho thu nhập cao. Ảnh: Lê Nam
Mô hình trồng bắp sinh khối ở huyện Kông Chro cho thu nhập cao. Ảnh: Lê Nam


Trao đổi với P.V, ông Huỳnh Ngọc Ẩn-Phó Chủ tịch UBND huyện-cho biết: Trong những năm gần đây, người dân đã tích cực chuyển đổi những diện tích lúa nước thường xuyên bị hạn, diện tích mía năng suất thấp sang trồng cây ăn quả, cây rau màu, cây lâm nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, việc chuyển đổi cây trồng phải đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của huyện nhằm tạo ra sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Cùng với đó, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

“Thời gian tới, huyện tiếp tục mở rộng diện tích cây ăn quả và phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có hơn 1.000 ha cây ăn quả, cũng như mở rộng diện tích cây dược liệu dưới tán rừng và phát triển lên khoảng 4.000 ha rau, hoa, quả.  Cùng với đó, xây dựng vùng sản xuất lúa đặc sản với diện tích 200-300 ha; 2.500 cây điều ghép; 50 ha măng tây; xây dựng cơ sở trồng trọt công nghệ cao trong nhà lưới, ứng dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt và khuyến khích các doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm với nông dân… để sản xuất nông nghiệp của huyện phát triển bền vững, nâng cao đời sống cho người nông dân”-ông Ẩn thông tin thêm.

 

LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm