(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đã tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển giao thông nông thôn ngày càng hoàn thiện và đồng bộ. Giải pháp này không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân mà còn tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Hoàn thiện mạng lưới giao thông nông thôn
Tuyến đường huyết mạch nối từ ngã ba đường Trường Sơn Đông đi trung tâm xã Đak Pơ Pho được đầu tư và đưa vào sử dụng trong năm 2019 đã đem đến niềm vui lớn cho người dân nơi đây.
Ông Trương Quang Giàu-Chủ tịch UBND xã Đak Pơ Pho-chia sẻ: “Con đường này do làm đã lâu năm, cộng với xe cộ đi lại nhiều nên xuống cấp. Mặt đường đã bị bong tróc, xuất hiện nhiều ổ gà, mùa nắng thì bụi, mưa xuống thì sình lầy. Năm 2018, con đường có tổng chiều dài 12,5 km được đầu tư hơn 16 tỷ đồng để bê tông hóa toàn bộ”.
Cũng theo ông Giàu, từ năm 2016 đến nay, với hơn 45 tỷ đồng từ các nguồn vốn đầu tư đã giúp xã hoàn thành tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới.
Cầu dân sinh dẫn vào khu sản xuất ở thôn 3 (xã Đak Pơ Pho) được xây dựng kiên cố giúp người dân vận chuyển nông sản thuận lợi. Ảnh: Ngọc Sang |
Sau thời gian triển khai thi công, tuyến đường vào các khu sản xuất của xã Đak Tơ Pang dài gần 3,5 km đã hoàn thành. Ông Trần Ngọc Cường-Chủ tịch UBND xã Đak Tơ Pang-cho hay: Tuyến đường này trước đây là đường đất nên việc đi lại rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Được sự quan tâm của các cấp, tuyến đường được đổ bê tông toàn bộ, giúp người dân vận chuyển nông sản thuận tiện.
Bên cạnh đó, những năm qua, tranh thủ các nguồn vốn lồng ghép cùng sự đồng tình ủng hộ của người dân, hệ thống giao thông trên địa bàn xã đều được bê tông hóa, tạo thuận lợi trong đi lại cũng như giao thương hàng hóa, từng bước thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Kông Chro-thông tin: Từ năm 2007 đến nay, toàn huyện đã đầu tư xây dựng hàng trăm hạng mục công trình giao thông có tổng chiều dài khoảng 400 km với kinh phí hơn 620 tỷ đồng. Đồng thời, việc mở rộng các tuyến đường liên thôn, liên xã đã tạo nên điểm nhấn kết nối giao thông giữa các địa phương trên địa bàn huyện, góp phần giải quyết tình trạng cô lập vào mùa mưa.
“Đặc biệt, trong 210 km đường giao thông liên xã thì có 200 km đã được bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại của người dân cũng như vận chuyển hàng nông sản. Hiện nay, 100% thôn, làng trên địa bàn huyện có đường bê tông, 8/13 xã đạt tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới”-ông Sơn nói.
“Đòn bẩy” để giảm nghèo
Việc ưu tiên đầu tư phát triển giao thông nông thôn đã thu hẹp dần khoảng cách giữa các làng đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa của huyện, trở thành đòn bẩy giúp các địa phương thoát nghèo bền vững.
Ông Đinh Văn Song (thôn 3, xã Đak Pơ Pho) phấn khởi nói: “Trước đây, do đường sá xuống cấp, gây khó khăn trong đi lại cũng như vận chuyển nông sản nên sản phẩm làm ra không bán được hoặc bán với giá thấp. Chính vì thế, cuộc sống của gia đình tôi gặp nhiều khó khăn, cái nghèo cứ đeo bám quanh năm. Từ khi được Nhà nước đầu tư làm đường bê tông rộng rãi, việc đi lại, giao thương thuận lợi, nông sản không bị ép giá, đời sống người dân ngày một khá lên”.
Theo Chủ tịch UBND xã Đak Pơ Pho, toàn xã có trên 3.000 ha cây trồng, nhu cầu vận chuyển nông sản rất lớn. Việc đầu tư nâng cấp các tuyến đường giao thông là bước ngoặt cho công tác xóa đói giảm nghèo của xã nhờ giao thương trao đổi hàng hóa thuận lợi, hạn chế tình trạng ép giá nông sản.
Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm; tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Đường vào khu sản xuất làng Đak Hway (xã Đak Tơ Pang) được bê tông hóa giúp người dân đi lại, vận chuyển nông sản thuận lợi. Ảnh: Ngọc Sang |
Tương tự, ông Đinh Văn Dưng (làng Đak Hway, xã Đak Tơ Pang) cho hay: “Bây giờ, đường sá đã được bê tông hóa, kể cả đường vào khu sản xuất. Gia đình tôi cũng như dân làng sẽ cố gắng phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập, tiến tới thoát nghèo bền vững”.
Ông Trần Ngọc Cường-Chủ tịch UBND xã Đak Tơ Pang-thông tin: Toàn xã hiện có 367 hộ với 1.608 khẩu, chủ yếu là người Bahnar (chiếm trên 93%), tỷ lệ hộ nghèo chiếm 43,67%. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay phát triển sản xuất. Xã phấn đấu đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 6%.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: “Thời gian tới, bằng nhiều nguồn vốn và tranh thủ huy động trong dân, huyện sẽ tiếp tục đầu tư các hạng mục giao thông nông thôn tại các xã chưa đạt tiêu chí giao thông, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông trên địa bàn. Bên cạnh đó, huyện sẽ triển khai công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa từng tuyến đường để hệ thống giao thông được thông suốt, phấn đấu hoàn thành tiêu chí giao thông trong năm 2020”.
NGỌC SANG