(GLO)- Mô hình “Đoạn đường ánh sáng” do các cấp hội Phụ nữ huyện Kông Chro phối hợp với chính quyền địa phương triển khai đã góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Nhiều lợi ích
Khu dân cư thôn 6 (xã An Trung) nằm dọc 2 bên tỉnh lộ 662, dài gần 3 km. Trên địa bàn thôn có trụ sở UBND xã và một số trường học nên lượng người, phương tiện lưu thông khá đông. Trưởng thôn Mai Văn Phụng cho hay: “Ban đêm, các vụ va chạm, tai nạn giao thông, trộm cắp vặt, thanh niên tụm năm, tụm ba gây gổ thường xuyên xảy ra. Trước tình hình đó, năm 2012, chi hội Phụ nữ thôn phối hợp với các hội, đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp kinh phí, lắp đặt 35 bóng điện dọc tuyến đường khu dân cư”. Nhờ đó, nạn trộm cắp, tai nạn giao thông giảm hẳn; tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội ổn định; việc giao thương buôn bán, đi lại của người dân thuận lợi hơn. Chị Nguyễn Thị Nga cho biết: “Hệ thống điện chiếu sáng được mở từ 18 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau đã giúp cho việc buôn bán của gia đình tôi thuận lợi hơn. Mỗi lần đi họp thôn cũng không còn ngại sớm tối”.
Mô hình “Đoạn đường ánh sáng” góp phần đảm bảo an ninh trật tự, giảm tai nạn giao thông. Ảnh: N.M |
Chị Ngô Thị Vần-Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ thôn 6-chia sẻ: Chi hội Phụ nữ thôn 6 là một trong những đơn vị đầu tiên triển khai mô hình “Đoạn đường ánh sáng” trên địa bàn huyện Kông Chro. Trước khi bắt tay vào triển khai mô hình, chúng tôi kiểm tra, rà soát, xây dựng kế hoạch thực hiện; thành lập Ban quản lý vận hành và vận động mỗi hộ dân đóng góp 250.000 đồng để mua dây, bóng điện. Để duy trì vận hành và có kinh phí sửa chữa, Ban quản lý thu thêm 100 ngàn đồng/hộ/năm. Nhờ sự đồng thuận của người dân mà hệ thống điện đường được duy trì, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trong khu dân cư.
Nhân rộng mô hình
Đầu năm 2019, chi hội Phụ nữ làng Châu (xã Chư Krêy) phối hợp với các hội, đoàn thể triển khai mô hình “Đoạn đường ánh sáng”, vận động 162 hộ dân trong làng đóng góp 100 ngàn đồng/hộ. Từ số tiền này, chi hội mua 20 bóng đèn compact, dây điện và dân làng tự kéo dây câu bóng, đồng thời giao cho 20 hội viên, phụ nữ vận hành. Chị Đinh Thị A Lich-Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ làng Châu-chia sẻ: “Điều đáng nói là trong 1 năm nay, 20 hộ hội viên, phụ nữ đã tự nguyện chi trả tiền điện của toàn bộ đoạn đường này. Để duy trì mô hình, chúng tôi sẽ có giải pháp gây quỹ như làm công, làm rẫy tập thể nhằm có nguồn kinh phí chi trả tiền điện. Ngoài ra sẽ vận động người dân, hội viên, phụ nữ đóng góp số tiền 30-50 ngàn đồng/năm”.
Chị Khương Thị Thủy-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Chư Krêy-cho biết: Đến nay, toàn xã có 2 làng thực hiện mô hình này. Các làng Vẽ, Sơ Rơn, Lơ Bơ đã triển khai nhưng tỷ lệ hội viên, phụ nữ và người dân tham gia còn thấp. Thời gian tới, Hội sẽ vận động cán bộ, hội viên tham gia; đồng thời phối hợp với các ban ngành, hội, đoàn thể tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia chung tay thắp sáng đường làng ngõ xóm.
Theo thống kê, đến nay, toàn huyện Kông Chro có 32/74 thôn, làng của 7/14 xã, thị trấn triển khai mô hình “Đoạn đường ánh sáng” với sự tham gia của 626 hộ dân, qua đó đã lắp đặt được 357 bóng điện. Bà Trương Thị Hồng-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Kông Chro-nhận xét: Việc triển khai mô hình đã nâng cao nhận thức của người dân trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số về việc gìn giữ, bảo vệ an ninh trật tự ở khu dân cư. Thời gian tới, Hội sẽ phối hợp với Đoàn Thanh niên xây dựng kế hoạch thật chi tiết và các giải pháp nhằm thực hiện, duy trì mô hình có hiệu quả; các cấp Hội tiếp tục phối hợp với các hội, đoàn thể triển khai mô hình “Đoạn đường ánh sáng” ở các xã còn lại.
An Phát