(GLO)- Tháng 9 vừa qua, Chi cục Quản lý chất lượng Nông-Lâm sản và Thủy sản tỉnh Gia Lai đã hỗ trợ Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dịch vụ An Nhiên (xã An Trung, huyện Kông Chro) triển khai mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Mô hình nhằm hướng nông dân nơi đây đến việc sản xuất rau an toàn để nâng cao giá trị hàng hóa, mang lại thu nhập ổn định.
Bà Trần Thị Tầm-Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ An Nhiên-cho hay: Hợp tác xã thành lập vào đầu năm 2019, đến nay có 10 thành viên. Đầu tháng 9 vừa qua, được sự hỗ trợ kinh phí của Chi cục Quản lý chất lượng Nông-Lâm sản và Thủy sản tỉnh, HTX đã triển khai mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 10 ha với các loại như: dưa leo, khổ qua, đậu bắp, ớt, cà chua, cà tím, cà giòn, cà dĩa và một vài loại rau ăn lá. Tham gia mô hình, các thành viên được tập huấn, hướng dẫn quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, áp dụng các quy phạm thực hành chuẩn, các biểu mẫu ghi chép trong canh tác; cách thức làm đất, chọn giống, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bảo quản, vận chuyển rau an toàn… Thông qua các lớp tập huấn, nhận thức của các thành viên HTX trong việc sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đã có sự chuyển biến. Họ đã tăng cường sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, áp dụng kỹ thuật và công nghệ tiên tiến trong sản xuất để giảm chi phí, hạn chế tác động xấu đến môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Anh Nguyễn Thanh Luân-thành viên HTX Nông nghiệp và Dịch vụ An Nhiên (xã An Trung, huyện Kông Chro) thu hoạch dưa leo trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: N.M |
Anh Nguyễn Thanh Luân-thành viên HTX Nông nghiệp và Dịch vụ An Nhiên-cho biết, gia đình anh có gần 3 ha đất, chủ yếu trồng dưa leo. Trước đây, mỗi lần thấy sâu bệnh xuất hiện trên cây trồng, anh lại ra cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật mua thuốc về phun. Khi biết việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật gây ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe và môi trường, anh đã chủ động hạn chế. Anh cũng dần thay thế phân vô cơ bằng phân hữu cơ bón cho cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tuy đã nỗ lực nhưng anh vẫn chưa nắm rõ quy trình sản xuất rau an toàn mà chủ yếu là tự làm theo kinh nghiệm. Vì vậy, đầu tháng 9 vừa qua, khi HTX Nông nghiệp và Dịch vụ An Nhiên triển khai mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, anh liền đăng ký tham gia. Qua các buổi tập huấn, anh đã học được nhiều kiến thức bổ ích để sản xuất rau an toàn.
Còn chị Đỗ Thị Trinh-thành viên HTX thì chia sẻ: “Khi tham gia mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP do HTX triển khai, gia đình tôi đã lập sổ ghi chép tất cả quá trình trồng, chăm sóc, thu hái; sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có trong danh mục cho phép và phải tuân thủ theo hướng dẫn “4 đúng” (đúng liều lượng, đúng thuốc, đúng cách và đúng lúc); tùy loại thuốc mà ngưng sử dụng trước khi thu hoạch một thời gian nhất định”.
Theo bà Tầm, sau một thời gian thực hiện mô hình, các thành viên đã nắm vững quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Các ngành chức năng cũng đã lấy mẫu rau để kiểm nghiệm, kết quả đều đạt tiêu chuẩn. Cuối tháng 11 này, Chi cục Quản lý chất lượng Nông-Lâm sản và Thủy sản tỉnh sẽ trao giấy chứng nhận VietGAP cho HTX. Hợp tác xã đã ký hợp đồng với Công ty TNHH một thành viên Ngọc Khánh Vinh (TP. Đà Nẵng) để bao tiêu sản phẩm cho các thành viên. Liên minh HTX Việt Nam cũng tạo điều kiện cho HTX mượn một gian hàng rộng 30 m2 tại chợ Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) để trưng bày, giới thiệu sản phẩm… “Đây là những điều kiện hết sức thuận lợi để HTX cung ứng những hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp an toàn ra thị trường, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Tuy nhiên, để mô hình sản xuất rau an toàn phát triển bền vững, HTX rất cần sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ hơn nữa của các cấp chính quyền về vốn, cơ chế chính sách”-bà Tầm bày tỏ.
Ông Võ Văn Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kông Chro-cho biết: Kông Chro có thế mạnh về trồng rau ăn quả như: bí, ớt, khổ qua, các loại cà… Mô hình sản xuất rau ăn quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ An Nhiên đã phát huy lợi thế các cây trồng sẵn có tại địa phương. Đây là mô hình mẫu để huyện nhân rộng ra các xã, thị trấn trên địa bàn. “Cuối tháng 11 này, nhân dịp Chi cục Quản lý chất lượng Nông-Lâm sản và Thủy sản tỉnh trao giấy chứng nhận VietGAP cho HTX, ngành chuyên môn sẽ tổ chức hội thảo mời thành viên một số HTX trên địa bàn huyện tới tham quan, học tập. Qua đó, tuyên truyền tới người dân quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng đến xây dựng thương hiệu riêng cho rau ăn quả của Kông Chro, góp phần nâng tầm giá trị hàng hóa, mang lại thu nhập ổn định, nâng cao đời sống người dân”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kông Chro thông tin thêm.
NGỌC MINH