Điểm đến Gia Lai

Kông Chro quyết liệt phòng-chống cháy rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời tiết nắng nóng kéo dài trong mùa khô 2018-2019 khiến hàng ngàn héc ta rừng ở huyện Kông Chro (Gia Lai) đứng trước nguy cơ xảy ra cháy. Vì vậy, chính quyền địa phương và các đơn vị chủ rừng đang tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Kông Chro là địa phương có diện tích rừng và đất rừng lớn thứ 2 của tỉnh (sau huyện Kbang) với gần 77.000 ha; trong đó, rừng tự nhiên hơn 72.816 ha, còn lại là rừng trồng. Tổng diện tích rừng dễ cháy khoảng hơn 17.889 ha (UBND cấp xã quản lý hơn 14.311 ha); tổng diện tích rừng rất dễ cháy hơn 8.888 ha (UBND cấp xã quản lý khoảng 7.110 ha); tổng diện tích rừng trọng điểm cháy gần 5.582 ha, phân bố chủ yếu trên 5 vùng thuộc các xã: Đak Kơ Ning, Yang Nam, An Trung, Chơ Long và Ya Ma; đặc biệt, khu vực thuộc khoảnh 3, tiểu khu 770, xã Chơ Long có nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao.
Việc đốt trước thực bì có điều khiển sẽ góp phần đáng kể vào công tác PCCCR. Ảnh: H.T
Ông Nguyễn Lâm-Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro-cho biết: Ngay từ cuối năm 2018, UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo Hạt Kiểm lâm, các công ty lâm nghiệp trên địa bàn và UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện các biện pháp PCCCR mùa khô 2018-2019. Là cơ quan thường trực của Ban Chỉ huy PCCCR cấp huyện, Hạt Kiểm lâm đã tham mưu UBND huyện kiện toàn Ban Chỉ huy PCCCR, tổ xung kích chữa cháy rừng, đội quần chúng bảo vệ rừng và phân công nhiệm vụ cho các thành viên; đồng thời xây dựng kế hoạch PCCCR và phương án chữa cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ”, đảm bảo huy động đầy đủ lực lượng, phương tiện, dụng cụ sẵn sàng tham gia chữa cháy kịp thời khi có cháy rừng xảy ra. Hạt cũng phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền cấp xã và các đơn vị chủ rừng trực phòng cháy 24/24 giờ tại các vùng trọng điểm cháy; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCCCR bằng 2 thứ tiếng Kinh-Bahnar, Kinh-Jrai; thường xuyên tuần tra, canh gác lửa rừng, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ dân sản xuất, canh tác nương rẫy gần và liền kề rừng làm băng trắng cản lửa trước khi đốt dọn thực bì; tổ chức ký cam kết an toàn lửa rừng đến từng hộ gia đình và cộng đồng thôn, làng.
“Ngoài ra, chúng tôi còn chỉ đạo 4 tổ kiểm lâm địa bàn làm nhiệm vụ trực PCCCR kết hợp chốt chặn, kiểm tra, kiểm soát lâm sản tại cầu Pơ Kơ (xã Ya Ma) và các xã: Kông Yang, Chơ Long, An Trung. Theo kế hoạch, từ ngày 18-2 đến 28-2, Ban Chỉ huy PCCCR huyện sẽ tiến hành kiểm tra, đôn đốc đợt 1 về việc tổ chức, thực hiện công tác PCCCR mùa khô 2019 đối với các xã, thị trấn và đơn vị chủ rừng. Thời gian qua, trên địa bàn huyện nói chung và các vùng trọng điểm cháy nói riêng chưa xảy ra vụ cháy rừng lớn nào. Hầu hết các vụ việc do người dân phát đốt nương rẫy cháy lan vào rừng đều được phát hiện và dập tắt kịp thời”-ông Lâm nói.
Lực lượng kiểm lâm địa bàn phối hợp với các xã, thị trấn trực PCCCR 24/24 tại các khu vực trọng điểm cháy. Ảnh: Hồng Thi

Ông Nguyễn Lâm-Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kông Chro: “Đồng bào Bahnar sinh sống, canh tác nương rẫy gần và liền kề rừng; một số người dân vẫn lén lút phát, đốt, lấn chiếm rừng và đất rừng để làm nương rẫy trái phép dễ gây cháy rừng. Lực lượng kiểm lâm địa bàn mỏng, thiếu, có kiểm lâm địa bàn phải kiêm nhiệm 2 xã nên công tác trực, kiểm tra lửa rừng còn có phần hạn chế”.

Thực hiện phương án PCCCR đã được phê duyệt, thời điểm này, các đơn vị chủ rừng đứng chân trên địa bàn huyện Kông Chro đang tiến hành đốt trước thực bì có điều khiển để phòng-chống cháy rừng đối với các diện tích quản lý. Ông Từ Tấn Lộc-Kiểm soát viên Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kông Chro-cho hay: Bước vào cao điểm mùa khô, Công ty đã huy động cán bộ kỹ thuật, công nhân viên thực hiện các biện pháp làm giảm nguồn vật liệu cháy như xử lý thực bì bằng biện pháp đốt trước có điều khiển, vệ sinh rừng… “Theo đó, từ ngày 12-2 đến 20-2, chúng tôi tiến hành đốt thực bì tại tiểu khu 743, 744, 745 với diện tích khoảng 45 ha rừng trồng bạch đàn tái sinh chồi năm 2 tại xã Kông Yang và tiểu khu 837, 839 với diện tích khoảng 105 ha rừng trồng thông tại xã Đak Song. Công ty đang quản lý 21.678,8 ha rừng và đất rừng, trong đó có trên 1.600 ha rừng trồng và khoảng 16.000 ha rừng tự nhiên, còn lại là đất trống chuẩn bị trồng rừng”-ông Lộc nói.
Thực tế cho thấy, dù đã có nhiều nỗ lực song công tác PCCCR trên địa bàn huyện Kông Chro còn gặp không ít khó khăn. Đặc thù của rừng Kông Chro đa phần là rừng khộp rụng lá hàng năm tạo lớp thực bì dày nên rất dễ xảy ra cháy rừng vào mùa nắng nóng; rừng thường xanh khá ít, chỉ phân bố ở xã Đak Pling và Đak Song. Một số diện tích rừng trồng phân bố tập trung ở các địa hình đồi núi cao, độ dốc lớn nên nếu xảy ra cháy rừng sẽ rất khó để lực lượng, phương tiện tiếp cận chữa cháy. Thời tiết trên địa bàn diễn biến phức tạp, mùa khô kéo dài kết hợp với gió Tây Nam thịnh hành khiến không khí khô khốc; trong khi đó hầu hết các khe, suối nhỏ không có nước để chữa cháy thủ công khi cần.
Mộc Trà

Có thể bạn quan tâm