Kinh tế

Nông nghiệp

Kông Chro quyết tâm ngăn chặn bệnh viêm da nổi cục

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Để ngăn chặn dịch bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên đàn gia súc, UBND huyện Kông Chro chỉ đạo ngành chức năng triển khai đồng bộ các biện pháp phòng-chống dịch bệnh, hạn chế lây lan, giảm thiệt hại cho người chăn nuôi.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp
Đầu tháng 6-2021, bệnh VDNC xuất hiện tại 2 xã Đak Tơ Pang và Đak Song. Đến nay, 14/14 xã, thị trấn của huyện đã có bò nhiễm bệnh VDNC. Tính đến ngày 13-7, toàn huyện có 393 con bò nhiễm bệnh VDNC, trong đó có 12 con bị chết với tổng trọng lượng 1.920 kg.
Vừa tiêu hủy 1 con bò bị chết do bệnh VDNC, bà Nguyễn Thị Ân (thôn 2, xã Kông Yang) buồn bã kể: “Đầu tháng 7-2021, 1 trong 5 con bò xuất hiện những cục sần ở cổ, trên lưng. Cán bộ thú y xã hướng dẫn nhốt riêng con bò bị bệnh và cách điều trị. Thấy bệnh thuyên giảm nên tôi chủ quan không điều trị đến cùng dẫn đến bò bị bệnh nặng rồi chết”.
Gia đình ông Đinh Hloah (tổ dân phố Plei Nghe, thị trấn Kông Chro) đã chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh VDNC cho đàn bò 11 con. Tuy nhiên, đầu tháng 7-2021, 1 con bò trong đàn mắc bệnh VDNC. Ông cho biết: “Khi có 1 con bò nhiễm bệnh, tôi đã tuân thủ các biện pháp điều trị, đồng thời tích cực chăm sóc, phòng ngừa bệnh VDNC cho đàn bò. Nhờ đó, con bò bị bệnh đã bình phục, 10 con khác khỏe mạnh”.
Ông Đinh Hloah (tổ dân phố Plei Nghe, thị trấn Kông Chro) nhốt riêng con bò bị bệnh để điều trị. Ảnh: Ngọc Minh
Ông Đinh Hloah (tổ dân phố Plei Nghe, thị trấn Kông Chro) nhốt riêng con bò bị bệnh để điều trị. Ảnh: Ngọc Minh
Tại xã An Trung, dịch bệnh VDNC cũng diễn biến phức tạp. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thị Phượng cho hay: “Toàn xã có 7.676 con trâu, bò. Đầu tháng 6-2021, bệnh VDNC xuất hiện trên một số con bò của người dân. Đến nay, toàn xã có 80 con bò mắc bệnh VDNC. Ngay khi bệnh xuất hiện, xã đã kiện toàn chốt kiểm soát dịch bệnh VDNC tại làng Pơbahku; thành lập tổ kiểm soát dịch bệnh VDNC; chỉ đạo cán bộ chuyên trách phối hợp với các thôn, làng rà soát tổng hợp số lượng trâu, bò mắc bệnh; đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động tiêm vắc xin, cách phòng-chống và điều trị bệnh VDNC. Cùng với đó, xã đã xuất hơn 7 triệu đồng hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo mua vắc xin phòng bệnh VDNC cho hơn 100 con bò. Người dân cũng tiêm vắc xin phòng bệnh VDNC cho đàn gia súc đạt trên 44%”.
Triển khai các giải pháp phòng bệnh
Ông Nguyễn Bá Tỵ-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kông Chro-cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, sau khi phát hiện dịch bệnh VDNC trên địa bàn, Trung tâm phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT, UBND các xã, thị trấn nhanh chóng khoanh vùng, tập trung xử lý những con bò bị bệnh VDNC. Đồng thời, cử cán bộ chuyên môn hướng dẫn các hộ có bò bị bệnh thực hiện các biện pháp cách ly, điều trị. Đến nay, đã có 72 con bò mắc bệnh đã ăn uống bình thường, các nốt u, cục trên da khỏi 60-70%.
Cũng theo ông Tỵ, đến nay, các xã, thị trấn đã phun hơn 400 lít hóa chất và rải hàng chục ki lô gam vôi bột để tiêu độc khử trùng phòng-chống bệnh VDNC; các địa phương đã vận động người dân tự mua vắc xin tiêm phòng bệnh VDNC cho 10.378 con trâu, bò.
Trao đổi với P.V, ông Huỳnh Ngọc Ẩn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro-thông tin: Ủy ban nhân dân huyện tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp phối hợp cùng Phòng Nông nghiệp và PTNT, UBND các xã, thị trấn kiểm tra tình hình dịch bệnh; tổ chức tuyên truyền cho các hộ chăn nuôi về bệnh VDNC trên trâu, bò; khuyến cáo các hộ phun thêm hóa chất, rải vôi bột diệt ruồi, muỗi, ve, mòng… để hạn chế vật trung gian truyền bệnh; tập trung chăm sóc, bổ sung thêm thức ăn giàu dinh dưỡng cho trâu, bò.
Chốt kiểm soát động vật tại xã Đak Song (huyện Kông Chro). Ảnh Ngọc Minh
Chốt kiểm soát dịch bệnh gia súc, gia cầm tại xã Đak Song (huyện Kông Chro). Ảnh: Ngọc Minh
Bên cạnh đó, các địa phương duy trì hoạt động của 7 chốt kiểm soát, ngăn chặn việc vận chuyển trâu, bò và sản phẩm từ trâu, bò ra, vào vùng có dịch. Quản lý chặt đối với gia súc bị mắc bệnh, thực hiện cách ly, chữa trị, nghiêm cấm chăn thả, tổ chức tiêu hủy ngay đối với các trường hợp gia súc chết theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tiếp nhận 580 lít hóa chất Benkocid từ Sở Nông nghiệp và PTNT cấp hỗ trợ. Tiến hành tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực có gia súc bị bệnh và các khu vực xung quanh, khu vực có nguy cơ cao như cơ sở giết mổ, chợ, bãi chăn thả.
“Ngoài ra, UBND huyện chỉ đạo ngành chuyên môn tiếp tục sử dụng xe loa, loa di động và hệ thống truyền thanh thường xuyên tuyên truyền về tác hại và các biện pháp phòng-chống dịch bệnh VDNC để hộ chăn nuôi biết triển khai phòng-chống dịch hiệu quả; xây dựng file số tuyên truyền bằng 2 thứ tiếng (Kinh và Bahnar) chuyển cho UBND các xã, thị trấn tuyên truyền nâng cao hiệu quả phòng-chống dịch bệnh”-Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro nhấn mạnh.
NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm