Kinh tế

Nông nghiệp

Kông Chro trao “cần câu” cho người nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đã hỗ trợ 133 con bò sinh sản cho hộ nghèo, cận nghèo. Với việc được trao “cần câu”, người dân có điều kiện phát triển chăn nuôi, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Động lực để hộ nghèo vươn lên

Cuối tháng 11-2023, gia đình ông Đinh Guech (làng Tnang, xã Yang Trung) được Nhà nước hỗ trợ 1 con bò sinh sản từ Tiểu dự án 1-Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Ông Guech phấn khởi nói: “Do ít đất sản xuất nên tôi phải đi làm thuê để mưu sinh. Năm 2023, gia đình được hỗ trợ 1 con bò sinh sản. Đây là động lực để gia đình từng bước phát triển kinh tế, phấn đấu vươn lên thoát nghèo”.

Ông Đinh Guech (làng Tnang, xã Yang Trung) chăm sóc bò được hỗ trợ từ Tiểu dự án 1-Dự án 3. Ảnh: N.D

Ông Đinh Guech (làng Tnang, xã Yang Trung) chăm sóc bò được hỗ trợ từ Tiểu dự án 1-Dự án 3. Ảnh: N.D

Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kông Chro: Trong 2 năm (2022-2023), từ nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ hơn 2,1 tỷ đồng và ngân sách huyện 220 triệu đồng, địa phương đã xây dựng 14 mô hình nuôi bò sinh sản ở các xã, thị trấn, hỗ trợ 133 con bò sinh sản cho các hộ nghèo và cận nghèo.

Mỗi mô hình này đều có 1 nhóm trưởng là hộ sản xuất kinh doanh giỏi (không được cấp bò) đứng ra theo dõi, hướng dẫn các hộ nghèo, cận nghèo chăm sóc bò thật tốt để phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của Nhà nước.

Hướng đến thoát nghèo bền vững

Kông Chro là một trong những địa phương có đàn bò lớn nhất tỉnh. Huyện có diện tích đồng cỏ chăn thả tự nhiên rộng lớn và nguồn thức ăn chăn nuôi từ các phế phẩm nông nghiệp dồi dào. Bên cạnh đó, người dân nơi đây chú trọng phát triển chăn nuôi bò hơn các vật nuôi khác.

Vì vậy, khi triển khai thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, hầu hết các hộ đều lựa chọn nuôi bò sinh sản để mở hướng thoát nghèo bền vững.

Ông Đinh Vốt-Nhóm trưởng thường xuyên hỗ trợ nhóm nuôi bò làng Pơbahktu ( xã An Trung). Ảnh: N.D

Ông Đinh Vốt-Nhóm trưởng thường xuyên hỗ trợ nhóm nuôi bò làng Pơbahktu ( xã An Trung). Ảnh: N.D

Theo kết quả rà soát năm 2023, huyện Kông Chro còn 4.336 hộ nghèo (chiếm 33,78%), giảm 697 hộ so với cuối năm 2022. Trong đó, có 4.186 hộ nghèo người dân tộc thiểu số, chiếm 96,54% số hộ nghèo toàn huyện, giảm 647 hộ so với cuối năm 2022.

Ngoài ra, huyện còn 1.884 hộ cận nghèo (chiếm 14,68%), giảm 35 hộ so với năm 2022; trong đó có 1.493 hộ người dân tộc thiểu số, chiếm 79,24% số hộ cận nghèo toàn huyện.

Bà Nguyễn Thị Phượng-Chủ tịch UBND xã An Trung-cho biết: Trong 2 năm (2022-2023), UBND xã phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ 7 con bò sinh sản cho hộ nghèo tại làng Ó và làng Chiêu Liêu.

Nhóm trưởng và cán bộ xã thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn nên đàn bò đang phát triển tốt. Người dân kỳ vọng mô hình nuôi bò sinh sản sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo động lực vươn lên thoát nghèo bền vững.

Trao đổi với P.V, ông Trần Văn Đấu-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Các hộ nghèo và cận nghèo đều lựa chọn nuôi bò sinh sản để phát triển kinh tế. Đặc biệt, trong quá trình triển khai thực hiện, nhóm trưởng mô hình mời các hộ tự lựa chọn bò sinh sản và thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho đàn bò.

“Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan và các xã, thị trấn hỗ trợ theo nhu cầu của người dân để giúp họ sớm vươn lên thoát nghèo bền vững”-ông Đấu thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm