Điểm đến Gia Lai

Krông Pa: Giảm 54 thôn, buôn, tổ dân phố sau sáp nhập

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sáng 23-9, đoàn công tác do ông Thái Thanh Bình-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Gia Lai làm trưởng đoàn đã tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách và người trực tiếp tham gia công việc ở thôn, làng, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn huyện Krông Pa.
Thực hiện Đề án sáp nhập thôn, buôn, tổ dân phố giai đoạn 2018-2021, huyện Krông Pa đã giảm số thôn, buôn, tổ dân phố từ 131 xuống còn 77; giảm số người hoạt động không chuyên trách và người trực tiếp tham gia công việc ở thôn, buôn, tổ dân phố từ 1.310 xuống còn 770 người. Số nhà văn hóa ở các khu dân cư giảm từ 122 xuống còn 45. Tổng kinh phí phụ cấp, hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách và người trực tiếp tham gia công việc ở thôn, buôn, tổ dân phố trước khi sắp xếp là trên 16,4 tỷ đồng; sau khi sáp nhập giảm còn trên 10,6 tỷ đồng, tiết kiệm được hơn 5,8 tỷ đồng/năm. Từ nguồn tiết kiệm, địa phương đã hỗ trên 581 triệu đồng cho 212 đối tượng.  
Quang cảnh buổi làm việc của đoàn giám sát Ban Pháp chế HĐND tỉnh tại huyện Krông Pa. Ảnh: Vũ Chi
Quang cảnh buổi làm việc của đoàn giám sát Ban Pháp chế HĐND tỉnh tại huyện Krông Pa. Ảnh: Vũ Chi
Tuy nhiên, bất cập lớn nhất trong quá trình sáp nhập là sự phân biệt trong giải quyết chế độ chính sách khi các đối tượng trực tiếp tham gia làm việc ở thôn, buôn, tổ dân phố gồm các chức danh: Chi hội trưởng Chi hội Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Bí thư Chi Đoàn dôi dư sau sáp nhập không được hỗ trợ. Bên cạnh đó, một số thủ tục hành chính, đặc biệt là khi người dân đăng ký quyền sử dụng đất phải sửa đổi thông tin gây tốn kém kinh phí…
Phát biểu kết luận buổi giám sát, ông Thái Thanh Bình đánh giá cao việc thực hiện công tác sáp nhập thôn, buôn, tổ dân phố của huyện nhận được sự đồng thuận cao của người dân, giúp tinh gọn bộ máy hành chính, tiết kiệm nguồn ngân sách, tạo điều kiện giao lưu, hỗ trợ phát triển kinh tế giữa các địa phương. Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh nhấn mạnh: Sau sắp xếp, các địa phương của huyện cần tiếp tục phổ biến kỹ các chính sách của Nhà nước đến với người dân, có giải pháp phù hợp khắc phục các khó khăn, tránh xảy ra khiếu nại. Đặc biệt, huyện cần chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực thôn, buôn, tổ dân phố đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới.
VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm