Bạn đọc

Krông Pa khó khăn thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Krông Pa đang gặp khó khăn khi thực hiện tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm. Đến nay, toàn huyện còn 10/13 xã chưa đạt được tiêu chí này.

nhieu-ho-chan-nuoi-tren-dia-ban-huyen-krong-pa-van-con-thoi-quen-chan-nuoi-duoi-gam-nha-san-6194.jpg
Nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Krông Pa vẫn còn thói quen chăn nuôi dưới gầm nhà sàn. Ảnh: Lê Nam

Xã Ia Rmok có 1.381 hộ, với 6.684 nhân khẩu, trong đó, hơn 97% số hộ là người dân tộc thiểu số (DTTS). Cho đến nay xã Ia Rmok đã đạt 11/19 tiêu chí NTM. Trong 8 tiêu chí chưa đạt thì tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm là tiêu chí khó đạt đối với xã. Hiện nay, trên địa bàn xã có khoảng 6.000 con bò, hơn 2.000 con heo, hơn 1.000 con dê, hơn 10.500 con gia cầm, với khoảng 1.100 hộ chăn nuôi. Hiện nay, đa số hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Ia Rmok còn giữ thói quen chăn nuôi dưới gầm nhà sàn, gần với nơi ở. Điều này đã làm ảnh hưởng đến môi trường, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh trên người. Ông Ksor Plong-buôn Bhă Nga (xã Ia Rmok)-cho hay: “Nhà tôi có 3 con bò. Tôi cũng biết là nhốt bò dưới gần nhà sàn là mất vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khoẻ nhưng do gia đình không có đất để làm chuồng bò. Còn nếu nhốt bò ở rẫy thì sợ mất trộm. Đàn bò là tài sản lớn của gia đình nên không thể nhốt ở xa được”. Tương tự, bà Ksor Nai (cùng buôn Bhă Nga)- nói: Gia đình tôi có 6 con bò nhưng không có chuồng nên phải nhốt ở dưới gầm nhà sàn. Tôi cũng biết là nhốt bò dưới gần nhà sàn là mất vệ sinh, nhưng do chưa có điều kiện làm chuồng nên phải nhốt bò dưới nhà sàn”.

ong-ksor-plong-buon-bha-nga-xa-ia-rmok-noi-van-biet-nuoi-bo-duoi-gam-nha-san-la-o-nhiem-moi-truong-nhung-do-gia-dinh-khong-co-dat-lam-chuong-4164.jpg
Ông Ksor Plong-buôn Bhă Nga (xã Ia Rmok) nói vẫn biết nuôi bò dưới gầm nhà sàn là ô nhiễm môi trường nhưng do gia đình không có đất làm chuồng. Ảnh: Lê Nam

Theo ông Ksor An-Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bhă Nga (xã Ia Rmok): Thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM là rất khó. Bởi trong làng có 233 hộ dân thì có khoảng 200 hộ chăn nuôi bò, dê, heo, gà. Mặc dù, Chi bộ, Ban nhân dân thôn, Mặt trận và Hội, đoàn thể trong thôn đã tuyên truyền nhưng do thói quen của bà con rất khó thay đổi. Nhiều hộ dân chăn nuôi bò nhưng không có đất để làm chuồng nên thường cột bò trước nhà hoặc dưới gầm nhà sàn. Bò là tài sản có giá trị trong nhà người dân sợ mất trộm nên thường nuôi nhốt gia súc dưới gầm nhà sàn dẫn tới mất vệ sinh, ảnh hưởng sức khỏe. Mặt khác, đa số các hộ dân nuôi gia súc dưới gầm sàn là hộ nghèo và cận nghèo, nên không đủ kinh phí để xây dựng chuồng trại mới... Ngoài ra, bà con có thói quen sinh hoạt tại các giọt nước tập trung nên việc xây dựng nhà tắm, nhà tiêu, bể chứa nước hợp vệ sinh còn ít phát huy hiệu quả. Hiện trong làng còn 118 hộ chưa có nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh.

ba-ksor-nai-buon-bha-nga-buoc-bo-duoi-gam-nha-san-7011.jpg
Bà Ksor Nai (buôn Bhă Nga) buộc bò dưới gầm nhà sàn điều này sẽ gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Ảnh: Lê Nam

Ông Ksor Yim-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Rmok-cho hay: Hiện tại, tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, thiết bị chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch còn thấp. Việc thu gom rác thải nguy hại, rác thải tập trung còn nhiều hạn chế. Các hộ dân còn chăn nuôi theo phong tục tập quán nuôi nhốt dưới gầm nhà sàn dẫn đến ứ đọng chất thải gây ô nhiễm môi trường. “Với đặc thù hơn 97% dân số là người DTTS nên ý thức bảo vệ môi trường chưa cao, vẫn còn tình trạng xả rác bừa bãi ra ngoài môi trường. Ngoài ra, với buôn Gum Gốp, buôn Blăk thường bị ngập úng trong mùa mưa. Do đó, để đạt được tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm trên địa bàn là rất khó khăn. Mặc dù khó khăn nhưng UBND xã xác định sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể phối hợp với hệ thống chính trị thôn, buôn xuống từng hộ dân để tuyên truyền cho bà con di dời chuồng trại cách xa với nhà để đảm bảo tiêu chí môi trường”.

Tương tự, thực hiện tiêu chí môi trường và An toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới, xã Chư Drăng cũng đang gặp khó. Ông Ksor Rơ-Phó Chủ tịch UBND xã-cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã hộ gia đình chưa thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn, mà chỉ thu gom, xử lý chất thải rắn bằng cách đốt ở phía sau khuôn viên của hộ đạt 57% so với ≥70% tiêu chí đưa ra; tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh mới đạt tỷ lệ 35,2% (535/1.545 hộ) so với ≥70% tiêu chí đưa ra; các hộ chăn nuôi nông hộ trên địa bàn xã đa phần chưa có hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi, tỷ lệ hộ chăn nuôi hợp vệ sinh mới đạt 36,3%. Xã chưa có hệ thống thu gom chất thải tập trung. “Hàng năm, cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên chỉ đạo các bộ phận chuyên môn, tổ chức chính trị-xã hội phối hợp với ban nhân dân thôn, già làng, người có uy tín trong cộng tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết di dời nhưng kết quả mang lại chưa cao. Việc di dời chuồng gia súc ra khỏi gầm nhà sàn và ra xa nơi ở gặp nhiều khó khăn do nhận thức của người dân chưa cao, một số hộ thiếu đất làm chuồng, thiếu vốn, một số hộ còn coi nhẹ việc di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở”-Phó Chủ tịch UBND xã Chư Drăng chia sẻ.

Theo Quyết định số 710/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành Bộ tiêu chí về xã NTM giai đoạn 2021-2025, để đạt chuẩn tiêu chí môi trường và ATTP, các xã phải đạt các chỉ tiêu thành phần như: tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đối với các xã khu vực III đạt từ 20% trở lên (từ 10% trở lên từ hệ thống cấp nước tập trung) và các xã còn lại đạt từ 30% trở lên (từ 10% trở lên từ hệ thống cấp nước tập trung); tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn không nguy hại trên địa bàn được thu gom, xử lý theo quy định đạt từ 70% trở lên; tỷ lệ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và chất thải rắn y tế được thu gom, xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường đạt 100%. Ngoài ra, tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, thiết bị chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch đạt từ 70% trở lên; tỷ lệ cơ sở chăn nuôi đảm bảo các quy định về vệ sinh thú y, chăn nuôi và bảo vệ môi trường đạt từ 60% trở lên; tỷ lệ hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo ATTP đạt 100%; tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn đạt từ 30% trở lên; tỷ lệ chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn được thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý theo quy định đạt từ 30% trở lên...

nhieu-ho-chan-nuoi-tren-dia-ban-huyen-krong-pa-van-con-thoi-quen-chan-nuoi-duoi-gam-nha-san-486.jpg
Nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Krông Pa vẫn còn thói quen chăn nuôi dưới gầm nhà sàn. Ảnh: Lê Nam

Trao đổi với P.V, ông Võ Ngọc Châu-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa-cho biết: Đến nay, trên địa bàn huyện còn 10/13 xã chưa đạt tiêu chí môi trường và ATTP. Qua rà soát cho thấy, hầu hết các xã gặp khó khăn trong thực hiện các chỉ tiêu thành phần như: tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, thiết bị chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch; tỷ lệ cơ sở chăn nuôi đảm bảo các quy định về vệ sinh thú y, chăn nuôi và bảo vệ môi trường; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn không nguy hại trên địa bàn được thu gom, xử lý theo quy định; tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn.

Có thể bạn quan tâm