Kinh tế

Nông nghiệp

Krông Pa: Người trồng mì gặp khó do năng suất giảm sâu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bà con nông dân huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) đang bước vào thu hoạch mì vụ mùa năm 2021. Do nắng hạn cộng với dịch bệnh khiến năng suất mì giảm sâu, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân.
Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Kpă Du (buôn Gum Gốp, xã Ia Rmok) không giấu được nỗi buồn khi gần 2,5 ha mì của gia đình không đạt năng suất. Ông cho biết: Cuối tháng 4-2021, thấy mưa sớm hơn mọi năm nên gia đình xuống giống. Sau đó, hơn 3 tháng ròng không có mưa khiến cây mì không phát triển được, gia đình phải trồng đi trồng lại nhiều lần nhưng cây mọc không đều và chỉ cao chừng 1 m. “Vụ trước, với diện tích này, gia đình tôi thu được hơn 40 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Vụ này, tôi đầu tư giống, phân bón hết 30 triệu đồng, chưa kể công lao động mà năng suất chỉ đạt 3-4 tấn tươi/ha. Với giá bán xô tại ruộng khoảng 2.000 đồng/kg thì chỉ thu được khoảng 15 triệu đồng, coi như lỗ nặng”-ông Du buồn rầu nói. Còn anh Rơ Ô Hun (buôn Ia Klon, xã Ia Rmok) thì cho hay: “Vụ này, 1,5 ha mì của gia đình chỉ thu được 12 tấn, bán giá 2.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí thì không có tiền để đầu tư cho vụ tới. Vừa thiếu nước, vừa thiếu phân bón nên cây mì còi cọc, củ nhỏ như đầu ngón chân cái. Năng suất năm nay giảm hơn 50% so với vụ trước”.
Mì của gia đình ông Du củ nhỏ, năng suất thấp, mỗi ha chỉ đạt 3-4 tấn. Ảnh: Lê Nam
Mì của gia đình ông Du củ nhỏ, năng suất thấp, mỗi ha chỉ đạt 3-4 tấn. Ảnh: Lê Nam
Theo ông Ksor Yim-công chức Địa chính-Nông nghiệp xã Ia Rmok: Năm 2021, người dân trong xã trồng gần 2.000 ha mì. Do phần lớn diện tích mì của xã được người dân trồng ở khu vực đất đồi dốc, trong khi nắng nóng kéo dài khiến cây trồng không phát triển được, năng suất giảm 40-50%, thậm chí bị mất trắng. Bình quân chi phí đầu tư 1 ha mì hơn 25 triệu đồng. “Riêng 3 ha mì của gia đình tôi năm nay thu khoảng 40 tấn tươi, giảm một nửa so với năm ngoái”-ông Yim cho hay.
Năm 2021, người dân xã Uar trồng 2.429 ha mì, nhưng nắng hạn đã làm 586 ha bị giảm năng suất trên 70% và 608 ha giảm 30-70%. Ông Nguyễn Đức Nguyên-Chủ tịch UBND xã-cho biết: “Do nắng nóng kéo dài nên năng suất mì giảm. Trước mắt, UBND xã rà soát những hộ dân nào khó khăn, thiếu đói để lập danh sách hỗ trợ gạo cứu đói giáp hạt. Đồng thời, xã vận động người dân chuyển đổi những diện tích mì bị bệnh, kém hiệu quả sang cây trồng khác hoặc trồng giống mì có khả năng kháng bệnh. Tuy nhiên, việc chuyển đổi giống hay áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng rất khó khăn do người dân trồng chủ yếu trên đất đồi dốc, không có nguồn nước, trình độ thâm canh còn hạn chế”.
Năng suất mì của gia đình anh Rơ Ô Hun (buôn Ia Klon, xã Ia Rmok) bị giảm hơn 50%. Ảnh: Lê Nam
Năng suất mì của gia đình anh Rơ Ô Hun (buôn Ia Klon, xã Ia Rmok) bị giảm hơn 50%. Ảnh: Lê Nam
Theo thống kê, toàn huyện có hơn 21.600 ha mì, trong đó có khoảng 9.500 ha bị thiệt hại hơn 70% và khoảng 3.100 ha bị thiệt hại 30-70% do ảnh hưởng bởi nắng hạn. Ông Võ Ngọc Châu-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Nắng hạn và bệnh khảm lá vi rút khiến năng suất mì giảm sâu. Ủy ban nhân dân huyện đã có báo cáo thống kê diện tích bị thiệt hại đề nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí để người dân khắc phục. “Đến nay, người dân thu hoạch hơn 70% diện tích mì vụ mùa và đang chuẩn bị làm đất cho vụ tiếp theo. Chúng tôi khuyến cáo người dân trồng các giống mì kháng bệnh khảm lá như KM94. Đối với những diện tích gần nguồn nước, người dân nên đầu tư hệ thống tưới để cây trồng phát triển tốt, đảm bảo an toàn trong sản xuất. Đặc biệt, trong vụ tới, huyện sẽ trồng thí điểm giống mì HN3, HN5 trên diện tích khoảng 20 ha để rút kinh nghiệm và có thể nhân rộng trên địa bàn”-ông Châu thông tin thêm.
Năng suất mì giảm cũng ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà máy chế biến tinh bột mì trên địa bàn huyện Krông Pa. Bà Bùi Thị Quy-Giám đốc Công ty TNHH Thương mại chế biến Nông-Lâm sản Đường Vạn Phát-cho hay: Nắng nóng kéo dài làm cho khoảng 70% diện tích mì trên địa bàn huyện Krông Pa bị giảm năng suất. Ngoài ra, trữ lượng bột chỉ đạt 24-25% (bình thường trữ lượng bột đạt khoảng 30%). Giá mì đầu vụ nhà máy thu mua khoảng 3.100-3.200 đồng/kg (trữ lượng bột đạt 30%), nhưng hiện nay giảm xuống còn 2.700-2.800 đồng/kg. “Sản lượng mì vùng nguyên liệu giảm đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của nhà máy. Bình thường công suất của nhà máy 250-300 tấn tinh bột mì/ngày. Tuy nhiên, do sản lượng vùng nguyên liệu giảm nên công suất chỉ đạt 50-150 tấn/ngày. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, phía Trung Quốc không nhập hàng cũng ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm của nhà máy. Vụ mì năm nay, chúng tôi chỉ sản xuất cầm chừng và sẽ kết thúc vụ sớm so với mọi năm”-bà Quy chia sẻ.
Trao đổi với P.V, Chủ tịch UBND huyện Hồ Văn Thảo cho rằng: Mì là cây trồng chủ lực giúp người dân trên địa bàn huyện phát triển kinh tế. Năng suất mì giảm đã ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của người dân. Sau Tết Nguyên đán, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Trung Quốc dừng nhập khẩu nên Nhà máy tinh bột sắn Krông Pa đã phải dừng thu mua một thời gian. “Đến nay, các nhà máy đã trở lại hoạt động bình thường, việc tiêu thụ mì của người dân trên địa bàn được đảm bảo. Điều lo ngại nhất hiện nay là không có kinh phí để hỗ trợ nguồn giống mới cho người dân. Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn và UBND các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trong đó chú trọng đầu tư hệ thống tưới nước cho cây mì”-ông Thảo nhấn mạnh.
LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm