Kinh tế

Nông nghiệp

Krông Pa: Sản xuất vụ Đông Xuân gặp nhiều thuận lợi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bước vào vụ Đông Xuân 2022-2023, tình hình thời tiết ở huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) khá thuận lợi giúp các loại cây trồng Đông Xuân 2022-2023 phát triển tốt. Ngoài ra, giá cả một số mặt hàng nông sản như mía, mì, dưa hấu tăng hơn vụ trước khiến người dân rất phấn khởi.

Giá nông sản tăng cao

Niên vụ 2022-2023, gia đình ông Bùi Đình Thạ (tổ 9, thị trấn Phú Túc) trồng được hơn 10 ha mía. Theo ông Thạ, năm nay, năng suất mía cao hơn năm ngoái 10-15%, đạt 90 tấn/ha. Với giá thu mua của nhà máy là 1,1 triệu đồng/tấn, sau khi trừ chi phí đầu tư, nông dân có lãi 65-70 triệu đồng/ha.

Những người trồng dưa hấu ở Krông Pa cũng vui không kém vì giá mặt hàng này tăng hàng ngày. Đi khắp các cánh đồng trên địa bàn huyện đâu đâu cũng thấy thương lái đổ về thu mua dưa hấu. Vụ này, toàn huyện trồng được gần 1.000 ha dưa hấu, phần lớn là người dân từ các tỉnh Bình Định, Phú Yên lên thuê đất để trồng. Diện tích dưa hấu tập trung nhiều nhất tại các xã: Đất Bằng, Ia Mlah, Phú Cần, Ia Hdreh, Ia Rsai, Uar, Chư Gu… Tại điểm đỗ xe ở đường Quang Trung (thị trấn Phú Túc), ngày cao điểm có hàng trăm xe container đậu chờ để bốc dưa hấu đi tiêu thụ.

Nông dân huyện Krông Pa chăm sóc vườn cây thuốc lá. Ảnh: Đ.T

Nông dân huyện Krông Pa chăm sóc vườn cây thuốc lá. Ảnh: Đ.T

Anh Đặng Văn Công (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) cho biết: Trước đây, anh thường đến xã Ia Lâu (huyện Chư Prông) để thuê đất trồng dưa. Cách đây 2 năm, nghe anh em trong nghề bảo khí hậu ở Krông Pa hợp với cây dưa hấu nên anh quyết định đến đây thuê đất trồng dưa. “Tôi thuê đám rẫy 2 ha ở xã Ia Mlah để trồng dưa hấu. Thời điểm trước Tết Nguyên đán có mưa nhỏ đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển cây. Tuy nhiên, sau Tết, thời tiết thuận lợi nên dưa phát triển tốt, năng suất đạt 40 tấn/ha. Hiện gia đình đã xuất hết diện tích dưa này với giá dao động 7-8 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ mọi chi phí, gia đình thu lãi trên 200 triệu đồng”-anh Công vui mừng chia sẻ.

Theo ông Võ Ngọc Châu-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện: Năm nay, giá một số nông sản chủ lực của huyện như: mì, mía, thuốc lá và dưa hấu tăng so với năm ngoái. Cụ thể: giá dưa hấu năm ngoái bình quân 2-3 ngàn đồng/kg nhưng năm nay dao động ở mức 12-18 ngàn đồng/kg; mía năm ngoái 1 triệu đồng/tấn thì năm năm nay tăng lên 1,25 triệu đồng/tấn; mì loại 1 có giá 3 ngàn đồng/kg; thuốc lá vàng sấy giá 57 ngàn đồng/kg. “Với giá tăng như hiện nay, bà con nông dân trên địa bàn huyện đang có một vụ Đông Xuân thắng lợi”-ông Châu khẳng định.

Đảm bảo nước tưới cho cây lúa

Vụ Đông Xuân 2022-2023, gia đình chị Nay H’Oanh (buôn Ngôl, xã Uar) trồng 2 sào lúa nước. Nhờ xuống giống kịp thời vụ, thời tiết thuận lợi và chăm sóc đảm bảo nên lúa phát triển tốt. “Từ đầu vụ đến nay, lượng nước tưới cung cấp tương đối đầy đủ, đảm bảo cho cây lúa sinh trưởng và phát triển. Vừa qua, một số đoạn mương bị vỡ, nước về bị thất thoát nhưng xã đã cho nạo vét và khắc phục nên bây giờ, nước được cung cấp dồi dào cho cây lúa phát triển”-chị Oanh nói.

Cánh đồng Trạm bơm Ia Rmok rộng hơn 110 ha là nơi canh tác lúa nước của các hộ dân ở 3 buôn Gum Gốp, Bhă Nga và Nông Siu (xã Ia Rmok). Để chủ động nguồn nước cho người dân sản xuất, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp, thủy lợi Ia Rmok đã huy động các thành viên và người dân tiến hành nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy. Ông Nay Phoan-Giám đốc Hợp tác xã-cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phân công thành viên đi kiểm tra các tuyến kênh nội đồng, kênh nhánh, nếu bị bồi đắp sẽ huy động người dân cùng thành viên Hợp tác xã khắc phục để đảm bảo đủ nước tưới cho diện tích lúa tại đây”.

Nguồn nước dồi dào giúp lúa nước trên địa bàn xã Ia Rmok phát triển tốt. Ảnh: Lê Nam

Nguồn nước dồi dào giúp lúa nước trên địa bàn xã Ia Rmok phát triển tốt. Ảnh: Lê Nam

Vụ Đông Xuân 2022-2023, toàn huyện Krông Pa gieo trồng 11.193,7 ha cây trồng các loại (đạt 96,81% kế hoạch) gồm: 2.050 ha lúa, 428 ha bắp, 300 ha khoai lang, 1.358 ha rau củ quả, 983,7 ha dưa hấu, 1.050 ha đậu các loại, 2.200 ha thuốc lá, 1.359 ha mì rải vụ, 1.143 ha mía, 300 ha cỏ. Để đảm bảo năng suất, sản lượng, ngành chuyên môn huyện đã tập trung hướng dẫn các địa phương rà soát diện tích có nguy cơ thiếu nước và xây dựng phương án ứng phó với hạn hán; tuyên truyền, hướng dẫn người dân tích trữ nước ở các ao hồ; nạo vét kênh mương dẫn nước; điều tiết nước hợp lý, tránh thất thoát, lãng phí. Đồng thời, điều chỉnh lịch xuống giống các loại cây trồng phù hợp với từng vùng và khuyến cáo người dân tăng cường theo dõi các loại cây trồng để phòng trừ sâu bệnh.

Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Hiện tại đang là mùa khô nên việc thất thoát nước diễn ra nhanh, bà con cần tranh thủ thăm đồng, chủ động lấy nước theo lịch cung cấp của đơn vị khai thác các công trình thủy lợi, tránh gây lãng phí nước, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng. Đồng thời, các địa phương cần nắm chắc tình hình diễn biến thời tiết, nguồn nước tại các công trình thủy lợi trên địa bàn, tình hình dịch bệnh trên cây trồng để có phương án chỉ đạo kịp thời. Về phía các đơn vị quản lý khai thác các công trình thủy lợi cần kiểm tra, gia cố, tu sửa kênh mương và thực hiện điều tiết, cân đối nguồn nước hợp lý để phục vụ sản xuất, có tích trữ nước để chủ động phòng-chống hạn cuối vụ.

Có thể bạn quan tâm