Kinh tế

Nông nghiệp

Krông Pa: Tích cực chuẩn bị gieo trồng vụ mùa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hiện nay, chính quyền huyện Krông Pa đang đôn đốc người dân thu hoạch nốt diện tích cây trồng vụ Đông Xuân để chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng cho sản xuất vụ mùa.

Theo kế hoạch vụ mùa 2018, huyện Krông Pa sẽ gieo trồng trên 34.944 ha cây trồng các loại. Trong đó, lúa 2.500 ha, bắp 2.250 ha, mì 17.500 ha, mè 1.700 ha, điều 4.200 ha (trồng mới 85 ha), rau các loại 1.250 ha, đậu các loại 970 ha và một số cây trồng ngắn ngày khác như: khoai lang, dưa hấu...

 

Người dân Krông Pa làm đất để gieo trồng vụ mùa. Ảnh: L.N
Người dân Krông Pa làm đất để gieo trồng vụ mùa. Ảnh: L.N

Ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa, cho biết: “Để sản xuất vụ mùa hiệu quả, chúng tôi đã khuyến cáo người dân gieo sạ tập trung theo lịch tưới tiêu của Ban Quản lý Khai thác Công trình Thủy lợi huyện và Xí nghiệp Thủy nông Ia Mlah. Đồng thời, các địa phương tích cực vận động người dân chuyển đổi cây trồng, không gieo trồng ở những vùng không chủ động được nước tưới và tranh thủ độ ẩm để gieo trồng những cây ngắn ngày. Còn đối với các xã có công trình thủy lợi, cần khai thác có hiệu quả diện tích có nước tưới”.

Bên cạnh đó, cơ quan chuyên môn của huyện cũng khuyến cáo người dân nhiều giải pháp để hạn chế dịch bệnh trên cây trồng ngay từ đầu vụ. Ông Huỳnh Nam Long-Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật huyện Krông Pa, cho biết: Đối với cây lúa, hàng năm thường xuất hiện các loại bệnh như: vàng lá, tuyến trùng hại rễ, bọ trĩ gây hại, sâu cuốn lá, sâu đục thân, đạo ôn, khô vằn, đốm nâu... Vì vậy,  người dân nên áp dụng triệt để các biện pháp quản lý phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM và chương trình quản lý dinh dưỡng tổng hợp ICM để giảm chi phí sản xuất, giảm thiệt hại, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Bệnh vàng lá sinh lý do nghẹt rễ lúa cũng thường xuất hiện gây hại nên người dân cần bón phân đầy đủ, cân đối, kịp thời. Khi xuất hiện bệnh hại, người dân cần chủ động sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật để phun nhưng phải theo đúng nồng độ khuyến cáo trên bao bì. Người dân cũng nên dùng giống lúa mới để gieo trồng, tránh dùng giống lúa cũ. Còn đối với các loại cây trồng khác, như: mì, điều, mía cũng cần đẩy mạnh khâu chăm sóc, bón phân khi đủ độ ẩm và phòng trừ bệnh kịp thời khi mới xuất hiện...  

Thời gian qua, trên địa bàn huyện Krông Pa đã xuất hiện một số cơn mưa. Tuy nhiên, lượng mưa vẫn chưa đủ độ ẩm để xuống giống nên người dân đang tích cực làm đất, chuẩn bị nguồn giống để sẵn sàng cho vụ mới. Để đảm bảo sản xuất vụ mùa đúng tiến độ, hầu hết các hộ dân đều làm đất bằng máy, cày sâu và kỹ. Theo nhiều nông dân, ngay sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân, họ đã triển khai làm đất và chuẩn bị tất cả các khâu cho sản xuất vụ mùa. Nhờ việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp nên khâu làm đất được triển khai nhanh gọn. Đồng thời, khâu chuẩn bị giống cũng được người dân chủ động triển khai theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Theo đó, người dân sử dụng các loại giống lúa xác nhận, nguyên chủng, ngắn và trung ngày, có năng suất, chất lượng, chống đổ ngã, chịu hạn, kháng sâu bệnh tốt như: giống Q5, OM6976, ML48, HT1, LH12; giống bắp Bioseed 6998, CP888; giống mía KK3, KK6, LK92-11, K88-92; giống mì KM95, KM914, KM98-5...

“Hiện cơ quan chuyên môn và chính quyền các địa phương đang đôn đốc người dân thu hoạch nốt diện tích lúa Đông Xuân còn lại và chuẩn bị giống, làm đất để khi có mưa xuống, đất đủ độ ẩm thì tiến hành gieo trồng đồng loạt. Huyện cũng sẽ tiếp tục triển khai các mô hình khuyến nông như trồng mì xen cây đậu, phát triển kinh tế vườn ở buôn Mlah (xã Phú Cần), thâm canh lúa nước tại 3 xã: Phú Cần, Chư Gu và Ia Mlah; tập trung tu sửa các hệ thống kênh mương, hồ đập và có phương án tích nước để chủ động nước cho vụ mùa năm 2018 thắng lợi”-ông Đinh Xuân Duyên cho biết thêm.

Lê Nam

Có thể bạn quan tâm