Kinh tế

Nông nghiệp

Krông Pa: Triển vọng mô hình nuôi heo địa phương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với đặc tính dễ nuôi, ít dịch bệnh và đầu ra ổn định, việc nuôi giống heo địa phương giúp nhiều hộ dân ở huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Tháng 3-2020, chị Lê Thị Chiển (thôn Thống Nhất, xã Chư Ngọc) vay 50 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện để đầu tư phát triển đàn heo địa phương. Theo chị Chiển, đây là mô hình chăn nuôi không mới nhưng thị trường rất tiềm năng, giá bán cao nên chị quyết định theo đuổi. Khác với heo trắng, heo địa phương dễ nuôi, sức đề kháng tốt nên ít bị bệnh; có thể tận dụng nguồn thức ăn sẵn có nên tiết kiệm chi phí.

 Gia đình chị Lê Thị Chiển (thôn Thống Nhất, xã Chư Ngọc) có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm từ đàn heo địa phương. Ảnh: Vũ Chi
Gia đình chị Lê Thị Chiển (thôn Thống Nhất, xã Chư Ngọc) có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm từ đàn heo địa phương. Ảnh: Vũ Chi


Để chủ động nguồn thức ăn cho đàn heo 60 con, chị Chiển cải tạo 1.800 m2 đất trồng các loại cỏ và khoai lang, rau muống. Hiện tại, chị duy trì 5 con heo nái và 1 con heo đực để tái đàn. Mỗi năm, mỗi con heo nái đẻ 2 lứa, mỗi lứa 5-10 con. Sau khi tách mẹ khoảng 6 tháng, heo có thể xuất chuồng. Với giá bán 100-120 ngàn đồng/kg, gia đình chị thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. “Việc nuôi heo địa phương giúp tiết kiệm chi phí đầu tư thức ăn. Bên cạnh đó, thương lái đến đặt hàng trước khi heo xuất chuồng. Gia đình sẽ đầu tư mở rộng quy mô chuồng trại để tăng đàn, đảm bảo cung cấp nguồn heo thịt cũng như con giống thường xuyên”-chị Chiển chia sẻ.

Ông Rơ Ô Phưk-Chủ tịch Hội Nông dân xã Chư Ngọc-đánh giá: Mô hình nuôi heo địa phương của gia đình chị Chiển mang lại nguồn thu nhập ổn định. Mô hình phù hợp với trình độ sản xuất của nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã. Thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh để bà con yên tâm tái đàn. Tuy nhiên, với những hộ chăn nuôi có quy mô tương đối lớn, việc làm hầm biogas hoặc sử dụng đệm lót sinh học là cần thiết, đảm bảo sản phẩm sạch cũng như tránh ô nhiễm môi trường.

Nhận thấy tiềm năng phát triển đàn heo địa phương, tháng 6-2021, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa đã xuất 772,5 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp mua 200 con heo giống địa phương hỗ trợ cho 100 gia đình tại các xã: Uar, Chư Gu và Ia Rmok. Sau nửa năm triển khai, mô hình đã mang lại tín hiệu khả quan khi heo bắt đầu sinh sản lứa đầu tiên.

Anh Ksor Xin (buôn Choanh, xã Uar) cho biết: “Gia đình rất phấn khởi khi được chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ giống heo mới để tái đàn. Hiện 1 heo mẹ đã đẻ được 6 con đều khỏe mạnh, 1 con thì đang chửa. Tôi sẽ bán heo con để lấy tiền đầu tư thức ăn. Từ lứa sau, gia đình tiếp tục nhân giống, phát triển đàn heo”.

Trao đổi với P.V, ông Võ Ngọc Châu-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa-cho hay: Năm 2021, từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp, Phòng đã triển khai nhiều mô hình giúp người dân khôi phục, phát triển trồng trọt, chăn nuôi dựa trên điều kiện sẵn có của địa phương như: mô hình trồng mì có tưới nước, trồng cây ăn quả, nuôi heo địa phương, dự án phát triển bò thịt chất lượng cao… Trong đó, mô hình nuôi heo địa phương đang mở ra hướng đi mới, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Từ hiệu quả mang lại, các địa phương có thể thành lập tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi heo để chia sẻ kinh nghiệm, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

 

VŨ CHI
 

Có thể bạn quan tâm