TN - Đất & Người

Ksor Alêl-Chi hội trưởng nông dân sản xuất giỏi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội cách đây 10 năm, gia đình anh Ksor Alêl đã trở thành tấm gương điển hình nông dân sản xuất giỏi và là một trong những thanh niên tiêu biểu “dám nghĩ, dám làm” của xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai.

Sinh năm 1981, Ksor Alêl được lớn lên trong một gia đình có tư tưởng tiến bộ. Là người dân tộc thiểu số nhưng bố mẹ anh đã thực hiện sinh đẻ có kế hoạch chỉ dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt. Không may thay, người chị gái lại mắc chứng bệnh động kinh nên không có chồng. Bố mất sớm, mẹ già đã ngoài 80 tuổi, anh là người  trụ cột của cả gia đình. Năm 2000, Ksor Alêl xây dựng gia đình với chị Hvun và có với nhau 2 mặt con, nhưng anh không xem đó là một gánh nặng khi cuộc sống ngày một cơ cực hơn. Hai đứa trẻ chính là nguồn động lực để anh chị quyết chí làm ăn và mong muốn thoát nghèo bền vững trở thành tấm gương sáng để người dân trong xã noi theo.

 

Ảnh: Tú Uyên

Nhớ lại những khó khăn cách đây 10 năm, anh kể: “Hồi ấy, cả gia đình tôi có được 1 ha đất trồng cà phê nhưng không biết làm gì để có tiền mua phân bón. Nhờ xã tuyên truyền có vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội cho bà con làm ăn, tôi cũng tìm hiểu và được vay 2 khoản với số tiền 20 triệu đồng để trang trải cuộc sống”. Công cuộc làm ăn bắt đầu từ đó. Số tiền vay được từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, anh chị đã dùng vào việc chăm sóc vườn cà phê, trang trải chi tiêu trong gia đình. Có không ít khó khăn, thất bại khi lần đầu chưa quen với công việc chăm bón cà phê. Rồi những giai đoạn thị trường cà phê biến động rớt giá chỉ còn 1.000 đồng/kg cà phê tươi, đó là lúc anh tuyệt vọng và đau buồn nhất. “Cứ thấy mọi người bỏ cả rẫy, cả vườn cà phê mà mình buồn rơi nước mắt. Chẳng nhẽ không còn cách nào khác hay sao. Vợ chồng mình quyết tâm làm mà không bỏ mặc vườn cà phê. Cứ nghĩ đến khoản vay của ngân hàng giờ không có gì trả mà mình buồn lắm”-anh Alêl tâm sự.

Nhờ những quyết tâm và sự chỉ dẫn của người đi trước, anh Alêl dần thuần thục trong việc trồng, bón phân và chăm sóc cây cà phê. Từ 1 ha cà phê ban đầu, anh sử dụng tiền thu hoạch mùa vụ cùng khoản vay thứ 2 mua thêm 2 ha đất nữa cũng trồng cà phê, đồng thời trồng 2 vụ lúa nước. Nghĩ rằng chỉ trồng cà phê thôi chưa hiệu quả, anh dành tiền mua đàn heo 5 con về thả chuồng. Mỗi ngày cho ăn cơm thừa, canh cặn hay rau trong vườn rồi lấy phân bón gốc cà phê. Suy nghĩ áp dụng phương pháp “lấy ngắn nuôi dài” đã thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình anh. Đến nay, tổng thu nhập của gia đình anh trên 300 triệu đồng/năm. Số tiền ấy theo anh Alêl thì: “Chẳng dư giả đâu, nhưng cũng đủ nuôi cả 6 người trong nhà và chi phí cho 2 đứa con đang tuổi ăn học”.

 

Ảnh: Tú Uyên

Bên cạnh những người dân hiện tại có cuộc sống tương đối đủ đầy như gia đình anh Alêl thì vẫn còn rất nhiều những gia đình làm không đủ ăn và không có đất để sản xuất. Biết được những hoàn cảnh xung quanh mình còn vô vàn khó khăn, gia đình anh Alêl đã tạo điều kiện cho 3 hộ dân thuộc làng Breng 2 mượn 3 sào đất để trồng trọt và chăn nuôi mà không lấy lời. Nhờ sự hỗ trợ ấy mà gia đình chị Rchâm Thúy ở làng Breng 2, xã Ia Dêr đã thoát được cảnh nghèo khó. Với những gì mà anh Alêl đã làm được, 3-4 năm nay anh đã trả hết số nợ ngân hàng và 3 năm liền anh được công nhận danh hiệu nông dân sản xuất giỏi, gia đình văn hóa cấp xã. Vừa qua, anh được người dân tín nhiệm bầu Chi hội trưởng Hội Nông dân xã Ia Dêr nhiệm kỳ 2014-2016.

Bà Phạm Thị Đường-Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Ia Grai cho biết: Hiện, trên địa bàn huyện có 13 điểm giao dịch với 289 tổ tiết kiệm-vay vốn làm tốt công tác giải ngân, giám sát và thu hồi nợ. 90% người dân vay vốn để đầu tư cà phê, số còn lại chăm sóc cây trồng, vay mua bò và trang trải cuộc sống. Hầu hết người dân có ý thức trả lãi đúng hạn. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng dư nợ chương trình cho vay hộ nghèo trên địa bàn huyện là 70,4 tỷ đồng với hơn 754 lượt hộ vay vốn lũy kế từ đầu năm. Riêng chương trình cho vay đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn có tổng dư nợ là 1,8 tỷ đồng; trong đó, nợ quá hạn chỉ 2 triệu đồng. Nữ Giám đốc cho biết thêm: Để làm tốt hơn nữa công tác cho vay và thu hồi nợ, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Ia Grai tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng tổ tiết kiệm-vay vốn; chủ động rà soát và xử lý triệt để nợ đến hạn nhằm giảm thấp nợ quá hạn phát sinh…

Tú Uyên

Có thể bạn quan tâm