Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Ksor Thu tích cực truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ông Ksor Thu (buôn Sô Ma Lơng A, xã Chrôh Pơnan, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) là người gắn bó sâu nặng với không gian văn hóa cồng chiêng.

Đặc biệt, khi các địa phương trong tỉnh phối hợp với Trường Cao đẳng Gia Lai mở lớp truyền dạy cồng chiêng cho thanh-thiếu niên, ông là người trực tiếp trao truyền di sản văn hóa này.

Đây là năm thứ 2 ông Thu được mời tham gia truyền dạy cồng chiêng cho thanh-thiếu niên tại các buôn làng thuộc các xã: Ia Hiao, Chrôh Pơnan (huyện Phú Thiện). Mỗi lớp có khoảng 30 học viên tham gia.

Ông Thu chia sẻ: Hầu hết các cháu thanh-thiếu niên đều đã tham gia đội cồng chiêng trong dịp lễ hội nên khả năng cảm âm, đánh chiêng khá tốt. Các cháu tiếp thu bài học rất nhanh, từ bài chiêng cổ cho đến hiện đại. Điều này giúp tôi có thêm động lực để truyền đạt kỹ năng, hiểu biết của mình về cồng chiêng.

Anh Nay Soan (buôn Sô Ma Lơng B, xã Chrôh Pơnan) chia sẻ: “Tôi rất vui vì được tham gia lớp truyền dạy cồng chiêng năm nay. Đây là dịp tốt để tôi học hỏi, trau dồi thêm sự hiểu biết, kỹ năng đánh cồng chiêng, nhất là các bài nhạc chiêng cổ”.

ong-ksor-thu-thu-ba-bia-trai-huong-dan-hoc-vien-trinh-dien-cong-chieng-tai-buoi-tong-ket-lop-truyen-day-cong-chieng.jpg
Ông Ksor Thu (thứ 3 từ trái sang) hướng dẫn học viên trình diễn cồng chiêng. Ảnh: K.H

Kể về hành trình bén duyên với cồng chiêng, ông Thu thổ lộ: “Từ nhỏ, tôi đã được sống trọn vẹn với âm thanh cồng chiêng. Vào những dịp lễ hội như mừng lúa mới, pơ thi, cúng bến nước… tôi đều tham gia đội cồng chiêng. Thời đó, thanh-thiếu niên nào cũng có thể đánh cồng chiêng, chị em nào cũng thành thạo nhịp xoang.

Càng nghe nhiều càng thích thú, khả năng cảm âm của tôi cứ thế tăng dần lên và rồi tôi chủ động học hỏi cách chỉnh chiêng từ những người già am hiểu sâu về cồng chiêng. Năm 13 tuổi, tôi đã tự tin tham gia trình diễn trong dàn chiêng dài cùng anh em tại các lễ hội do buôn tổ chức”.

Không chỉ tham gia trình diễn cồng chiêng phục vụ sinh hoạt trong làng, xã mà ông Thu còn tích cực tham gia các hội thi, hội diễn, liên hoan cồng chiêng do huyện, tỉnh tổ chức và đạt được nhiều thành tích cao cho toàn đội.

Dưới sự dìu dắt của ông Thu, đội cồng chiêng xã Chrôh Pơnan đạt giải ba tiết mục diễn xướng cồng chiêng cổ tại Hội thi Văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số huyện Phú Thiện lần thứ XIV-2023.

Bên cạnh đó, ông còn tích cực tham gia giao lưu, trình diễn cồng chiêng tại Festival Văn hóa cồng chiêng Gia Lai năm 2023 và các chương trình “Cồng chiêng cuối tuần-Thưởng thức và trải nghiệm” tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, TP. Pleiku…

Để thỏa niềm đam mê với văn hóa cồng chiêng, đầu năm 2022, ông Thu mua 1 bộ cồng chiêng cải tiến với số tiền 35 triệu đồng. Ông bày tỏ: “Trước đây, ông bà tôi cũng sở hữu bộ chiêng riêng của gia đình nhưng theo thời gian, nhiều cồng chiêng quý bị thất lạc. Tôi dùng số tiền tiết kiệm được trong nhiều năm để mua bộ cồng chiêng cho gia đình. Những ai đam mê cồng chiêng đều có thể đến học. Tôi luôn sẵn lòng truyền dạy cho mọi người”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Thiều-Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Chrôh Pơnan-cho biết: Ông Ksor Thu có nhiều đóng góp quan trọng trong các hoạt động, phong trào văn hóa-văn nghệ của địa phương. Đặc biệt, ông rất tích cực tham gia truyền dạy cồng chiêng cho thanh-thiếu niên với mong muốn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.

Có thể bạn quan tâm