Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Sân trường rộn tiếng cồng chiêng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cứ mỗi buổi sinh hoạt, khuôn viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lơ Pang (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) lại rộn ràng tiếng cồng chiêng. Âm thanh quen thuộc ấy đến từ đôi tay nhỏ bé của các em học sinh thuộc Câu lạc bộ (CLB) Cồng chiêng của trường.

Câu lạc bộ Cồng chiêng của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lơ Pang được thành lập vào năm 2016 do thầy A Nương-Giáo viên môn Âm nhạc khởi xướng. Thầy A Nương cũng là Chủ nhiệm CLB.

1-clb-cong-chieng-truong-ptdt-ban-tru-thcs-lo-pang-tham-gia-trinh-dien-tai-le-khai-mac-cac-hoat-dong-ky-niem-thanh-lap-dang-bo-va-huyen-mang-yang-anh-hoang-hoai.jpg
Các thành viên CLB Cồng chiêng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lơ Pang tham gia trình diễn tại một sự kiện do huyện Mang Yang tổ chức. Ảnh: Hoàng Hoài

Thầy chia sẻ: Từ khi mới về trường công tác, mình đã ấp ủ ý tưởng thành lập CLB cồng chiêng với mục đích góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống ngay trong trường học. Mình là người Bahnar lại có đam mê về nhạc cụ truyền thống nên muốn góp một chút sức nhỏ để lưu giữ giai điệu cồng chiêng của ông cha. Mình mong muốn các em có nhận thức rõ hơn giá trị văn hóa dân tộc và cồng chiêng không chỉ là tiếng nhạc mà còn là sợi dây kết nối cộng đồng. Qua đó, các em biết trân trọng và tự hào về nguồn cội của mình.

Với sự nhiệt huyết của thầy A Nương cùng sự tạo điều kiện của Ban Giám hiệu, CLB Cồng chiêng của trường ngày càng thu hút được sự quan tâm của các em học sinh. Mặc dù tuổi còn nhỏ nhưng các thành viên CLB đã có những tình cảm sâu sắc với văn hóa cồng chiêng. Em Du (lớp 9, thành viên CLB) tâm sự: “Em rất vui khi được học cồng chiêng. Mỗi lần tham gia sinh hoạt CLB, em thấy mình như được hòa mình vào bản nhạc, kết nối được với văn hóa của dân tộc mình”.

Theo chia sẻ của Chủ nhiệm CLB, phần lớn các em bắt đầu học cồng chiêng từ những nốt cơ bản nhất. Bằng nhiệt huyết và tinh thần hăng say luyện tập, các em sớm nắm bắt được nhịp điệu, tiết tấu, có sự phối hợp nhịp nhàng và có thể cùng nhau thể hiện trọn vẹn 1 bài chiêng. Đặc biệt, các thành viên CLB đều rất tự giác tập luyện dù là học bài khó, bài mới.

Mỗi lần tham gia trình diễn, CLB sẽ có 45 thành viên, trong đó có 15 em trong đội cồng chiêng, 30 em trong đội xoang. Đến nay, CLB đã trình diễn được nhiều bài khác nhau nhưng chỉ tập trung vào bài nhạc trong lễ bỏ mả và bài trong lễ mừng lúa mới.

1-clb-duoc-nha-truong-dau-tu-bo-cong-chieng-rieng-biet-phuc-vu-hoc-tap-va-trinh-dien-anh-hoang-hoai.jpg
CLB được nhà trường đầu tư bộ cồng chiêng riêng biệt phục vụ học tập và trình diễn. Ảnh: Hoàng Hoài

Ngoài việc đầu tư bộ cồng chiêng cho CLB, nhà trường còn hỗ trợ trang phục cho các em để tham gia các hội thi hoặc trình diễn. Thầy Trần Dân-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: “Ngoài dạy văn hóa, mục tiêu giáo dục là nâng cao năng lực, phẩm chất và giá trị truyền thống. Do đó, việc phát huy bản sắc văn hóa địa phương được nhà trường đặc biệt chú trọng.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại đã được UNESCO công nhận. Chính vì vậy, nhà trường tích cực lồng ghép, tổ chức cho học sinh trải nghiệm văn hóa truyền thống”.

Việc học cồng chiêng không chỉ đơn thuần là học nhạc mà còn là học cách trân quý, giữ gìn bản sắc dân tộc. Luyện tập và biểu diễn cồng chiêng là cách để các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lơ Pang thể hiện lòng kính trọng với tổ tiên và văn hóa dân tộc mình.

Không chỉ bảo tồn văn hóa, việc tham gia CLB cồng chiêng còn giúp các em thêm tự tin. Những lần trình diễn tại các sự kiện trong và ngoài nhà trường là cơ hội để các em chia sẻ văn hóa của mình, giao lưu với bạn bè và tạo ấn tượng tốt đẹp với mọi người. Hy vọng bằng sự kiên trì và lòng yêu quý nét văn hóa truyền thống, các nghệ nhân “nhí” sẽ giúp tiếng cồng chiêng vang xa hơn nữa.

Có thể bạn quan tâm