Phóng sự - Ký sự

Cần xử lý mạnh tay với các vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm

Kỳ 1: Nỗi lo từ... 'khúc ruột' miền Trung

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an các đơn vị, địa phương, trong đó nòng cốt là lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) tăng cường công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật.

Về an toàn thực phẩm (ATTP), trọng tâm là phát hiện, xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng về ATTP. Tuy nhiên, thực trạng đáng lo ngại là tội phạm và các vi phạm về ATTP vẫn diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng…

Từ đầu năm 2024 đến nay, tại nhiều tỉnh, thành miền Trung đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc thức ăn tập thể gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe người tiêu dùng. Số vụ việc vi phạm quy định ATTP cũng xảy ra đáng lo ngại.

“Nóng” chuyện thức ăn đường phố

Là một tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, là cửa ngõ giao thương Bắc - Nam với khu vực Tây Nguyên, Khánh Hòa là địa phương có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế và định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương về du lịch.

Theo Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Khánh Hòa, toàn tỉnh hiện có 17.453 cơ sở thực phẩm; trong đó, có 2.402 cơ sở sản xuất, 3.165 cơ sở kinh doanh, 3.629 cơ sở dịch vụ ăn uống, 8.257 cơ sở thức ăn đường phố… Cùng với sự phát triển của ngành du lịch, lượng khách đến tham quan TP Nha Trang, Cam Ranh nói riêng, tỉnh Khánh Hòa nói chung ngày càng tăng cao, đòi hỏi các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch phải đáp ứng được nhu cầu ăn, ở, sinh hoạt cho du khách.

Lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa thu giữ 2,7 tấn thành phẩm trà sữa giả các loại.

Lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa thu giữ 2,7 tấn thành phẩm trà sữa giả các loại.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã xảy ra 5 vụ việc vi phạm các quy định về ATTP gây ngộ độc cho 458 cá nhân, trong đó, vụ 52 học sinh của 2 Trường Tiểu học và THCS Tô Hạp (thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn) và 22 trường hợp trong cộng đồng bị ngộ độc gây hoang mang cho nhiều phụ huynh. Các ca ngộ độc có điểm chung là ăn cơm cuộn, cơm nắm do bà B.T.L bán hàng rong gần trường THCS Tô Hạp.

Kết quả kiểm nghiệm mẫu của Viện Pasteur Nha Trang, mẫu rong biển cơm cuộn phát hiện vi khuẩn Staphylococcus aureus và phát hiện chủng sinh nội độc tố Staphylococcal enterotoxin. Kết quả này phù hợp với kết quả mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm cũng dương tính với vi khuẩn Staphylococcus aureus. Ngoài ra, 7/9 mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân ngộ độc thực phẩm ngày 9/4, được lấy tại Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn cho kết quả dương tính với vi khuẩn Staphylococcus aureus.

Thượng tá Nguyễn Thị Minh Thảo, Phó trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Khánh Hòa cho biết, qua điều tra, xác minh ban đầu xác định nguyên nhân 5 vụ ngộ độc trên địa bàn đều xuất phát từ hoạt động chế biến, kinh doanh của cá nhân, hộ kinh doanh cá thể, sản phẩm chưa được kiểm duyệt, chưa được công bố chất lượng, vi phạm các quy định về quy trình chế biến, bảo quản thực phẩm, thực phẩm được chế biến từ nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, mua trôi nổi trên các trang mạng xã hội.

Tại Quảng Ngãi, trong số các vụ ngộ độc thức ăn xảy ra gần đây, đáng chú ý là vụ ngày 10 và 11/3 liên quan đến 23 bệnh nhân. Khi tiếp nhận một số bệnh nhân nghi ngờ ngộ độc thực phẩm nhập viện điều trị, Trung tâm Y tế huyện Sơn Hà ghi nhận các bệnh nhân sử dụng bánh mì que Tứ Hải (Tổ dân phố Hàng Gòn, thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà) do bà Lê Thị Tuyết Mai làm chủ. Kết quả kiểm nghiệm 3 mẫu được thu thập tại cơ sở bánh mì vừa kể, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi xác định nguyên nhân gây ngộ độc do nhiễm vi sinh vật (Salmonella).

Tại Nghệ An, vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến 71 người, hầu hết là công nhân xảy ra tại Công ty TNHH MLB Tenergy xảy ra trưa 28/5/2024, cơ quan chức năng phát hiện hàm lượng cao của chất histamin (lên tới 739mg/kg) có trong mẫu cá bạc má rán…

Hám lợi, bất chấp… pháp luật

Theo Thượng tá Phạm Văn Học, Phó trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Đà Nẵng, thời gian qua trên địa bàn thành phố vẫn còn tình trạng vi phạm pháp luật về ATTP, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, có nguy cơ gây ngộ độc, như: việc sử dụng hóa chất, sử dụng chất cấm, phụ gia thực phẩm ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất chế biến thực phẩm còn diễn biến phức tạp (chủ yếu là nem, chả...); điều kiện vệ sinh tại các cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm, nhất là cơ sở nhỏ lẻ, cơ sở sản xuất theo mùa vụ, sản xuất thực phẩm truyền thống chưa đảm bảo; vệ sinh ATTP trong sản xuất ban đầu, sơ chế thực phẩm chưa đáp ứng quy định; nguy cơ ngộ độc thực phẩm tại các khu công nghiệp, bếp ăn tập thể, nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ đông người, cơ sở kinh doanh thức ăn nhanh (thức ăn đường phố)... còn cao.

Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2024, Công an thành phố đã điều tra, phát hiện và xử lý 37 vụ có liên quan ATTP, trong đó khởi tố 1 vụ, xử lý hành chính 36 vụ... Tại Thừa Thiên Huế, tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ATTP diễn biến rất phức tạp mà nguyên nhân sâu xa là vì lợi nhuận.

Đại tá Nguyễn Quốc Huy, Trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh cho biết, từ năm 2022 đến tháng 6/2024, Công an toàn tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 192 vụ việc vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ATTP; đã lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt với số tiền hơn 1,7 tỷ đồng và tiêu hủy hàng hóa giá trị hơn 2,3 tỷ đồng. Điển hình là vụ phát hiện Công ty TNHH Kelly Detox Việt Nam (TP Huế) kinh doanh thực phẩm chức năng (hơn 300.000 gói sản phẩm thức uống giảm cân, tăng cân...) vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực ATTP, thương mại.

Phòng Cảnh sát kinh tế đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 575 triệu đồng và tiêu hủy toàn bộ hàng hóa có giá trị hơn 1,5 tỷ đồng. Đầu năm 2024, Cảnh sát kinh tế đã phát hiện kho thực phẩm đông lạnh tại phường Hương Vinh (TP Huế) do Lương Hùng Minh làm chủ, kinh doanh thực phẩm đông lạnh là thịt heo và nội tạng heo với khối lượng hơn 3 tấn không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Điều đáng nói, qua kết quả phân tích mẫu thực phẩm của cơ quan chức năng cho thấy các chỉ tiêu tổng số vi khuẩn hiếu khí, Ecoli, Samonella đều không đạt và vượt gấp nhiều lần (như chỉ tiêu Ecoli trong mẫu số 4 vượt gấp 60 lần mức cho phép). Thượng tá Hoàng Nghĩa Tú, Phó trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Nghệ An cho biết, do lợi nhuận về kinh tế, nhiều đối tượng đã bất chấp pháp luật, đạo đức, sử dụng thủ đoạn tinh vi để đối phó với cơ quan chức năng, lừa dối người tiêu dùng nhằm thu lợi bất chính.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Công an tỉnh đã trực tiếp và phối hợp với các lực lượng khác phát hiện, bắt giữ 587 vụ, 618 đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về ATTP; tạm giữ nhiều thực phẩm bẩn, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy tờ kiểm dịch theo quy định gồm hơn 10 tấn sản phẩm từ động vật, hơn 18.000 sản phẩm hàng hóa (sữa bột, thực phẩm chức năng, sản phẩm bánh kẹo...), 6.700 con gia súc, gia cầm các loại không có giấy tờ kiểm dịch, 65 tấn ngô hạt không có nguồn gốc xuất xứ. Số tiền xử phạt hành chính hơn 1,2 tỷ đồng. Tại Thanh Hoá, tình hình vi phạm về ATTP vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp.

Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh đã bắt và khởi tố 2 vụ “Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm” và khởi tố 10 bị can. Tang vật thu được là 15.000 bao bì để đóng trà sữa, 2.700kg thành phẩm trà sữa giả các loại, hơn 60.000 sản phẩm là thực phẩm chức năng và các vỏ bao bì giả nhãn hiệu các doanh nghiệp khác, tổng giá trị hàng hóa trên 10 tỷ đồng. Hiện, 2 vụ án này đang được Công an tỉnh Thanh Hóa tiếp tục điều tra mở rộng và xử lý nghiêm theo pháp luật…

Thượng tá Phạm Công Hải, Phó trưởng Phòng đấu tranh về tội phạm sử dụng công nghệ cao, xâm phạm trật tự an toàn xã hội - Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phối hợp Công an TP Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ, Thái Nguyên, Hưng Yên, một số đơn vị quản lý Nhà nước ngoài ngành,… xác minh, đấu tranh, xử lý 6 vụ việc liên quan các nhóm đối tượng sản xuất, buôn bán các mặt hàng là sữa dạng bột giả, thực phẩm chức năng, tân dược giả hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Cơ quan điều tra đã khởi tố 4 vụ án với 10 bị can về “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả” và “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm”.

Gần đây nhất, vào tháng 6/2024, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp Công an tỉnh Thái Nguyên đấu tranh triệt phá nhóm đối tượng có hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng Sâm Alipas giả tại Thái Nguyên và Thái Bình, thu giữ 130 hộp sản phẩm giả.

Thủ đoạn của các đối tượng là đăng bán các sản phẩm trên mạng xã hội Facebook, Zalo và vận chuyển sản phẩm giả qua các công ty chuyển phát nhanh, thanh toán bằng hình thức COD hoặc chuyển khoản ngân hàng vào tài khoản ngân hàng của vợ chồng một đối tượng. Đến nay, Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố 2 đối tượng.

Theo Hải Lan – Vân Anh (CANDO)

Có thể bạn quan tâm