Phóng sự - Ký sự

Kỳ bí hàng trăm ngôi mộ cổ trên núi A Mang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trời se lạnh. Những giọt mưa xuân lất phất. Chúng tôi cố len lỏi dưới những tán cây, dẫm trên những bụi gai để tìm đến khu mộ cổ. Đỉnh núi phía sau chùa Châu Lâm (xã An Thạch, huyện Tuy An, Phú Yên) có tên là núi A Mang chìm trong sương buổi sớm...

Đi tìm dấu vết mộ cổ

 

Ngôi mộ đầu tiên tìm thấy.
Ngôi mộ đầu tiên tìm thấy.

Chúng tôi theo tấm biển có mũi tên chỉ hướng đi về chùa Châu Lâm và 500 ngôi mộ cổ. Đến cổng chùa, một sư cô đang lặt lá mai trong vườn đã nhanh nhẹn bước đến.

Sư cô hỏi mục đích, chúng tôi bày tỏ ý định muốn thăm những ngôi mộ này. Sư cô đưa tay chỉ về phía xa: "Anh đi qua phía sau chùa sẽ thấy một số ngôi mộ với những hình dạng đặc trưng. Còn muốn đến nơi có đủ 500 mộ thì rất khó đi và phải băng đèo lội suối...".

Sư cô rút chìa khóa trong túi mở cổng cho chúng tôi bước vào khu vực mộ cổ. Không xa lắm, phía sau chùa chúng tôi đã nhìn thấy.

 

Rêu phong và cả đổ nát.
Rêu phong và cả đổ nát.

Nhiều ngôi mộ rêu xanh phủ đầy ẩn hiện dưới tán cây. Khu rừng thưa với những cây to, nhỏ bao trùm rất khó len lỏi để tiếp cận. Gai góc, hố hầm và cả thú dữ như rắn, rết chực chờ.

Chúng tôi tiến vào bên trong. Ngôi mộ đầu tiên chúng tôi tìm thấy trong tình trạng đổ nát. Những phiến đá trên tường bao có chỗ đã đổ xuống và bị dây leo đậy kín. Nhà bia cũng bằng đá. Ngói lợp và những hoa văn bị lu mờ bởi rêu phong...

Trên bia, chỉ còn một mảng đá phẳng lì. Dường như tên tuổi người mất đã bị bào mòn hoặc có thể đục bỏ. Những phù điêu khác cũng vậy.

 

Những ngôi mộ khác.
Những ngôi mộ khác.

Tất cả không còn lưu lại một dấu vết nào để ghi nhận thân thế người đã khuất, năm tháng lập mộ.

Trên một diện tích hẹp, từ độ cao của núi xuôi về bên dưới có khá nhiều ngôi mộ. Đa số đều bị cây cối che phủ và chúng tôi đã tìm đến từng mộ, vạt lá bẻ nhánh tạo sự quang đãng để nhìn thấy.

Hầu như những ngôi mộ này đều gối đầu về hướng tây và tây bắc, chân mộ hướng về phía đông và đông nam. Về kiểu dáng, chúng tôi ghi nhận có 4 loại: yên ngựa, mai rùa, mái nhà và búp sen.

Trong đó yên ngựa là loại hình dáng được thể hiện nhiều nhất. Tại một số mộ còn lưu lại trụ biểu. Trên những trụ đó có hoa văn trang trí rất đặc sắc.

Chúng tôi tiếp tục lần tới. Càng lúc, mộ càng dày. Hợp chất phủ trên mộ có thể là ô dước bởi không có một vết nứt nào được tìm thấy cho dù thời gian đã quá lâu. So sánh với các mộ cổ mà chúng tôi đã từng chứng kiến, những ngôi mộ này mang đậm nét đặc trưng của người Việt.

 

Bình phong bị đục bỏ.
Bình phong bị đục bỏ.

Do tận mắt chứng kiến chúng tôi mới thấy những lời của bà con đã phản ảnh trước đó là mộ của người Chiêm Thành hay mộ của người Hoa là không có cơ sở.

Những giọt mưa xuân đã bắt đầu rơi xuống. Cái lạnh của núi rừng khiến chúng tôi rùng mình, phân vân có nên đi tiếp hay không.

Chúng tôi chợt nhớ lại lời của sư cô, muốn thấy đủ 500 ngôi mộ này là chuyện không dễ, phải vượt qua khá nhiều trở ngại mới đến được...

Mộ của ai?

 

 

Mặc dù đã trải qua nhiều năm, sự có mặt của 500 ngôi mộ này vẫn chưa được một cơ quan nào giải mã. Người ta chỉ có thể biết đó là mộ của người Việt nhưng ở giai đoạn nào trong lịch sử thì chưa xác định được.

Đến nay vẫn chưa có một tài liệu nào xác định lai lịch những ngôi mộ này. Theo Cảnh sát toàn cầu online: "Thạc sĩ Nguyễn Hoài Sơn, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học - kỹ thuật Phú Yên -  chủ biên tác phẩm “Di sản văn hóa đá ở Phú Yên”, nhận định đến thời điểm này ước tính hơn 500 ngôi mộ cổ còn tồn tại ở núi A Mang có thể khảo sát và nhận diện được".

Cảnh sát toàn cầu online viết tiếp: "Lật lại lịch sử 400 năm Phú Yên, Thạc sĩ Sơn nhận định, hơn 500 ngôi mộ cổ ở núi A Mang hình thành từ cuối thế kỷ 18, vì có cùng cách thức xây dựng như nhiều ngôi mộ cổ của một số dòng họ ở Phú Yên đã được xác định chính xác niên đại.

Với nhận định đó, Thạc sĩ Sơn đặt câu hỏi: Phải chăng những người an nghỉ dưới hơn 500 ngôi mộ cổ là binh sĩ của chúa Nguyễn Ánh đã hy sinh sau những trận chiến khốc liệt với binh sĩ nhà Tây Sơn năm 1793 - 1801?".

 

 
Mộ ẩn hiện trong rừng sâu.
Mộ ẩn hiện trong rừng sâu.

Không cùng quan điểm với Thạc sĩ Sơn, ông Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, bày tỏ: “Gần 200 năm kể từ 1471 đến 1658, vùng đất Phú Yên làm nhiệm vụ trấn biên.

Dinh Trấn Biên - thủ phủ đầu tiên và cũng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa Phú Yên thời bấy giờ, được xây dựng tại xã An Ninh Tây, huyện Tuy An ngày nay.

Vì sau ba thế kỷ, dòng sông Cái đã sạt lở, bồi lấp và biến đổi dòng chảy nên phế tích thành lũy dinh Trấn Biên xưa đã vùi sâu dưới lòng cát.

Thời đó, cư dân gần dinh Trấn Biên và vùng hạ lưu sông Cái hội tụ sầm uất nên nhiều khả năng hàng trăm ngôi mộ cổ trên núi A Mang là của người Việt, được chôn cất sau nhiều đời cộng cư mới hình thành quần thể mộ cổ.

Vì thế không thể nhận định đó là những ngôi mộ binh sĩ của chúa Nguyễn Ánh…”.

Việc khảo cứu để tìm ra nguồn gốc chính xác của 500 ngôi mộ cổ này là điều rất cần thiết.

Thông tin từ Sở VHTTDL Phú Yên cho biết, Sở đã cử cán bộ xuống địa phương tìm hiểu đồng thời giao Ban quản lý di tích tiến hành khảo sát báo cáo thực trạng những ngôi mộ cổ nói trên. Sau khi có kết quả, sở sẽ có những kế hoạch phù hợp”.

Trần Chánh Nghĩa/vietnamnet

Có thể bạn quan tâm