Núi Chư Glap cách trụ sở UBND xã Hbông khoảng 5 km theo hướng Tây Nam. Để đến ngọn núi này, từ làng Ring, chúng tôi men theo con đường mòn khúc khuỷu, lởm chởm sỏi đá và nương rẫy của người dân. Sau khoảng 15 phút đi xe máy, những tảng đá cao to nằm sừng sững, chót vót trên đỉnh núi hiện ra trước mắt chúng tôi.
Hòn đá chồng ở núi Chư Glap. Ảnh: R.H |
Trên đường đi, Trưởng thôn Ksor Túy cho biết: Trước đây, dân làng Ring sinh sống gần khu vực lòng hồ Ayun Hạ. Năm 1993, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, dân làng di dời đến sinh sống gần khu vực núi Chư Glap. Tại đây, bà con phát hiện trên khu vực đỉnh núi có nhiều tảng đá khổng lồ rất kỳ lạ. Trong số này, có một hòn đá với nhiều tảng đá xếp chồng lên nhau, cao hàng chục mét.
Theo quan sát của chúng tôi, hòn đá chồng cao khoảng 30 m, đường kính khoảng 20 m, với 7 tảng đá xếp chồng lên nhau. Trong đó, phần chân của tảng đá này có đường kính lớn nhất, các tảng đá còn lại xếp chồng lên nhau giống tòa tháp.
“Hòn đá này đã có từ lâu rồi. Vào khoảng từ 6 đến 7 giờ sáng, nếu đứng từ xã Ia Ake (huyện Phú Thiện) nhìn về phía núi Chư Glap vẫn thấy rõ hòn đá chồng trên đỉnh núi. Thời kháng chiến chống thực dân Pháp, khu vực núi Chư Glap là nơi trú ẩn của lực lượng du kích”-ông Túy nói.
Núi Chư Glap không chỉ ấn tượng bởi hình thù độc đáo mà còn chứa đựng nhiều câu chuyện bí ẩn, linh thiêng. Ông Rmah Plim (làng Ring) cho hay: Hồi nhỏ, ông được người già trong làng kể rằng hòn đá này do vợ chồng người khổng lồ tạo nên.
Sau khi tạo ra, họ làm cái nút ấn trên hòn đá, người dân thường truyền tai nhau rằng khi đến đây cầu xin thì sẽ gặp may mắn trong cuộc sống. Tuy nhiên, để nhận những điều ước này, thần linh cai quản quy định không cho phép săn bắt động vật hoang dã sinh sống ở khu vực xung quanh.
Xung quanh tượng đá ông Phật là cây cối xanh tươi. Ảnh: R.H |
“Tôi nghe người già trong làng kể lại rằng: Trước đây, trong lúc lên núi đi đặt bẫy thú, người dân trong làng thấy 1 con rắn rất to quấn mình quanh hòn đá nên hoảng sợ bỏ về. Từ đó, mỗi khi bà con đặt bẫy tại nơi này thì không trúng con sóc hay con chuột nào hết.
Ngày xưa, núi Chư Glap rất hoang vu, có nhiều muông thú, cây cổ thụ. Nhưng về sau do nhiều cây rừng đã bị chặt phá, bà con lấy đất sản xuất nông nghiệp xung quanh nên những chuyện huyền bí cũng ít người biết đến”-ông Plim chia sẻ.
Đứng trên đỉnh núi Chư Glap, chúng tôi phóng tầm mắt quan sát khung cảnh thiên nhiên núi rừng hùng vĩ, tận hưởng không khí mát lành giữa sắc xanh bạt ngàn của cây cối. Đẹp nhất là lúc chiều tà, khi những tia nắng chiếu xuống rừng cây rồi dần khuất sau rặng núi, tạo nên khung cảnh thiên nhiên nên thơ như tranh vẽ.
Ông Siu Vông-Phó Chủ tịch UBND xã Hbông-thông tin: Núi Chư Glap có nhiều tảng đá lớn, trong đó, đẹp nhất là hòn đá chồng. Hiện nay, đường đi đến khu vực này còn khó khăn, chính quyền địa phương mong muốn các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp đầu tư kinh phí xây dựng đường vào khu vực núi để thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.