Phóng sự - Ký sự

Kỳ diệu nơi đảo xa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đến đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) - hòn đảo tiền tiêu xa nhất vịnh Bắc bộ, ai cũng có cảm xúc tự hào, vì không chỉ là cột mốc thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc, đảo còn thay đổi kỳ diệu để bắt đầu đón du khách.

ĐÃ HẾT "5 KHÔNG"

Chúng tôi thăm đảo Bạch Long Vĩ sau 30 năm thanh niên xung phong (TNXP) ra xây dựng đảo (1993 - 2023). Con tàu Bạch Long hôm ấy vượt 110 km đường biển sau hơn 6 tiếng để đưa chúng tôi đến đảo. Nhìn từ xa, Bạch Long Vĩ như hình chiếc bát úp xinh xắn giữa lòng biển khơi. Đảo chỉ rộng khoảng 3 km2 và là huyện đảo duy nhất không có xã.

Du khách đón bình minh trên đảo. Ảnh: Vũ Thơ
Du khách đón bình minh trên đảo. Ảnh: Vũ Thơ

Cách đây 30 năm trên đảo Bạch Long Vĩ "5 không": không một bóng cây xanh, không điện, không đường, không trường và đặc biệt không nước ngọt. Nơi đây thừa gió, thừa nắng nhưng thiếu mưa nên điều kiện sống rất khắc nghiệt. Sau 30 năm, từ khi 62 TNXP đầu tiên ra xây dựng đảo Bạch Long Vĩ thành Đảo thanh niên đầu tiên của cả nước, giờ đây hòn đảo này đã thay đổi đến chóng mặt trong mắt của những TNXP ngày ấy.

Đến Bạch Long Vĩ, chúng tôi xúc động, tự hào khi đặt chân lên âu cảng có sức chứa hàng trăm tàu thuyền. Đây là công trình nằm giữa vịnh Bắc bộ, bảo đảm cho các phương tiện tàu thuyền neo đậu an toàn trong điều kiện gió bão cấp 12. Đây cũng là nơi dừng chân của ngư dân sau những chuyến đi biển, để tiếp nhiên liệu và đưa hải sản trung chuyển vào đất liền.

Với chiều dài khoảng 650 m được che chắn bằng các khối bê tông, âu cảng hùng vĩ hiện lên giữa lòng biển. Vào buổi sáng sớm, du khách có thể ra âu cảng dạo bộ cùng người dân địa phương, ngắm bình minh và tự do chụp ảnh trong khung cảnh đẹp miên man giữa bầu trời rực rỡ sắc cam.

Đường lên đảo, dẫn bước chúng tôi là những rặng phi lao xanh ngút ngàn, rì rào trong gió. Sắc xanh đã bao trùm toàn đảo với những công viên mang tên thanh niên như: công viên Tuổi trẻ sông Hồng, công viên TNXP. Hệ thống điện - đường - trường - trạm đã khá đầy đủ. Một khu dân cư sầm uất trên đảo với đủ dịch vụ, từ tắm nóng lạnh, karaoke đến nhà nghỉ cao tầng tiện nghi do người dân xây dựng…

"Thật bất ngờ và tự hào với sự đổi thay của đảo", ông Lê Vũ Thành (69 tuổi), nguyên Bí thư Thành đoàn Hải Phòng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hải Phòng, người dẫn đoàn TNXP đầu tiên ra xây dựng đảo 30 năm trước, đã phải thốt lên như vậy khi trở lại đảo tiền tiêu Bạch Long Vĩ.

Đảo Bạch Long Vĩ giờ đã có nhiều nhà cao tầng. Ảnh: Lê Tân

Đảo Bạch Long Vĩ giờ đã có nhiều nhà cao tầng. Ảnh: Lê Tân

GIÀU LÊN TỪ NGÀY RA ĐẢO

Chúng tôi vào thăm những nhà dân trên đảo. Dọc con đường lớn, các hàng quán của người dân nằm sát nhau, với đủ loại hàng hóa, nhu yếu phẩm: quần áo, lương thực - thực phẩm, ngư cụ đi biển, hải sản… được bày bán. Có cả những chiếc áo phông in dòng chữ rất bắt trend như: "Đúng nhận sai cãi"… được bày bán ở đây. Những điều này cho thấy tuy đảo xa, sóng lớn nhưng có lẽ sóng điện thoại, mạng internet và mạng xã hội cũng đã "dậy sóng" ở nơi này, khiến cuộc sống nơi đây không hề lạc điệu so với đất liền.

Đặc biệt, chúng tôi bất ngờ và ngạc nhiên khi hỏi về thu nhập của người dân trên đảo. Tại một cửa hàng bán rau và thực phẩm thiết yếu, chúng tôi hỏi: "Một ngày chị bán được bao nhiêu tiền?". Bà chủ cửa hàng dõng dạc: "10 triệu". Không tin vào tai mình, chúng tôi hỏi lại, bà Lê Thị Lệ (46 tuổi), quê H.Thủy Nguyên (TP.Hải Phòng) đã ra đảo sinh sống 19 năm, tiếp tục khẳng định: "Bây giờ doanh thu giảm rồi, chứ mấy năm trước Covid-19, có ngày tôi bán được cả trăm triệu đồng".

Đi thăm các cửa hàng khác, chúng tôi cũng nhận được câu trả lời tương tự, khi người dân cho biết thu nhập mỗi hộ dân, thậm chí mỗi người ở đây dao động 30 triệu đồng/tháng, nhờ buôn bán nhu yếu phẩm và ngư cụ cho các tàu thuyền đi biển. Ngoài ra, họ còn sơ chế hải sản để cung cấp cho khách đến thăm đảo và bán hàng online.

Từ những nguồn thu đó, đa số người ra đảo sinh sống đều có cuộc sống khá giả, vươn lên từ hoàn cảnh khó khăn. Gia đình ông Đinh Khắc Minh (52 tuổi) và bà Đinh Thị Hoan (50 tuổi), quê H.Thủy Nguyên, ra đảo sinh sống đã 22 năm, cho biết nhờ có đảo mà gia đình ông mới được như ngày hôm nay. "Gia đình tôi ra đây từ khi còn trẻ. Lúc ấy, vợ chồng tôi bị vỡ nợ, do kinh doanh buôn bán thua lỗ. Vậy là hai vợ chồng tôi xung phong ra đảo sinh sống, được nhà nước cấp nhà, hỗ trợ mỗi tháng 10 kg gạo/người. Từ đó, vợ chồng tôi trồng rau, nuôi heo, đánh lưới, câu mực, nấu rượu… mưu sinh", ông Minh nhớ lại.

"Khi ấy, nơi đây còn hoang vu lắm. Nhưng khi có điện gió, có hồ nước ngọt, cuộc sống bắt đầu khấm khá lên nhờ các dịch vụ phát triển", bà Hoan chia sẻ. Sau hơn 20 năm bám trụ đảo tiền tiêu, giờ đây gia đình ông Minh đã trả hết nợ nần và sống khá giả trên đảo với thu nhập 30 triệu đồng mỗi tháng, từ bán hàng gia dụng. Ông Minh còn xây dựng được một nhà nghỉ để đón khách du lịch.

Chúng tôi cũng nhận thấy người dân trên đảo họ sống chậm rãi: ngày bán hàng, tối rủ nhau đi tập văn nghệ, sáng dậy bật nhạc tập thể dục ở khuôn viên trước biển. Ai cũng sống vui vẻ, đoàn kết và có một tình yêu đặc biệt với biển đảo, bởi họ coi đảo là nhà, biển cả là quê hương.

Tàu thuyền về neo đậu ở âu cảng Bạch Long Vĩ. Ảnh: Lê Tân

Tàu thuyền về neo đậu ở âu cảng Bạch Long Vĩ. Ảnh: Lê Tân

SẼ LÀ ĐÔ THỊ TRÙ PHÚ GIỮA BIỂN ĐÔNG

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Diễn, Phó chủ tịch UBND huyện đảo Bạch Long Vĩ, cho biết hiện ở đảo có khoảng 326 hộ dân (khoảng 1.000 nhân khẩu) với đời sống ấm no. "Thu nhập bình quân mỗi người từ 15 - 30 triệu đồng/tháng là bình thường. Có ngày, khi có khách đến đảo thì những cửa hàng bán hải sản, đồ thiết yếu, doanh thu 100 triệu là có thật", ông Diễn khẳng định. Đặc biệt, ông Diễn cho biết từ ngày dân sự hóa đảo, với những bàn tay góp sức xây dựng của lực lượng TNXP, đảo Bạch Long Vĩ đã phát triển từng ngày.

Từ năm 2016, đảo bắt đầu có điện, người dân "chạy" ti vi, tủ lạnh, điều hòa và bảo quản hải sản để đưa về đất liền. Hồ nước ngọt 60.000 m3 hoàn thành năm 2020, được bơm vào nhà máy xử lý rồi dẫn đến từng nhà dân. Trên đảo còn có nhiều nhà mở dịch vụ tắm nước nóng, hát karaoke phục vụ ngư dân các tàu cá. Năm 2020, tàu Hoa Phượng Đỏ trọng tải 220 tấn, có thể chở trên 200 người và 50 tấn hàng hóa thuộc sở hữu của huyện đảo Bạch Long Vĩ được đưa vào hoạt động đã rút ngắn thời gian ra đảo còn 6 tiếng, giúp đảo đến gần hơn với đất liền…

Là một trong những TNXP ra xây dựng đảo năm xưa và có thời gian là Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP, ông Diễn khát khao phát triển đảo hơn nữa, vì đảo còn rất nhiều tiềm năng về du lịch. "Năm 1998, chúng tôi đã có chủ trương thí điểm phát triển du lịch và bắt đầu tổ chức những tour du lịch trải nghiệm đầu tiên, đưa khách ra thăm đảo, nhưng sau đó dịch Covid-19 nên phải dừng lại. Năm 2022, việc tổ chức du lịch mới tái khởi động, nhưng còn gặp nhiều khó khăn do dịch vụ chưa phát triển. Trong tương lai có thể kết hợp xây dựng các tour du lịch kết nối các điểm đảo như: Cát Bà, Long Châu, Bạch Long Vĩ. Từ Cát Bà ra Bạch Long Vĩ chỉ mất 3 tiếng thôi", ông Diễn chia sẻ.

Theo ông Diễn, UBND huyện đảo Bạch Long Vĩ dự định sẽ công viên hóa toàn đảo để thu hút khách du lịch. Chia sẻ về nhiều dự định phát triển đảo, ông Diễn tin tưởng Bạch Long Vĩ không chỉ là trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá sầm uất, cột mốc biên giới vững chắc ở vịnh Bắc bộ, mà sẽ trở thành đô thị trù phú giữa Biển Đông.

Có thể bạn quan tâm