Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Kỷ niệm 200 năm ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

GS-TS Nguyễn Chí Bền, người làm hồ sơ đề nghị UNESCO kỷ niệm 200 năm ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, cho biết: “Dự kiến tháng 11-2021, phiên họp của Đại hội đồng sẽ thông qua nghị quyết kỷ niệm 200 năm danh nhân. Trước đó, Ban Chấp hành UNESCO đã thông qua hồ sơ tháng 4-2021”.  

 
 



Từ năm 1956, UNESCO đã tham gia vào việc kỷ niệm các sự kiện lịch sử và các danh nhân lỗi lạc của các nước, khẳng định tầm quan trọng và sự công nhận trên bình diện thế giới đối với các cá nhân hoặc sự kiện này. Các cá nhân, sự kiện được UNESCO tham gia kỷ niệm là các cá nhân, sự kiện đã có đóng góp cho việc phát triển văn hóa và giúp cho việc tăng cường hiểu biết quốc tế, tạo nên sự gần gũi giữa các dân tộc và đóng góp cho hòa bình thế giới.

Việc UNESCO tham gia vào việc kỷ niệm các danh nhân lỗi lạc cùng các nước thành viên được thực hiện theo các tiêu chí cụ thể như: Kỷ niệm theo năm tròn tuổi 50 năm của năm sinh hoặc năm mất của danh nhân (100, 150, 200, 250, 300...);Mỗi năm một quốc gia được đề xuất kỷ niệm 2 cá nhân hoặc sự kiện, một trong số đó ưu tiên về vấn đề bình đẳng giới.

Hồ sơ đề nghị cùng kỷ niệm năm sinh của Nguyễn Đình Chiểu gửi UNESCO có mô tả những ảnh hưởng từ phẩm chất của ông tới khu vực và tác động trên toàn thế giới.

Ông là tấm gương cho những người tàn tật trong khu vực và toàn thế giới, không khuất phục trước số phận không may mắn. Dù mắt mù lòa, ông vẫn tự học qua người thân các tri thức Nho giáo, tri thức nghề thuốc đông y để hành nghề. Có thể thấy rõ qua tấm gương này tư tưởng học suốt đời của UNESCO. Ông là nhà thơ với những lo lắng cho con người trong thời loạn - một thái độ nhân văn cần nêu cao khi thế giới vẫn có khả năng xuất hiện các cuộc chiến tranh quốc gia và khu vực. Ông viết chân thực về nỗi đau khổ mà họ phải chịu đựng.

Ông là nhà văn hóa với triết lý được chép thành sách. Triết lý này có phần vỏ là Nho giáo, lõi là triết lý sống của người Nam bộ nói riêng, người Việt Nam nói chung: không màng danh lợi, giữ khí tiết, luôn sống vì mọi người. Ông đại diện cho việc tiếp nhận và đổi mới tư tưởng Nho giáo của Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á. Năm 1864, nhà nghiên cứu Pháp G.Aubaret đánh giá truyện thơ Lục Vân Tiên “chứa đựng những tình cảm, khát vọng chẳng mấy khi tìm thấy trong tinh thần Trung Quốc… Cuốn sách có ưu điểm lớn là diễn tả được trung thực những tình cảm của cả một dân tộc”.

Trong khu vực Đông Nam Á, Nguyễn Đình Chiểu là một danh y, một thầy thuốc mẫu mực, chăm lo cho người bệnh, đọc cho người nhà chép y lý truyền cho người xung quanh. Y lý của Nguyễn Đình Chiểu lấy số phận con người làm nội dung, đạo đức của người thầy thuốc là không màng danh lợi...

Theo GS-TS Nguyễn Chí Bền, tới thời điểm này, Việt Nam đã có các danh nhân văn hóa kiệt xuất được UNESCO khuyến khích thế giới kỷ niệm năm sinh là: Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại thi hào Nguyễn Du, nhà thơ Nguyễn Trãi, nhà giáo dục Chu Văn An.

Dự kiến tháng 11 - 2021, Đại hội đồng UNESCO sẽ thông qua nghị quyết UNESCO cùng kỷ niệm danh nhân các quốc gia đề xuất trong năm 2022.

Theo MAI AN (SGGPO)

 

Có thể bạn quan tâm