Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Kỷ niệm khó quên với Chử Anh Đào

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Hôm tôi từ Quy Nhơn về Pleiku thì nhận được điện thoại của nhà giáo Hoàng Ngọc Luận: “Anh lên thăm thầy Đào đi! Ông ấy yếu lắm rồi…”. Tôi tức tốc điện cho anh Nguyễn Bá Nguyên-bạn học thời Cao đẳng Sư phạm (chuyên tu) và 2 anh em cùng đến thăm thầy.
Trên tầng 2 của căn nhà quen thuộc ở đường Lê Thánh Tôn là thư phòng cũng là nơi tiếp khách, chúng tôi gặp thầy Đào với thân hình gầy guộc, khuôn mặt sạm đen đang ngồi trước chiếc laptop ở bàn làm việc trong góc phòng. Nhìn hình ảnh này, tôi lại nhớ đến bài viết mới đây trên báo Gia Lai của Nguyễn Quang Tuệ về thầy: “Chiến đấu đến hơi thở cuối cùng”. Thấy anh Nguyên hơi ngạc nhiên, cô Tám (vợ thầy Đào) ngồi ở bàn trà bên cạnh giải thích: “Ông ấy mới uống thuốc qua nay nên tỉnh táo và đi lại được. Mấy hôm trước nằm luôn, đi đứng phải có người dìu”. Tắt máy, thầy đứng dậy, bước đi khó nhọc đến bàn nước ngồi tiếp chúng tôi. Nhìn thần sắc và tiếng nói yếu ớt của thầy, tôi hơi ái ngại, không dám chuyện trò nhiều và đùa cợt mỗi khi thầy trò gặp nhau bù khú như xưa. Thầy Đào lặng lẽ mở tủ sách lấy 2 cuốn “Sao mọc”, tác phẩm mới tái bản của thầy đề tặng chúng tôi. Đây là tập truyện ký-truyện ngắn được xuất bản lần đầu tiên cách đây hơn 30 năm của Chử Anh Đào mà tôi đã đọc. Từ đó đến nay, thầy Đào có thêm 7 tác phẩm đã xuất bản gồm cả truyện, ký, phê bình và nhiều công trình nghiên cứu phục vụ giảng dạy, học tập khác. Kể ra, một đời người vừa đứng trên bục giảng vừa cầm bút viết văn mà có chừng ấy “đứa con tinh thần” cũng đáng để chúng ta nể phục về sức cống hiến và sáng tạo.
Hồi cùng làm việc ở Sở Giáo dục Gia Lai-Kon Tum, chúng tôi quý nhau như 2 người bạn thân vì tuổi tác cũng xấp xỉ nhau. Tuy công việc chuyên môn ở cơ quan lúc bấy giờ có khác nhau nhưng tôi lại ham viết lách nên kết thân với những người đam mê văn chương, báo chí như: Cao Tất Tịnh, Chử Anh Đào, Nguyễn Đỗ, Hùng Hoa Lư… Chuyện bù khú văn chương thời ấy nó thu hút và thần tượng lắm! Chính vì lẽ đó mà tôi đã học hỏi được nhiều trong thực tiễn hơn là những kiến thức sách vở ở nhà trường. 
Nhà giáo Chử Anh Đào. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Nhà giáo Chử Anh Đào. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Cũng từ chỗ hợp nhau vì đam mê văn chương, báo chí và cũng vì yêu cầu của ngành Giáo dục địa phương trong việc phổ biến kinh nghiệm quản lý giáo dục, phương pháp giảng dạy cũng như đường lối, chính sách về giáo dục trong các trường học, tuyên dương những điển hình trong phong trào “Hai tốt”, tôi và Chử Anh Đào cùng bàn bạc với Ban Giám đốc Sở Giáo dục để xuất bản Tập san Giáo dục và được sự ủng hộ của cô Võ Thị Quế-Giám đốc Sở. Chúng tôi cũng hình thành được Ban Biên tập và tổ chức đội ngũ cộng tác viên khá đông đảo, chủ yếu là những người ở trong ngành Giáo dục tỉnh và Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh… Ban đầu, Tập san Giáo dục xuất bản mỗi quý độ 500 bản, chủ yếu phát hành trong các trường học. Kinh phí in ấn, trả nhuận bút do ngành Giáo dục dự toán và chi trả mỗi kỳ. Chúng tôi duy trì việc xuất bản Tập san Giáo dục được khoảng 5 năm với nội dung khá phong phú, trong đó có dành một phần cho các sáng tác văn học, được đông đảo bạn đọc khen ngợi, động viên. Bấy giờ, tôi và Chử Anh Đào được sự đồng ý của Giám đốc Sở làm hồ sơ để xuất bản định kỳ và xin giấy phép dài hạn của Bộ Văn hóa-Thông tin. Tôi đã trực tiếp mang hồ sơ ra Hà Nội nhưng gặp lúc bộ chủ quản đang sắp xếp lại công tác báo chí trong cả nước nên chưa thể hoàn thành ý định này. Trong thời gian làm tập san, chúng tôi có xuất bản thêm tập sách “Lung linh ngọn lửa” do Chử Anh Đào chủ biên và làm đặc san cho Trường Vừa học-Vừa làm Đak Tô-đơn vị Anh hùng Lao động. Thời kỳ này, được sự quan tâm của lãnh đạo Sở Giáo dục nhằm trang bị kiến thức về công tác báo chí, chúng tôi được cử đi dự các lớp tập huấn do Báo Giáo viên Nhân dân (sau này là Báo Giáo dục Thời đại) tổ chức; đồng thời mời Ban Biên tập Báo Giáo viên Nhân dân mở lớp đào tạo cộng tác viên báo chí cho ngành. Cuối khóa bồi dưỡng năm ấy, Chử Anh Đào, tôi và anh Trần Chớ được Ban Biên tập Báo Giáo viên Nhân dân cấp thẻ thông tín viên. Từ đó, ngoài việc làm Tập san Giáo dục, chúng tôi còn cộng tác thường xuyên cho tờ báo của ngành Giáo dục và Đào tạo.
Một thời sôi nổi ở ngành Giáo dục rồi cũng qua mau. Khi cô Võ Thị Quế nghỉ hưu, mọi việc dần dần cũng thay đổi. Tôi và Chử Anh Đào xin chuyển khỏi ngành. Lãnh đạo Sở thống nhất ký giấy giới thiệu cho tôi xin về Báo Gia Lai-Kon Tum, thầy Đào xin về Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh. Cả hai đều được các cơ quan báo chí địa phương chấp thuận tiếp nhận. Nhưng sau đó, Chử Anh Đào được Ban Giám đốc Sở vận động ở lại ngành và chuyển về giảng dạy tại Trường Cao đẳng Sư phạm. Sau đó, từ vị trí Trưởng khoa Xã hội, thầy Đào được đề bạt Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai cho đến khi về hưu.
Sau một thời gian làm phóng viên, tôi được giao nhiệm vụ phụ trách biên tập cho ấn phẩm Gia Lai nguyệt san. Tất nhiên, khi tìm người cộng tác tích cực có thể giao chuyên mục Văn học trong nhà trường, tôi nghĩ ngay đến Chử Anh Đào. Chuyên mục này được giáo viên dạy văn ở các trường phổ thông chuyên tâm theo dõi vì rất thiết thực, giúp họ trang bị thêm nhiều kiến thức văn học trong nhà trường. Sau này, thầy Đào đã tập hợp những bài viết của mình trên chuyên mục báo địa phương và xuất bản sách “Tự thú trước vầng trăng”. Ở Báo Gia Lai, có thời kỳ làm nhân sự, quy hoạch Tổng Biên tập và được phép giới thiệu người ngoài ngành có am hiểu về báo chí, tôi đã giới thiệu Chử Anh Đào và vài người khác trong ngành Giáo dục địa phương. Ban Biên tập khi đó cũng đồng ý với ý kiến của tôi và lập danh sách quy hoạch để gửi lên cấp trên xem xét, sắp xếp. 
Và đến giờ, ngồi đọc lại “Lời tự thú” trong bài Đôi bờ của Chử Anh Đào khi biết mình bị căn bệnh hiểm nghèo thì tôi thực sự giật mình và cay đắng nghĩ về thân phận nhỏ nhoi của con người trước tạo hóa. Khi còn tỉnh táo, bạn bè đến thăm có chút quà mọn cho người bệnh, thầy Đào thường đùa: “Ông đi phúng viếng tôi sớm thế!”. Lời nói đùa tuy có làm cho bạn bè bớt đi phút giây lặng lẽ bên người bệnh nhưng cũng khiến nhiều người nhói lòng vì sự thật của người sắp ra đi vĩnh viễn đang tồn tại nói cười trước mặt mình. Biết trước cái chết là điều kinh khủng với con người nhưng với Chử Anh Đào, thầy đã chấp nhận và chuẩn bị cho mình một tư thế ra đi an nhiên, không còn điều gì tiếc nuối. Ngồi bên nhau lúc này, tôi bỗng nhớ đến bài thơ của nhà thơ Nga Evghenhi Evtushenko mà thầy Đào thường đọc cho tôi nghe (bản dịch của Bằng Việt) mỗi khi thầy trò chén tạc chén thù với nhau: “Chẳng có ai tẻ nhạt mãi trên đời/mỗi số phận chứa một phần lịch sử/mỗi số phận rất riêng dù rất nhỏ/chắc hành tinh nào đã sánh nổi đâu?... Những con người ra đi… không thể gì tái tạo/những vũ trụ riêng tư không lặp lại bao giờ/tôi muốn kêu lên, kêu to lên điều ấy/trước đời người đều đặn tựa thoi đưa”.
BÙI QUANG VINH

Có thể bạn quan tâm