Đam mê với khoa học kỹ thuật, nông dân Đỗ Văn Trường, trú ở tổ 1, phường Tân Bình, thành phố Tam Điệp (tỉnh Ninh Bình) đã tự mày mò, tìm hiểu và sáng chế ra máy bơm vô ống có tính ứng dụng cao trong thực tiễn đem lại hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
Ông Đỗ Văn Trường - chủ nhân của sáng chế bơm không dùng ống. Ảnh: dantri.com.vn |
Sáng kiến của ông Trường được nhiều nhà khoa học đánh giá cao nhờ tính ứng dụng, sáng tạo và giành nhiều giải thưởng tại các cuộc thi khoa học kỹ thuật trong và ngoài tỉnh. Tại Đại hội đại biểu Nông dân Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018 - 2023, ông Trường vinh dự là 1 trong 53 nhà khoa học của nhà nông được vinh danh tại Đại hội.
Xuất thân từ gia đình nông dân ở thành phố Tam điệp, năm 1978, ông Trường tham gia nghĩa vụ quân sự ở quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam, sau đó được điều về Trường Kỹ thuật quân sự Hải quân Sài Gòn. Trong hơn 10 năm ở quân đội, do luôn được tiếp xúc với môi trường biển và cơ khí thủy lực nên đã hình thành trong ông niềm đam mê về cơ khí chế tạo. Năm 1991, ông Trường ra quân trở về địa phương, mở xưởng cơ khí nhỏ để phục vụ bà con quanh vùng.
Trong quá trình làm việc, từ việc sửa chữa nhiều loại máy bơm nước, đặc biệt là các loại máy bơm trục đứng có công suất lớn hàng nghìn m3/h trở lên, ông Trường nhận thấy những máy bơm này không chỉ tiêu thụ lượng điện năng lớn mà việc xây trạm bơm, cửa hút, cửa xả… cũng rất tốn kém. Vì vậy, ông Trường luôn trăn trở tìm giải pháp chế tạo một chiếc máy bơm đơn giản, gọn nhẹ, tiêu thụ điện năng ít nhưng công suất bơm vẫn đảm bảo chống hạn, chống úng cho đồng ruộng với chi phí thấp.
Ông Trường chia sẻ: "Qua nghiên cứu và quan sát, tôi rút ra một số nguyên lý của máy bơm. Đó là ống bơm càng ngắn thì càng tiết kiệm năng lượng và lực nâng nước bởi hệ thống cánh quạt quyết định chứ không phải do ống, từ đó tôi đã nảy ra ý tưởng sáng chế ra một chiếc máy bơm không dùng ống".
Năm 2003, ông Trường bắt tay vào chế tạo thử nghiệm với kỳ vọng sẽ biến ý tưởng của mình thành hiện thực. Sau 6 tháng, chiếc máy bơm vô ống đầu tiên được "trình làng". Điểm mới làm nên sáng chế này, đó chính là tác giả đã lắp đặt phần thân bơm ngay trên ống cống có sẵn của hệ thống thủy nông tạo nên một hệ thống bơm mà không cần ống.
Chiếc máy bơm có cấu tạo và cơ chế hoạt động khá đơn giản. Cánh bơm quay và guồng nước quay nhờ hệ thống truyền lực từ động cơ sang trục bơm bằng dây cu roa, khi bơm nước xong sẽ có bộ phận đậy nắp kín và lúc này thân bơm có tác dụng như tấm ngăn nước.
Bơm vô ống có thể bơm được hai chiều bằng cách đảo pha điện để thay đổi chiều quay của động cơ. Kết cấu này sẽ giúp cung cấp nước tưới vào mùa khô và xả nước chống ngập úng vào mùa mưa mà không phải xây thêm cửa hút, cửa xả, bể điều tiết nước, góp phần giảm thiểu chi phí lắp đặt.
Chiếc máy bơm có cấu tạo và cơ chế hoạt động khá đơn giản. Ảnh: dantri.com.vn |
Ông Trường cho biết: "Bơm vô ống có công suất lớn nhưng điện năng tiêu thụ ít, với cùng một lượng nước được bơm, lượng điện tiêu hao của bơm vô ống giảm 3,5 lần so với bơm trục đứng. Ngoài ra, bơm vô ống còn có thể dễ dàng lắp đặt trong hợp tác xã nông nghiệp ở các máng cống lấy nước sẵn có nên giảm chi phí xây cống mới cũng như cửa hút, cửa xả của trạm bơm. Đồng thời, máy có cấu tạo đơn giản nên vấn đề sửa chữa, thay tháo phụ tùng đơn giản dễ dàng lắp đặt sửa chữa. Tổng kinh phí đầu tư công trình bơm vô ống khoảng 60 triệu đồng/máy.
Với tính năng vượt trội và giá thành hợp lý, máy bơm vô ống của ông Đỗ Văn Trường đã được một số hợp tác xã của tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình… lựa chọn ứng dụng trong nhiều năm qua, góp phần giải quyết hiệu quả việc chống úng và chống hạn cho các địa phương. Đến nay, cơ sở sản xuất của ông Trường đã bán ra thị trường hơn 300 máy bơm vô ống.
Ông Dương Văn Phái, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Ân Hòa, xã Ân Hòa, huyện Kim Sơn, cho biết, trên địa bàn xã đã lắp đặt 2 trạm bơm vô ống từ năm 2006. Qua hơn 10 năm vận hành, các trạm bơm vô ống đã cho thấy hiệu quả rõ rệt như chi phí lắp đặt chỉ bằng 1/4 so với với việc xây lắp một trạm bơm, thoát nước như trước đây, đồng thời đảm bảo việc tiêu úng nhanh, lượng điện tiêu hao ít hơn so với các máy bơm khác.
Với tính ứng dụng cao và sáng tạo, máy bơm vô ống của ông Trường đã được cấp bằng độc quyền sáng chế do Cục Sở hữu trí tuệ cấp và giành nhiều giải thưởng trong các cuộc thi khoa học kỹ thuật trong và ngoài tỉnh. Trong thời gian tới, ông Trường tiếp tục nghiên cứu, cải thiện chiếc máy để giảm giá thành góp phần đem lại hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
Hải Yến (TTXVN)