Sống trẻ - Sống đẹp

Kỹ sư đầu tiên ở Việt Nam sáng chế máy tách màu nông sản

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sau 2 năm nghiên cứu, anh Trương Việt Cường (thôn 5, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) là người đầu tiên của Việt Nam đã sáng chế máy tách màu nông sản có chất lượng không thua kém so với máy nhập ngoại.

Đam mê sáng chế

Sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, năm 2008, anh Cường đi làm cho một số công ty phát triển phần mềm. Tuy nhiên, với niềm đam mê sáng chế, anh Cường đã thử sức bằng việc làm ra sản phẩm liên quan đến điện tử là gương ô tô chống trộm. Thế nhưng khi sản phẩm ra đời đã không thể phát triển được thị trường nên anh đành bỏ ngang. Từ lần thất bại đó, anh vẫn nuôi ý chí sáng chế sản phẩm gì đó hữu dụng trong đời sống, sản xuất.

 Anh Trương Việt Cường bên chiếc máy tách màu nông sản do mình sáng chế. Ảnh: Thảo Nguyên
Anh Trương Việt Cường bên chiếc máy tách màu nông sản do mình sáng chế. Ảnh: Thảo Nguyên



Anh Cường nhớ lại: “Trong một lần về quê ở xã Nam Yang (huyện Đak Đoa), tôi thấy người dân tỉ mẩn nhặt từng hạt tiêu để cho ra thành phẩm gồm: tiêu đen, tiêu đỏ, tiêu sọ. Công việc này mất nhiều thời gian và công sức, trong khi chất lượng chọn hạt không cao. Tôi hỏi người quen thì biết rằng phải bỏ ra tầm 2 tỷ đồng mới mua được loại máy của Đức, Ý hay Nhật để làm công việc này. Nếu mua máy Trung Quốc cỡ 500-600 triệu đồng thì không thể điều chỉnh tách màu theo ý muốn. Câu chuyện đó đã giúp tôi nảy ra ý tưởng bắt tay vào việc chế tạo một chiếc máy xem sao. Nghĩ thì vậy nhưng thực tế không dễ dàng chút nào vì mình chuyên về công nghệ thông tin chứ không phải cơ khí và điện tử. Thế là tôi mày mò, tìm hiểu nhiều tài liệu về 2 mảng này cũng như nhờ sự trợ giúp của bạn bè để bắt đầu quá trình nghiên cứu, thử nghiệm tìm ra nguyên lý hoạt động của máy”.

Theo anh Cường, phải mất hơn nửa năm mới viết xong lập trình để máy vận hành. Năm 2019, chiếc máy ra đời trong niềm hân hoan của cả nhóm. Tuy nhiên, kết quả không như kỳ vọng, tỷ lệ bắn hạt không đạt cũng như mắc nhiều lỗi kỹ thuật khi vận hành. Thế là 4 cộng sự của anh “rụng” mất một nửa vì họ nghĩ rằng đã thất bại. Không nản chí, anh vẫn tiếp tục vay mượn tiền để làm lại từ đầu. Khoảng 2 năm sau, chiếc máy được cải tạo, nâng cấp với đầy đủ tính năng như: tách màu, loại bỏ hạt vỡ, phân loại hạt không đồng đều về kích cỡ… đáp ứng đầy đủ yêu cầu mình mong muốn. “Mọi cái bắt đầu từ việc mày mò làm nên, do đó làm tới đâu tôi rút kinh nghiệm, chỉnh sửa đến đó. Chính vì vậy, việc sáng chế thành công chiếc máy mất hơn 2 năm ròng rã. Niềm đam mê và sự nỗ lực của bản thân cũng như sự hợp tác của các cộng sự đã mang về quả ngọt khi chiếc máy đầu tiên giao cho khách hàng vận hành trơn tru”-anh Cường bày tỏ.

Mong muốn phục vụ người dân

Anh Cường rất tự hào với chiếc máy tách màu nông sản đầu tiên được sản xuất trong nước. Tuy nhiên, anh cũng nhận thấy kỹ năng về khoa học công nghệ của mình vẫn còn phải học hỏi nhiều. Để thực tế hơn, anh đưa chúng tôi đến chỗ chiếc máy đang vận hành bắn hạt tiêu. Nhìn chiếc máy tách màu nông sản tương đối gọn. Nghĩ đơn giản nhưng đó là cả một quá trình nghiên cứu mà anh Cường phải tốn rất nhiều tiền bạc, công sức và thời gian vừa thiết kế, lắp đặt, chỉnh sửa, vừa thay đổi thiết bị. “Cấu tạo của chiếc máy tách màu nông sản vừa liên quan đến cơ khí, điện tử, phần mềm vận hành nên độ phức tạp rất cao, đòi hỏi phải đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng từng chi tiết một. Chỉ cần sai một tí là máy hoạt động không như mong muốn”-anh Cường cho hay.

Anh Cường diễn giải: Máy được thiết kế và lập trình thông qua camera ghi lại hình ảnh của từng hạt nguyên liệu, sau đó đưa thông tin về máy tính xử lý. Nếu muốn phân loại hạt gì thì mình viết chương trình tương ứng. Khi đổ nguyên liệu vào, máy sẽ đưa lên ban tải và camera sẽ ghi lại hình ảnh khi hạt rơi xuống. Sau đó, máy tính sẽ xử lý, kích hoạt hệ thống bán hơi bên dưới để lựa chọn những hạt đạt tiêu chuẩn theo lập trình. Tùy nguyên liệu đầu vào mà máy có thể tách đạt tỷ lệ đến 99%.


 

 Máy tách màu nông sản do anh Trương Việt Cường sáng chế có thể phân loại 70 kg hạt tiêu/giờ. Ảnh: Thảo Nguyên
Máy tách màu nông sản do anh Trương Việt Cường sáng chế có thể phân loại 70 kg hạt tiêu/giờ. Ảnh: Thảo Nguyên

“Trong quá trình chế tạo chiếc máy đầu tiên, tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhất là kỹ thuật bắn hạt ra, lựa hạt không đạt. Rồi không mua được thiết bị điện tử, phải tự mày mò làm ra, lúc đạt lúc không, công suất cũng không như mong muốn. Lúc đó, anh em cộng sự thấy không khả quan nên đã bỏ cuộc. Gần 1 năm trời chỉ mình tôi “ôm sô”. Phần nữa, khi lắp đặt thiết bị sai một tí là bị cháy, hỏng mạch nên rất tốn kém. Tuy nhiên, không nản lòng, tôi cố gắng hết sức vượt qua giai đoạn khó khăn đó để hoàn thiện chiếc máy”-anh Cường trải lòng.

Gọi là máy tách màu nông sản nhưng thực tế máy này có thể tách màu được cả hạt nhựa. Hiện tại, 1 chiếc máy có giá 250-450 triệu đồng tùy theo công suất. Tuy nhiên, so với những chiếc máy tương đồng về giá trên thị trường thì máy của anh Cường hơn hẳn về công năng sử dụng. “Những chiếc máy đang có trên thị trường thì đa phần nguyên lý hoạt động là giống nhau. Nhà sản xuất lập trình sẵn theo hướng đại trà, không chỉnh sửa theo ý của khách hàng yêu cầu. Đối với mình thì có thể uyển chuyển theo yêu cầu của khách hàng đưa ra và giá cả mềm. Đây chính là yếu tố để cạnh tranh”-anh Cường tự tin nói.

Trải nghiệm thực tế khi ứng dụng máy vào hoạt động chế biến, bà Nguyễn Thị Nga-Phó Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang-chia sẻ: “Trước đây, muốn làm tiêu sọ, chúng tôi phải thuê rất nhiều nhân công để lựa bằng tay loại bỏ những hạt đen, hạt kém chất lượng. Một kg hạt tiêu nếu lựa bằng tay tiền công mất 20 ngàn đồng và 1 người chỉ lựa được khoảng 10 kg/ngày. Trong khi máy tách màu có thể lựa đến 70 kg hạt tiêu/giờ. Đồng thời, máy cũng loại bỏ được hạt vỡ, hạt hư cũng như phân loại được trọng lượng. Đặc biệt, máy có thể chọn lựa riêng theo từng dãy màu của hạt tiêu để phân loại, đáp ứng yêu cầu về sự đồng nhất màu sắc của sản phẩm. Sau một thời gian đầu tư máy tách màu nông sản, tôi thấy hiệu quả công việc rõ rệt, giảm được chi phí nhân công, tăng năng suất, từ đó hạ giá thành nhằm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường”.

Hiện tại, anh Cường đã bàn giao 2 chiếc máy tách màu nông sản cho khách hàng và cũng nhận nhiều đơn đặt hàng mới. Theo anh Cường, ngành công nghiệp chế biến tiêu, cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên đang có nhu cầu rất lớn về máy móc. Do đó, anh cũng đang đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm của mình ra thị trường. “Chế tạo máy và hoàn thiện nó là quá trình lâu dài. Do đó, mình vừa làm, vừa cải tiến, nâng cấp về kỹ thuật lẫn mẫu mã sao cho phù hợp với kiểu dáng công nghiệp, cách vận hành dễ dàng hơn. Đồng thời, tôi cũng sẽ cố gắng hạ giá thành sản phẩm để đưa ra thị trường những chiếc máy có giá cả thấp nhất mà cơ sở nào cũng có thể tiếp cận được. Để giữ quyền sáng chế, thời gian tới, tôi sẽ làm các thủ tục đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm”-anh Cường chia sẻ.

 

 THẢO NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm