Kỹ sư trẻ của liên doanh dầu khí Việt - Nga Vietsovpetro đã có những sáng kiến làm lợi hàng chục tỉ đồng cho đơn vị. Những sáng kiến của họ đơn giản chỉ xuất phát từ sự đam mê và có trách nhiệm với công việc.
Kỹ sư Võ Đức Thảo - Ảnh: NVCC |
Đam mê chuyên môn, yêu công việc, không ngừng cố gắng học hỏi, làm tận tâm hết mình một cách tự nhiên thì những điều tốt đẹp sẽ đến.
Anh Võ Đức Thảo
|
Đó là hai anh Tạ Văn Thịnh (34 tuổi, kỹ sư chuyên thiết kế giếng khoan) và Võ Đức Thảo (35 tuổi, kỹ sư ôtô, máy động lực).
Sáng kiến tâm đắc nhất
Tốt nghiệp ĐH Mỏ - địa chất Hà Nội, Tạ Văn Thịnh thi tuyển vào làm ở Vietsovpetro, công việc chính của anh là những phần việc liên quan đến thiết kế giếng khoan: ống chống, dung dịch khoan và ximăng bơm trám.
Với lòng đam mê, yêu công việc, luôn học hỏi và mong muốn tìm ra những giải pháp tốt nhất cho công việc, từ năm 2011 anh đã có đồng sáng kiến "Lựa chọn choòng khoan PDC trên cơ sở phân tích địa tầng đất đá theo số liệu địa vật lý giếng khoan". Với sáng kiến này, anh và các cộng sự đã làm lợi cho Vietsovpetro số tiền hơn 40 tỉ đồng.
Từ đó đến nay, anh liên tục là tác giả, đồng tác giả của nhiều sáng kiến khác, với tổng số tiền lên xấp xỉ cả trăm tỉ đồng. Mới đây nhất, vào tháng 9-2019, là sáng kiến "áp dụng công nghệ khoan chùm" cho giàn khoan nhẹ. Với việc áp dụng sáng kiến này, doanh nghiệp đã làm lợi số tiền khoảng 750.000 đôla Mỹ, tương đương hơn 15 tỉ đồng. Đây cũng là sáng kiến tâm đắc nhất của anh.
Anh tâm sự, có những ý tưởng, sáng kiến phải kiên trì đeo đuổi mấy năm trời mới thành hiện thực. "Sáng kiến chính là để phục vụ công việc. Và phải có đam mê, yêu thích công việc thì quá trình làm mới phát hiện ra khâu nào chưa hợp lý và suy nghĩ làm sao cho quy trình trơn tru. Đó chính là sáng kiến" - anh tâm sự.
Năm 2019, anh Tạ Văn Thịnh vinh dự là đảng viên trẻ tiêu biểu toàn quốc, được tuyên dương trong chương trình gặp gỡ "Đảng viên trẻ tiêu biểu học tập và làm theo lời Bác".
Kỹ sư Tạ Văn Thịnh - Ảnh: ĐÔNG HÀ |
Xuất phát từ tình yêu công việc
Còn anh Võ Đức Thảo (tốt nghiệp ĐH Bách khoa TP.HCM) cũng có những cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm hàng tỉ đồng cho Xí nghiệp Xây lắp khảo sát và sửa chữa công trình khai thác dầu khí (thuộc Vietsovpetro) - nơi anh làm việc.
Những cải tiến của anh đều xuất phát từ chính công việc hằng ngày của mình. Đó là những gì liên quan đến máy móc, tự động hóa như: tời thủy lực, cầu trục, cẩu bánh xích, xe siêu trường siêu trọng, cân kết cấu, búa đóng cọc thủy lực...
Mới đây, năm 2019, anh là đồng sáng kiến khi thiết kế, bổ sung chế độ vận hành phụ dùng cho trạm tời ống thủy lực của búa đóng cọc. Với sáng kiến này, anh và các cộng sự tiết kiệm được gần 500 triệu đồng. Trước đó, trong các năm 2017, 2018, anh đều có những cải tiến, sáng kiến, giúp xí nghiệp tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng.
Anh Thảo tâm sự, trong những năm vừa qua, tình hình giá dầu suy giảm làm ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp dầu khí. Ở khía cạnh công việc bảo trì, anh và các đồng nghiệp gặp không ít khó khăn vì phải tiết giảm kinh phí mua sắm phụ tùng thay thế. Và câu hỏi anh đặt ra, luôn trăn trở là làm sao để máy móc vẫn hoạt động ổn định với nguồn kinh phí mua sắm phụ tùng thấp nhất.
Đồng quan điểm với anh Thịnh, anh Thảo nhận thức rằng đừng nghĩ sáng kiến là cái gì đó lớn lao mà sáng kiến chỉ là xuất phát từ suy nghĩ làm sao cho công việc hiệu quả hơn. "Các sáng kiến, hợp lý hóa sản xuất đều xuất phát từ tình yêu công việc chứ không có gì to tát" - anh Thảo tâm sự.
Anh Võ Văn Châu - bí thư Đoàn đơn vị liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro - cho biết trong bốn năm qua (từ 2016 đến 2019), đoàn viên, thanh niên của Vietsovpetro đã có hơn 160 ý tưởng, giải pháp, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đề tài nghiên cứu khoa học. Trong đó, có nhiều sáng kiến được Hội đồng sáng kiến - sáng chế Vietsovpetro và các đơn vị thành viên xem xét công nhận, áp dụng vào sản xuất, mang lại lợi ích hàng chục tỉ đồng.
Theo anh Tạ Văn Thịnh, sáng kiến, cải tiến rất cần sự đồng hành của nhiều người. Vì có sự huy động trí tuệ của tập thể thì sáng kiến đó mới nhanh chóng đi vào áp dụng trong sản xuất. Do đó, với những bạn trẻ có ý tưởng thì hãy mạnh dạn đề xuất xin hỗ trợ của cơ quan, của đồng nghiệp.
Còn anh Thảo tâm sự, để có những sáng kiến được áp dụng và công nhận, nhiều đêm về nhà trong đầu anh vẫn cứ nghĩ về giải pháp và chỉ mong trời mau sáng để lên cơ quan thí nghiệm. Cũng có khi anh thất vọng vì tốn nhiều tâm tư mà kết quả không như ý muốn. Nhưng thất vọng bao nhiêu thì sau này sung sướng bội phần khi giải quyết được vấn đề.
|
Theo Đông Hà (TTO)