Sức khỏe

Kỳ tích 3 ca ghép tạng một ngày, cách 1.000km và 2 kỷ lục mới xác lập

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một ngày, các y bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện 3 ca ghép tim, thận (1 ca ghép tim và 2 ca ghép thận) với khoảng cách 1.000 km.

Các bác sĩ thực hiện ghép tim cho bệnh nhân. Ảnh: BV
Các bác sĩ thực hiện ghép tim cho bệnh nhân. Ảnh: BV
Chuẩn bị ghép thận lại nhận được lệnh nhận tim
GS.TS Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế nhớ lại. Ngày 5.5.2022, trong lúc đoàn chuyên gia của bệnh viện đang tiến hành hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật ghép thận cho Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - TP.HCM thì nhận được tin từ Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia thông báo điều phối một trái tim cho bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Huế, người hiến tạng tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
Hay tin, GS.TS Phạm Như Hiệp là trưởng đoàn chuyên gia ngay lập tức lên kế hoạch để tiếp nhận điều phối tạng, làm sao để vừa đảm bảo công tác hỗ trợ ghép thận, đồng thời không cho phép sai sót hay chậm trễ xảy ra trong quá trình nhận tim.

Ekip mang tim về từ TP Hồ Chí Minh.
Ekip mang tim về từ TP Hồ Chí Minh.
Thời điểm lấy tim gần như diễn ra đồng thời với thời điểm phẫu thuật cho hai ca ghép thận tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Đoàn chuyên gia đã phải phân chia nhân lực để thực hiện cùng lúc hai nhiệm vụ.
Ths.BS Trần Hoài Ân - Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Trung ương Huế - người trực tiếp thực hiện ca ghép tim xuyên Việt cho biết, lúc 10h47 ngày 6.5, quả tim được rời khỏi lồng ngực người hiến tạng tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định và đến Huế an toàn vào lúc 13h32 .
Song song với quá trình di chuyển của tim, tại Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Trung ương Huế, bệnh nhân nhận tim được đưa vào phòng mổ lúc 12h10, rạch da lúc 13h, đặt và chạy tuần hoàn ngoài cơ thể lúc 13h45.
Người may mắn có đầy đủ các chỉ số phù hợp để nhận tạng là anh M.S.H (37 tuổi, trú tại Quảng Bình) bị suy tim giai đoạn cuối, đang được điều trị nội khoa tích cực, chờ cơ hội được ghép tim đã hơn 4 năm.
Dồn nén vỡ oà và 2 kỷ lục mới xác lập
BS Trần Hoài Ân cho biết, vừa phẫu thuật thận vừa lấy tim, sau đó vận chuyển ra Huế thì tất cả các ekip khá khó khăn. Thông thường, những ca ghép tim xuyên Việt thời gian tốt nhất trước 4 giờ đồng hồ, muộn nhất là 6 giờ phải cho tim đập trở lại. Ngoài chuyện mổ xẻ, kỹ thuật tốt thì một việc rất quan trọng là tổ chức vận chuyển tim đó.
Đối với các quốc gia phát triển họ vận chuyển bằng trực thăng. Việt Nam mình là quốc gia duy nhất trên thế giới vận chuyển tạng ghép bằng hình thức dùng máy bay dân dụng - cái này được xem là sáng tạo độc đáo có thể nói là “trong cái khó ló cái khôn” với điều kiện đất nước như hiện tại.

Lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế trao đổi, chỉ đạo trực tiếp ca ghép tim cho bệnh nhân tại bệnh viện. Ảnh: BV
Lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế trao đổi, chỉ đạo trực tiếp ca ghép tim cho bệnh nhân tại bệnh viện. Ảnh: BV
"Một khó khăn của việc vận chuyển là các chuyến bay có giờ cố định. Các thành phố lớn có thể 30 phút có 1 chuyến, còn Huế một ngày được vài chuyến. Vì vậy phải tính toán làm sao lúc lấy tim thật sát giờ bay để quả tim nhận ở TP.HCM về Huế trong thời gian ngắn nhất", BS Trần Hoài Ân phân tích.
Mổ ghép tim là một kỹ thuật hết sức phức tạp, đòi hỏi phải có sự phối hợp của nhiều chuyên ngành khác nhau. Phẫu thuật viên phải được đào tạo giỏi, phải có bác sĩ gây mê, hồi sức giỏi, bác sĩ chạy tuần hoàn ngoài cơ thể, kể cả điều dưỡng hồi sức sau mổ. Một khâu quan trọng là điều dưỡng chăm sóc hồi sức bệnh nhân chết não, tuy bệnh nhân chết nhưng phải chăm sóc đúng quy trình lúc đó lấy tim mới được.
Ngoài các nhóm thực hiện trực tiếp như vậy còn có hệ thống xét nghiệm, phòng xét nghiệm đủ điều kiện. Những xét nghiệm chuyên sâu, chuyên nghiệp. Ví dụ như xét nghiệm các chỉ số thận, gan bệnh nhân có thể chịu được cuộc ghép hay không.
“Đây có thể là trường hợp đặc biệt khi mà sáng thực hiện ca ghép thận ở TP.HCM chiều lại ghép tim ở Huế - 2 địa điểm cách nhau 1.000km. Bình thường các bác sĩ sẽ một là ghép thận, 2 là ghép tim chứ ít ai phải thực hiện 2 ca cùng một lúc”, BS Ân nói.
Theo BS Ân, những ca ghép như vậy ngoài chuyên môn nghiệp vụ thì điều đặc biệt các cá nhân trong ekip phải có sức khoẻ thật tốt. Trong khoảng thời gian bắt đầu từ lúc lấy tim, vận chuyển và thực hiện ghép kéo dài nhiều giờ đồng hồ, có những ca mổ có khi dài kéo đến 12 tiếng.

Sau ca ghép tim, sức khoẻ bệnh nhân đã ổn định. Ảnh: BV
Sau ca ghép tim, sức khoẻ bệnh nhân đã ổn định. Ảnh: BV
"Ghép tim là một trong những phẫu thuật có yếu tố “mạo hiểm” rất cao. Vì khi ghép tim bắt buộc phải cắt tim bệnh nhân ra. Lỡ không may tim không đập được thì mình như là người gián tiếp lấy đi mạng sống của bệnh nhân.
Sau quá trình dài với bao nhiêu dồn nén, cũng như sự cố gắng của tất cả các khâu, các bộ phận cũng như theo sát, chỉ đạo của ban giám đốc bệnh viện, khi thấy quả tim người hiến đập trong lồng ngực của người nhận tất cả đều vỡ oà, vui mừng, bao nhiêu mệt mỏi căng thẳng đều được giải toả từ giây phút ấy”, BS Ân chia sẻ.
Có một khó khăn nữa đó là các bệnh nhân đợi ghép tim phần lớn điều trị ngoại tuyến, ở xa nhưng Bệnh viện Trung ương Huế đã lên danh sách cũng như chuẩn bị, sắp xếp lịch mổ hết sức khoa học, bài bản nên đã đảm bảo được thời gian mổ theo quy định.
GS.TS Phạm Như Hiệp cho biết, ca ghép tim lần này của Bệnh viện đã xác lập hai kỷ lục mới đó là thời gian từ khi lấy tim xuyên Việt đến khi tim đập lại ngắn nhất và thời gian mổ cũng ngắn nhất.
Để đạt được kết quả tốt như vậy, ngoài sự chung tay nỗ lực của Bệnh viện và các đơn vị khác, thì không thể không nhắc đến công tác tổ chức điều phối tạng hết sức nhanh chóng, hiệu quả của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, dù việc điều phối tạng được thực hiện ở một bệnh viện tuyến dưới và quảng đường di chuyển khá phức tạp.
Theo Phúc Đạt (LĐO)
https://laodong.vn/y-te/ky-tich-3-ca-ghep-tang-mot-ngay-cach-1000km-va-2-ky-luc-moi-xac-lap-1042553.ldo

Có thể bạn quan tâm