Thời sự - Bình luận

Ký ức cây xanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Một cây phượng vĩ bật gốc, một tai nạn thương tâm. Nỗi lo lắng tai nạn, trách nhiệm đã xoay nhanh các lưỡi cưa phạt trụi hay làm biến mất những cây xanh, cùng với đó là những kỷ niệm, những ghi dấu học đường, những ký ức êm đẹp của tuổi xanh.

 

Hiện trường vụ cây phượng đổ gây thương vong cho học sinh Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP.HCM) ngày 25-5 - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Hiện trường vụ cây phượng đổ gây thương vong cho học sinh Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP.HCM) ngày 25-5 - Ảnh: TRỌNG NHÂN



Nhưng lỗi có phải do cây không? Những mục ruỗng từ bên trong, những gốc rễ bị bó chặt, xén đứt của cây do thời gian hay do con người để lại. Một cái cây ngã xuống ngoài lỗi của tuổi tác già nua còn có chút nào lỗi của vô tâm của những người chỉ biết đến bóng mát mà không biết nhựa cây đã bao lần bị ngăn do muốn tiện nghi hơn với ximăng của con người?

Người Pháp chỉ mới đưa phượng vào Việt Nam từ cuối thế kỷ 19, mà cũng như lục bình, ta cứ tưởng cây đã chôn chặt chân ở nước Việt từ khởi thủy. Cây cối đã đi vào đời sống bằng những chiều sâu văn hóa như thế.

Cây phượng trồng trong sân trường có thể đạt tuổi thọ khoảng 50 năm trước khi bị già cỗi, mục rỗng và có nhiều điều kiện cho sâu, nấm tấn công. Bao nhiêu cây phượng bị chặt mấy hôm nay vẫn còn trong độ tuổi tráng niên, vẫn còn nhiều thời gian để gieo thêm những niềm xanh ý thắm cho nhiều người?

Mà riêng gì phượng! Lần ấy, đi với một sinh viên tổng hợp văn đã bỏ học nửa chừng vì gia cảnh, trở lại Sài Gòn sau nhiều năm đi biệt, anh ngỏ ý muốn tôi chở về trường anh, tức Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn bây giờ.

Vào trường sau chừng 15 năm, nhưng như đã quen thuộc lắm, anh đi một mạch lên tầng 2, đến một góc sảnh, ở đó anh vươn tay chạm vào chiếc lá của một cành ngọc lan chìa vào. Anh chạm khẽ, như vuốt ve, như chạm lại chính bản thân mình của những tháng năm đã mất.

Anh nói, mùi hương của những đóa hoa ngọc lan này những trưa lan vào giảng đường, đã giúp anh đi qua cơn đói, khiến anh tin vào cái đẹp mình đang học hành nghiên cứu. "Cây vẫn ở đây, đã cao thêm, sau bao nhiêu xây sửa, mừng làm sao", anh nói.

Người viết bài này, những năm học phổ thông, được giao việc trồng và chăm sóc một cây trong sân trường. Suốt 3 năm học, mỗi sáng, tôi tưới cây, tôi rào chắn... 20 năm, lâu lắm có khi về trường cũ, tôi đã có thể ngồi dựa lưng vào gốc, kể lại cho cây nghe câu chuyện đầu tiên khi tôi mở bầu đất, chuyện tôi bật cười và giận dỗi các bạn nhỏ nào đã lén khắc trái tim với cái tên ai đó lên cây. Những kỷ niệm làm đau thân cây đó, chắc cậu học trò còn giữ mãi?

Ngay cả khi đốn hạ hết cây, trồng xuống những trụ bêtông và mái tôn lấy bóng mát sân trường, người ta cũng phải chăm sóc công trình, phải lo các tai nạn của công trình xây dựng. Công trình ấy, có tồn tại 50 năm, có nở hoa hay ôm vào lòng bao nhiêu tình riêng của cô cậu học trò?

Xin hãy để tuổi xanh còn hoa đỏ. Chọn cây, chăm sóc cây, theo dõi cây như cách chúng ta muốn trồng người. Với cây xanh, sự mơ mộng, những êm đềm, những câu chuyện sẽ còn tiếp tục được mang đi về tương lai, dài hơn cả cuộc đời 50 năm của cây.

 

Theo VƯƠNG THUẤN (TTO)

Có thể bạn quan tâm