Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Ký ức làng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Làng nằm lọt thỏm phía sau núi với lối vào bằng con đường nhỏ mọc đầy dã quỳ, mùa mưa mướt xanh, mùa khô lại như một dải lụa vàng uốn lượn. Nhìn những mái nhà nhỏ bé khiêm nhường nép mình sau núi, trông sang cây pơ lang cô lẻ bung từng cánh hoa thắm đỏ, đâu đó vài bông rớt rơi theo gió, tôi lại thấy làng mình đẹp đến nao lòng. Vậy nên, thật dễ hiểu khi trong trái tim tôi, những mảng ký ức về làng luôn thường trực, sống động, thiết tha. 
Mảng ký ức đầu tiên của tôi về làng ấy là việc hỏi không biết bao lần nhưng chẳng một ai nhớ chính xác nó được lập từ bao giờ. Chỉ biết rằng lúc “nhìn thấy mặt trời” trẻ đã theo lưng bà gùi trên vai mẹ vững chãi mà bước lên đỉnh núi. Theo tháng, theo năm, từ thuở còn tranh đấu cho đến khi độc lập và tới tận hôm nay, dân làng luôn gắn kết keo sơn, chia ngọt sẻ bùi. Biết bao thế hệ sinh ra, lớn lên từ làng, như những mảnh ghép tháng năm được xếp lại ngay ngắn, gọn gàng cứ vọng vang thanh âm trầm hùng vút lên giữa thâm trầm rừng núi. Thời kháng chiến khó khăn đủ điều nhưng được cái đất làng rộng hơn bây giờ. Rẫy của làng cũng còn nguyên bên kia núi, chỉ cần đi một lúc là tới. Hồi mới giải phóng, biết bao cơ cực, đói nghèo quẩn quanh đeo đuổi nên ai nấy đều nhắc nhau chăm lo gầy dựng cuộc sống.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Câu chuyện dời làng về nơi ở mới mà lâu lâu già làng nhắc lại, với tôi cũng là nét ký ức khó mờ phai. Rời bỏ mảnh đất cha ông bao đời, không phải ai cũng đồng lòng ủng hộ. Với bà con, làng cũ từ lâu đã gắn kết khăng khít với họ từ cầu thang đến nhà sàn, từ cách ăn đến cách ngủ, từ cách sinh hoạt đến ứng xử cộng đồng… đều quan hệ mật thiết với không gian của rừng. Cho nên, ở làng cũ là rừng già, lúa khô nương rẫy, là nếp nhà bao năm gắn bó; còn phía làng mới dưới này là hồ, là ruộng lúa nước, là chỗ ở đơn sơ vừa được dựng tạm. Tuy nhiên, trước những lời phân tích của già làng, bà con dần cũng nghe ra. Vốn quen sống với rừng, dựa vào rừng để xây dựng cộng đồng nên khi thay đổi nơi ở, tập tục sinh hoạt và sản xuất mọi thứ còn nhiều bỡ ngỡ. Bởi vậy, việc vận động bà con chuyển đổi từ cây lúa rẫy sang lúa nước là một thách thức lớn. Nhưng rồi, theo thời gian, mọi việc trở thành nếp quen. Bây giờ ở làng, mọi người quen thuộc hết thảy từng mái nhà, phân biệt được hết vị ngọt của mỗi bến nước, chứng kiến từng đứa trẻ lúc chào đời đến khi chúng kết thành đôi, thành lứa. Bây giờ, người già khi nhắc đến ngày tháng cũ, mắt họ vẫn sáng, giọng nói vẫn còn sang sảng vang vọng nơi ngọn đồi gió thổi hun hút, thầm thì chuyện ngàn năm. Những đôi mắt in bóng xuống dòng nước với đêm rượu cần vút say tiếng hát. Dưới trăng mơ, làng nghiêng trôi, những tháng năm vời vợi.
Năm tháng tưởng như trước mắt như giăng mắc đâu đây. Chẳng hiểu tự lúc nào, tôi đã trộn lẫn dòng chảy ký ức về làng thành dòng chảy ký ức của cá nhân mình. Một làn gió thổi miên man, mang theo hương lúa mới ngạt ngào quấn quyện trong từng ngôi nhà, vương vấn mọi nẻo đường. Đã bao thế hệ trôi qua, đã bao mùa lúa, bà con đã làm cho “lúa mẹ trổ bông”; làm nên những khoảnh ruộng vàng rộm cùng hạt thóc chắc mẩy dưới triền thung. Ngồi nghỉ chân nơi có dòng nước trong mát, tôi bắt gặp những đôi mắt sương khói, những đôi mắt hoài niệm. Tôi đi tìm hình dáng của làng qua những ngọn cây rồi đi tìm dấu chân của bao người qua dãy núi mờ xa. Phía ấy, là chân núi, là làng, là ký ức.
NGUYỄN THỊ DIỄM

Có thể bạn quan tâm