Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Ký ức mái trường thời chiến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vẫn còn in trong ký ức tôi ngày khai giảng năm lớp 1. Đêm trước, cái cảm giác hồi hộp xen lẫn một nỗi lo mơ hồ khiến tôi cứ trằn trọc không yên giấc. Vừa sáng tinh mơ, chẳng đợi mẹ đánh thức, tôi đã lao ra khỏi giường rồi mặc quần áo mới. Bộ quần áo này mẹ tôi đã mua để dành cả mấy tháng trước. Hàng mậu dịch, áo thì rộng thùng thình, quần dài phải xắn lên mấy lai mới khỏi quét đất. “Diện” thêm đôi dép cao su dày cộp cắt từ lốp ô tô cũ, chụp lên đầu chiếc mũ rơm rộng vành, tôi mải miết tới trường.
Còn sớm quá, lũ bạn chưa đứa nào tới cả. Tôi bần thần đứng nhìn ngôi trường của mình. Gọi là trường nhưng thực tế chỉ là một căn nhà nửa nổi nửa chìm, ba phía là những dãy hầm chữ A áp vào thay vách; trần nhà cũng đắp rơm nhào với đất để chống mảnh bom. Mùi ẩm mốc, mùi đất xộc lên khiến tôi mới dợm bước vào đã phải quay lui. Để có ngôi trường này, mỗi phụ huynh học sinh vào lớp 1 phải đóng 7 công lao động, 2 cây tre, 1 cây gỗ và 1 bó rơm. Không đi rừng được, mẹ tôi đành phải chặt cây bồ quân đang mùa hoa để nộp. Tôi thơ thẩn một lúc thì lũ bạn lục tục đến. Cùng vào lớp 1 với nhau mà đứa thì cao vượt hẳn cái đầu, có đứa con gái còn ra dáng đàn chị với sắp nhỏ chúng tôi nữa. Tất cả chúng tôi đều cùng làng, từng học với nhau lớp vỡ lòng, vậy mà hôm nay gặp nhau sao đứa nào cũng nhìn nhau tỏ vẻ rụt rè như người xa lạ. Rồi cô giáo đến. Cô giáo cũng là người làng. Thường ngày, chúng tôi vẫn gặp cô, lúc thì gánh nước, lúc gánh phân ra đồng giúp mẹ. Gặp cô, đứa có họ hàng thì chào theo thứ bậc, đứa không thì “chào chị”. Chẳng ai chào bằng “cô” cả. “Thầy nhà, bà làng”, ở quê vẫn vậy. Thế nhưng, từ hôm nay thì đứa nào cũng hiểu mọi điều đã khác. Cô đã thực sự là cô giáo của chúng tôi với quyền năng đúng nghĩa…
Dẫn chúng tôi vào lớp, cô sắp xếp chỗ ngồi. Bé ngồi trước, lớn ngồi sau. Những đứa bị ngồi cạnh con gái xấu hổ, làu bàu trong miệng rồi dịch ra một góc bàn. Cô giáo lấy trong xách ra tấm ảnh Bác Hồ lồng trong khung cùng tấm ni lông gắn lên bảng, trên đó đã cắt sẵn dòng chữ bằng giấy trắng “Lễ khai giảng năm học 1966-1967”; cắm nắm hoa dại vào lọ rồi để lên chiếc bàn con trước bục giảng. Có thế thôi mà tôi cảm thấy không khí lớp học bỗng nghiêm trang hẳn lên. Vừa lúc thầy Hiệu trưởng đến. Tất cả đứng lên chào cờ. Tất nhiên là chỉ đứng lên theo nghi thức bởi chúng tôi đâu đã biết hát Quốc ca. Rồi thầy Hiệu trưởng phát biểu dặn dò chúng tôi, đại loại phải đi học chuyên cần, nghe lời cô giáo, không được đánh nhau… Trái với sự tưởng tượng của tôi, lễ khai giảng diễn ra chỉ giản đơn có thế.
Mãi cho đến năm cuối cấp I, chúng tôi mới không còn phải ngồi học trong những căn nhà hầm tối tăm, ẩm ướt. Tuy nhiên, chiến tranh lúc này còn tiếp diễn ác liệt. Việc xây dựng hầm hào để tránh máy bay Mỹ vẫn phải tiếp tục. Bấy giờ, chúng tôi cũng đã có sức. Trẻ con nông thôn vốn quen với công việc nặng nhọc từ bé nên việc đào giao thông hào, gánh đất đắp hầm cũng là điều bình thường. Hơn thế, chúng tôi còn tự vào rừng chặt cây về để làm hầm, làm trường. Còn nhớ năm lớp 7, tôi và thằng bạn tên là Phấu được cô giáo giao nộp một cây gỗ dài 4 m, đường kính 20 cm. Hai đứa vào rừng chọn cây chay là thứ gỗ nhẹ nhất, ngả xuống bóc vỏ phơi nắng cho khô. Rồi oằn cả lưng, hì hụi suốt 1 ngày, chúng tôi mới khiêng được nó ra thuyền để chở về. Trong những ngôi trường mái rạ, vách đất thấp tè ấy, vào những ngày mùa đông, chúng tôi phải căng mắt, cúi sát xuống bàn mới thấy chữ. Mà giấy viết, chủ yếu là thứ giấy nứa vàng khè nhưng vẫn thiếu. Có dạo ngặt quá, chúng tôi phải lấy vở cũ, luộc nước vôi cho chữ mờ đi để làm giấy nháp. Mực thì phải dùng thuốc nhuộm vải hòa ra để dùng. Phấn viết, chúng tôi phải qua núi moi đất sét trắng mang về, nặn thành viên phơi khô.
Chẳng riêng học sinh, các thầy cô bấy giờ cũng trải qua những tháng năm gian khổ như thế. Nhà ở là những túp lều mái rạ, vách đất thấp tè, sặc mùi ẩm mốc. Giáo án phải soạn dưới ánh đèn dầu leo lét, che ba phía để đề phòng máy bay. Gạo ăn tiêu chuẩn mỗi tháng chỉ 12,5 kg mà phải độn khoai, mì tới 30%. Để lấy được chút lương thực ít ỏi ấy, các thầy cô phải đi bộ 4-5 km gánh về. Suốt một quãng đời học sinh, tôi chưa bao giờ thấy các cô mặc tấm áo dài, các thầy mặc comple. Khó khăn, gian khổ là thế nhưng lòng tận tâm của các thầy cô với học trò thì có lẽ “một đi không trở lại”. Tôi không sao quên được hình ảnh thầy chủ nhiệm lớp tôi, giữa thời đạn bom ác liệt như thế vẫn hàng đêm mò mẫm trên những con đường làng mấp mô, trơn trượt đi kiểm tra chúng tôi học nhóm, phụ đạo cho chúng tôi…
Đôi khi tôi vẫn nghĩ, nền giáo dục Việt Nam thời chiến có lẽ là nền giáo dục kỳ diệu nhất thế giới. Không kỳ diệu sao khi giữa chiến tranh ác liệt, bom đạn mù trời; giữa những khó khăn tột cùng là thế thì thế hệ chúng tôi cũng không ai phải thất học. Không những thế, việc dạy, việc học vẫn diễn ra nghiêm túc. Ai học kém vẫn cứ phải ở lại lớp; qua mỗi kỳ thi, ai rớt vẫn cứ rớt, không có chuyện xin xỏ, chạy điểm bao giờ. Tất nhiên, không thể nói là hoàn hảo (làm sao có thể hoàn hảo trong hoàn cảnh chiến tranh) nhưng cho đến bây giờ, người ta vẫn phải nhớ về nền giáo dục thời ấy: một nền giáo dục đã cho con trẻ những ngày thật sự tuổi thơ; một nền giáo dục mà trò hết mực kính trọng thầy, thầy hết lòng vì học trò. Nhờ những mái trường như thế mà đất nước mới có một thế hệ anh hùng trên tuyến đầu đánh giặc cũng như xây dựng hậu phương. Thế hệ ấy chính là nền móng cho những ngôi trường hôm nay-những ngôi trường mà trong mơ họ cũng chưa từng tưởng đến.  
NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm