Bạn đọc

Ký ức một thời đỏ lửa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau hơn 43 năm sau ngày giải phóng, 60 người từng tham gia hoạt động cách mạng tại tỉnh Gia Lai qua các thời kỳ đã có dịp gặp nhau trong chuyến hành trình “Về nguồn” về thăm lại Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong (Căn cứ cách mạng Khu 10). Dù có nhiều bỡ ngỡ trước những đổi thay nơi đây trong ngày trở lại nhưng họ cũng không khỏi bùi ngùi, xúc động nhớ về những ký ức một thời đỏ lửa mà họ đã từng sống và chiến đấu nơi đây.
Chuyến hành trình “Về nguồn” do Ban liên lạc Kháng chiến tỉnh tổ chức chính thức bắt đầu lăn bánh từ lúc mờ sáng từ TP. Pleiku. Chuyến đi khá dài, với quãng đường hơn 150 km qua nhiều đoạn đường gồ ghề, ngoằng nghèo khó đi, nhất là đoạn từ trung tâm huyện Kbang vào khu căn cứ. Thế nhưng, trên gương mặt của họ, những người đã ngấp ngưỡng ngoài 70 tuổi vẫn không giấu được niềm phấn khởi. Họ như sống lại những năm tháng hào hùng của dân tộc ta trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ ác liệt. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt ấy, biết bao đồng bào, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ đã vượt qua muôn vàn những khó khăn, thử thách, anh dũng chiến đấu, họ đã cống hiến một phần xương máu và tuổi thanh xuân trên mảnh đất này để góp phần giành lại nền độc lập của dân tộc.
Bà Bền (ở giữa) đang thắp hương tưởng nhớ về những người anh, những đồng chí, đồng đội của mình đã nằm xuống nơi đây trong những năm chiến đấu ác liệt. Ảnh: Q.T
Bà Bền (ở giữa) đang thắp hương tưởng nhớ về những người anh, những đồng chí, đồng đội của mình đã nằm xuống nơi đây trong những năm chiến đấu ác liệt. Ảnh: Q.T
Trong khói hương, trong không khí trang nghiêm và sự tôn kính đoàn đã cùng nhau đến thăp hương tại Nhà bia ghi sự kiện và Nhà tưởng niệm tưởng nhớ những người anh, người chị, người đồng đội đã nằm lại nơi đây trong những năm tháng bom đạn ác liệt. Chiến tranh đã rời xa hơn 43 năm nhưng những ký ức đau thương, những kỷ niệm buồn vui thời lửa đạn nơi đây vẫn không thể phai nhòa theo năm tháng dù họ đều đã bước qua tuổi 60, 70. Những trận oanh tạc máy bay ném bom của địch, những trận sốt rét “thập tử nhất sinh” hay những địa danh từng gắn bó một thời với họ như cây bằng lăng, Trạm Giao bưu, suối La Bà… cứ thế ùa về trong những câu chuyện mà người trong cuộc kể lại.
Từng sống, chiến đấu tại vùng đất này hơn 8 năm (từ năm 1967-1975) bà Lê Thị Bền (70 tuổi, trú đường Nguyễn Viết Xuân, phường Hội Phú, TP. Pleiku) vẫn nhớ như in những ngày bom đạn ấy. Bà Bền bùi ngùi nhớ lại: “Năm 18 tuổi, Mỹ càng quét, bắt bớ rất rát ở quê nhà huyện Hoài Nhơn (Bình Định) nên tôi đã quyết định lên đường lên chiến trường Gia Lai phục vụ cho cách mạng. Những ngày mới lên nơi giữa rừng sâu, nước độc này tôi đã từng nhiều lần chết đi sống lại bởi những trận sốt rét, nhiều lúc nóng quá lên cơn co giựật, rồi rộụng tóc ...rộng tai hết. Chỉ có nhờ sức trẻ tôi mới vượt qua được những trận sốt ấy chứ thời ấy thuốc men thì ít, ăn uống thì thiếu thốn, khổ sở (chủ yếu là củ mỳ, lá mỳ, măng tre..) nên thường xuyên bị sốt rét, cứ vài tháng lại bị một lần. Cùng với đó, những trận oanh tạc của máy bay Mỹ rải bom B52 khi chúng phát hiện ra sóng mình làm việc, đặc biệt chúng ném bom rất dữ dội trong giai đoạn từ 1969-1972. Rất nhiều đồng đội của tôi đã ngã xuống nơi đây, trong đó có thủ trưởng của đơn vị tôi”.
Dù chiến tranh đã đi qua hơn 43 năm nhưng cảnh tượng những ca chấn thương nặng của đồng đội cứ luôn ám ảnh bà Hồng trong những năm qua. Ảnh: Q.T
Dù chiến tranh đã đi qua hơn 43 năm nhưng cảnh tượng những ca chấn thương nặng của đồng đội cứ luôn ám ảnh bà Hồng trong những năm qua. Ảnh: Q.T
Dù đã bước sang tuổi 72 nhưng bà Trà Thị Xuân Hồng (trú tại tổ dân phố 1, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) vẫn không thể quên những ca chấn thương của đồng đội khi bị dính bom cháy của Mỹ. Bà Hồng vào tham gia phục vụ chiến trường Gia Lai vào năm 1965, khi mới 17 tuổi và là nữ quân y của Tiểu đoàn Đặc công 408 (thuộc Tỉnh đội Gia Lai) phục vụ ở tuyến đầu (tiếp nhận và sơ cứu ban đầu những người bị thương do chiến tranh).
“Bên cạnh những kỷ niệm về chiến trường, về đồng đội, về những ngày hành quân, những bữa cơm đạm bạc với lá mỳ, măng tre, có lẽ tôi không thể nào quên khi tận tay chữa trị cho những đồng đội của mình bị thương do bom đạn của địch. Nhiều đêm chúng tôi tiếp nhận cả 10 ca bị thương nặng, có anh thì bị thương nặng ở bụng, anh thì bị cụt tay, cụt chân do dính bom của Mỹ thả. Đặc biệt, các trường hợp bị trúng bom Napan cháy, khi bị dính loại bom này thì nó cháy trong xương chứ không phải cháy ngoài thịt, ban đêm nhìn vào xương thấy nó sáng trưng dậy đó. Đứng nhìn các anh đau đớn tới tận xương mà lòng tôi đau như cắt, không cầm được nước mắt, hình ảnh ấy cứ luôn ám ảnh tôi trong suốt những năm tháng chiến tranh và cả từ ngày giải phóng cho đến nay”-bà Hồng nhớ trong nước mắt.
Đoàn chụp ảnh kỷ niệm trước Nhà tưởng niệm. Ảnh: Q.T
Đoàn chụp ảnh kỷ niệm trước Nhà tưởng niệm. Ảnh: Q.T
Chiến tranh đã đi qua hơn 43 năm, Căn cứ cách mạng Khu 10 nay là được đổi tên thành Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong đã có nhiều đổi khác khi tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng khá quy mô, bề thế và vừa được khánh thành vào đúng dịp sinh nhật lần thứ 128 của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-2018). Đây là công trình có ý nghĩa lịch sử rất lớn của tỉnh ta, là niềm tâm nguyện của cả một thế hệ cha anh từng sống, chiến đấu nơi đây, là nơi lưu giữ những dòng ký ức một thời đỏ lửa, để họ tưởng nhớ những người đồng chí, đồng đội đã ngã xuống để đổi lấy nền độc lập; đây còn là nơi giáo dục về truyền thồng giữ nước của dân tộc ta cho các thế hệ mai sau…
Quang Tấn

Có thể bạn quan tâm