Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Ký ức mùng năm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Hồi nhỏ, tôi không có khái niệm Tết Đoan ngọ. Sau này lớn lên, tôi mới biết Tết Đoan ngọ hay Tết Đoan dương đã tồn tại từ rất lâu trong văn hóa dân gian phương Đông, gắn liền với nhiều truyền thuyết, phong tục khác nhau. Tại ở quê tôi từ hồi xưa cho tới giờ, ngày này chỉ gọi đơn giản là mùng năm tháng năm. Nói giản dị, nghe không lễ nghi trang trọng nhưng trong tâm thức mỗi người, đó là một ngày đặc biệt.
Không đặc biệt như những ngày Tết cổ truyền nhưng không khí mùng năm tháng năm ở quê tôi cũng rộn ràng, nao nức, có điều chỉ gói gọn trong một ngày. Hôm trước đó, đầu trên xóm dưới, câu chào đầu tiên khi gặp nhau là lời hỏi thăm “Mùng năm tháng năm tính nấu chè gì?”. Là bởi ở quê tôi, mùng năm tháng năm không có tục gói bánh ú, bánh tro mà chỉ có một món dân dã là chè: chè nếp, chè đậu đen, đậu xanh, đậu ván, chè chuối, chè thập cẩm… Tóm lại, mùng năm tháng năm nhà ai cũng cúng chè, sang hơn chút thì xáo thêm xôi. Một số nhà khá giả hôm đó sẽ bày biện nấu nướng nhiều món thịt chả cầu kỳ nhưng chỉ để ăn, còn mâm cỗ vẫn cúng chay.
Minh họa: THỦY NGỌC
Minh họa: Thủy Ngọc

Mùng năm tháng năm chỉ có chè nhưng lũ trẻ chúng tôi rạo rực trông đợi ngày này cách đó cả tháng. Quê nghèo quá mà, chè cũng là món ăn vặt xa xỉ nên thèm thuồng chờ đợi. Phần tôi, trước đó mấy ngày cứ theo hỏi dò xem mẹ sẽ nấu chè gì. Tôi ao ước được ăn một bữa chè thập cẩm đến mất ngủ. Nếu nhà có dịp nấu chè cúng kính, mẹ thường nấu chè nếp. Mẹ nói mình dân làm ruộng, món chè đó cúng tổ tiên là ý nghĩa nhất. Mà nếu không nếp thì cũng tận dụng đậu đen, đậu xanh nhà làm, vậy nên mới ngó chừng mùng năm tháng năm là dịp đặc biệt, mẹ sẽ chiều ý mà nấu. Nhưng nếu mẹ không nấu thì đằng nào tôi cũng được ăn. Quê tôi có tục mùng năm tháng năm tới thăm nhà và thưởng thức chè lẫn nhau. Đi với mẹ xuống bác Sáu, hôm đó đằng nào tôi cũng được cho một ly chè thập cẩm có đá.

Mùng năm tháng năm được ăn chè đã đời, lại thêm niềm vui nhìn người lớn đi chơi, nhìn những gia đình trong xóm đoàn tụ. Đây là một phong tục đẹp. Như một quy định từ trong máu thịt, người quê tôi ăn đâu làm đâu cũng mọi giá thu xếp mùng năm tháng năm về với gia đình. Vì thế, mùng năm tháng năm còn mang ý nghĩa đoàn tụ. Ngày này, nam thanh nữ tú rủ nhau đi chơi, còn người lớn thì bày mâm cỗ quây quần ở nhà, tiếng cười nói rộn vang cả xóm.
Thời gian đi qua, cuộc sống có nhiều đổi thay. Khi cô bé cứ hong hóng đợi mùng năm tháng năm để ăn chè thập cẩm bước sang tuổi bốn mươi thì ngày này ở quê tôi không còn rộn ràng như trước nữa. Cũng phải thôi, trẻ con thời nay đâu phải trông đợi để được ăn chè. Nam thanh nữ tú đâu cần đợi mới có cơ hội đi picnic và bàn tiệc cả nhà sum họp quây quần cũng không phải điều khó khăn đến nỗi phải hẹn nhau vào một ngày đặc biệt. Mọi thứ đã dễ dàng hơn hết. Hồi còn nhỏ, tôi hay nghe cụm từ “ăn mùng năm tháng năm”, “chơi mùng năm tháng năm” nhưng nay thì không. Hình như mùng năm tháng năm đang bị giới trẻ thờ ơ. Chắc chỉ có những người tuổi tôi về trước, đến ngày này vẫn nhớ nấu chè cúng kính và đon đả chạy về đoàn tụ cùng ba mẹ.
NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN

Có thể bạn quan tâm