Điểm đến Gia Lai

Ký ức vùng biên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mới đó mà đã hơn 20 năm kể từ ngày tôi về nhận công tác tại Huyện Đoàn Đức Cơ. Ngày ấy, tôi quyết định rời xa phố xá đông vui để lên làm việc tại vùng biên giới xa xôi trước sự ngạc nhiên của bè bạn. Chuyến đi mang theo hoài bão lớn lao với khát vọng của một thanh niên đang căng tràn sức trẻ.

Ngày đó, Đức Cơ nhỏ lắm. Xe cộ, nhà cửa thưa thớt, đường sá chật chội, đìu hiu, dân cư cũng khá ít nên cảm giác như có thể nhớ được khuôn mặt của từng người trong huyện. Qua lời giới thiệu của anh cán bộ Đoàn, tôi biết Đức Cơ xưa kia từng là chiếc nôi của cách mạng. Những tên đất, tên người nơi đây đã đi vào lịch sử của dân tộc để cùng hòa chung vào hồn thiêng sông núi góp phần tạo nên một Tây Nguyên vĩ đại, anh hùng.

Khi mới thành lập (ngày 15-10-1991), điều kiện kinh tế-xã hội của huyện gặp nhiều khó khăn. Đảng bộ, chính quyền địa phương đã bắt tay vào việc ổn định tổ chức, tập trung chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất; tìm phương án hợp lý để vừa ổn định chính trị, vừa phát triển kinh tế nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Những cán bộ Đoàn như chúng tôi đã quyết tâm thực hiện lời căn dặn của Bác: “Đâu cần thanh niên có. Đâu khó có thanh niên”.

Trung tâm huyện Đức Cơ nhìn từ trên cao. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Nhớ những ngày đầu cùng thanh niên lao động trên cánh đồng lúa nước tại xã Ia Nan hay những đêm sinh hoạt hướng dẫn thanh niên làm kinh tế mới thấy thương những người dân lam lũ, vất vả. Chúng tôi được phân công phụ trách các làng, cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với bà con để giúp họ thay đổi tư duy. Nhờ đó, mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội của người dân trong huyện dần có sự thay đổi.

Hơn 30 năm trôi qua, với sự nỗ lực không ngừng, vùng đất lạc hậu đói nghèo năm xưa nay đã thành một vùng đất trù phú giàu tiềm năng. Dễ nhận thấy nhất là những con dốc hun hút vắng ngắt ngày nào đã được thay thế bằng một đô thị khang trang. Những ngôi làng thưa thớt ngày một thay da đổi thịt, trở thành những thôn, làng văn hóa, đô thị văn minh.

Ngày xưa, đặc trưng của buôn làng là bụi đỏ thì bây giờ những con đường đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa. Những cánh rừng nghèo được thế chỗ bởi cà phê, cao su xanh bạt ngàn hy vọng. Những căn chòi đơn sơ ngày xưa đã được thay thế bằng những ngôi nhà vững chãi đảm bảo cho bà con một cuộc sống đủ đầy.

Tôi không sinh ra ở Đức Cơ nhưng coi đây là quê hương thứ hai của mình. Nơi đây cho tôi công việc ổn định và gia đình yêu thương. Cảm ơn mảnh đất linh thiêng đã yêu thương che chở tôi suốt những tháng ngày qua. Cảm ơn đất và người đã giúp tôi trưởng thành hơn, vững chãi hơn trong cuộc sống, sự nghiệp.

CHU PHƯƠNG THẢO

Có thể bạn quan tâm