Kinh tế

Hàng hóa - Tiêu dùng

Phiên chợ điện tử: Cơ hội khởi nghiệp của phụ nữ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) vừa tổ chức phiên chợ điện tử đầu tiên thông qua hình thức livestream bán hàng trên nền tảng mạng xã hội Facebook. Hoạt động này giúp hội viên ứng dụng công nghệ số trong quá trình khởi nghiệp.

Phiên chợ điện tử được tổ chức tại xã Ia Trốk với sự tham gia của chị Hoàng Thị Hồng Hà-Tiểu thương thôn Quý Đức (xã Ia Trốk). Ngoài sở hữu cửa hàng tạp hóa nhỏ, chị Hà còn thường xuyên livestream bán các sản phẩm nhà làm như: sữa chua nếp cẩm, sữa chua truyền thống, sữa chua mix vị, tinh bột nghệ, bột sắn dây, mật ong, bột ngũ cốc…

Tại phiên chợ điện tử do Hội LHPN huyện tổ chức, chị Hà giới thiệu đến người tiêu dùng sản phẩm sữa chua nếp cẩm Hồng Hà.

thong-qua-phien-cho-dien-tu-chi-hoang-thi-hong-ha-thon-quy-duc-xa-ia-trok-mong-muon-gioi-thieu-san-pham-sua-chua-nep-cam-cua-gia-dinh-toi-dong-dao-nguoi-tieu-dung-anh-vu-chi-3019.jpg
Thông qua phiên chợ điện tử, chị Hoàng Thị Hồng Hà (thôn Quý Đức, xã Ia Trôk, huyện Ia Pa) mong muốn giới thiệu sản phẩm sữa chua nếp cẩm của gia đình tới đông đảo người tiêu dùng. Ảnh: Vũ Chi

Theo chị Hà, sự phát triển của công nghệ số đã làm thay đổi thói quen mua bán hàng của người dân. Việc lựa chọn mua hàng từ các trang mạng xã hội, kênh bán hàng online ngày càng phổ biến. Vì vậy, phương thức bán hàng truyền thống gặp nhiều khó khăn.

Với mong muốn mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm nhà làm, chị đã mày mò tìm hiểu cách thức livestream bán hàng trên Facebook và thực hiện trong 2 năm trở lại đây.

“Càng làm, tôi càng thấy kênh này rất hiệu quả. Lượng khách hàng tiếp cận livestream cao nên khả năng chốt đơn cũng rất lớn. Trong một phiên livestream, tôi có thể đạt doanh số bán hàng bằng cả tuần trước đó”-chị Hà phấn khởi nói.

Chia sẻ về cơ duyên đến với sản phẩm sữa chua, chị Hà cho biết đã làm sản phẩm này 15 năm nay. Sau trận lũ kinh hoàng năm 2009, cửa hàng tạp hóa của chị bị thiệt hại nặng nề do ngập sâu trong nước. Những lon sữa đặc bị rách nhãn hiệu, không thể tiêu thụ được. Trong lúc “cái khó bó cái khôn”, chị nảy ra ý tưởng làm sữa chua. Vậy là, chị mày mò học hỏi, tìm hiểu cách làm.

Thông qua mạng xã hội, chị nắm bắt nhu cầu người tiêu dùng để đa dạng hóa sản phẩm như: sữa chua truyền thống, sữa chua nếp cẩm, sữa chua mix vị. Đây là những sản phẩm rất tốt cho sức khỏe nên được người tiêu dùng ưa chuộng.

Vốn có kinh nghiệm livestream và mong muốn giới thiệu, quảng bá, mở rộng thị trường nên khi Hội LHPN huyện triển khai phiên chợ điện tử, chị Hà mạnh dạn đăng ký tham gia.

Phiên livestream được chia sẻ trên Fanpage Hội LHPN huyện Ia Pa thu hút 3.300 lượt người xem, 119 lượt người tương tác, 76 bình luận và 7 lượt chia sẻ.

Chị Hà cho hay: “Ngay trong lúc livestream, tôi đã bán được hơn 100 hộp sữa chua nếp cẩm. Nhờ sự chia sẻ rộng rãi, 3 ngày sau livestream, cơ sở tiếp tục nhận đơn hàng 500 hộp/ngày. Phiên chợ điện tử đầu tiên mà bán được lượng hàng lớn như vậy khiến tôi không khỏi bất ngờ”.

phien-cho-dien-tu-dau-tien-duoc-hoi-lhpn-huyen-ia-pa-trien-khai-tai-xa-ia-trok-thu-hut-dong-dao-hoi-vien-quan-tam-theo-doi-hoc-hoi-kinh-nghiem-anh-vu-chi-2588.jpg
Phiên chợ điện tử do Hội LHPN huyện Ia Pa tổ chức tại xã Ia Trốk thu hút đông đảo hội viên tham gia. Ảnh: V.C

Tiếp nối thành công từ phiên chợ điện tử đầu tiên, trong tháng 10 này, Hội LHPN huyện tiếp tục triển khai phiên chợ điện tử thứ hai tại xã Chư Răng. Chị Trần Thị Ánh Tuyết-Chủ tịch Hội LHPN xã Chư Răng-thông tin: Livestream bán hàng qua các nền tảng mạng xã hội là xu hướng tất yếu và là phương tiện quan trọng giúp đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng. Vì vậy, chị em đang rất háo hức chờ mong phiên chợ điện tử được tổ chức tại xã.

Trong phiên chợ tới đây, chị Bùi Thị Ánh Hạnh (thôn Bình Tây) sẽ livestream sản phẩm bánh bò, bánh ít. Đây là đặc sản của tỉnh Bình Định được gia đình chị Hạnh duy trì hàng chục năm nay. Hiện nay, chị Hạnh tập trung chuẩn bị mọi công đoạn đảm bảo sự chu đáo, hy vọng giới thiệu ấn tượng đặc sản của gia đình và người dân địa phương đến với khách hàng.

Bà Huỳnh Thị Ngọc Lan-Chủ tịch Hội LHPN huyện Ia Pa:“Mỗi tuần, phiên chợ điện tử được tổ chức 1 lần. Chủ thể sản phẩm có thể thực hiện tại nhà hoặc phối hợp với Hội LHPN xã mượn hội trường nhà văn hóa xã để triển khai, đảm bảo livestream diễn ra thành công.

Đây là hoạt động thiết thực nhằm thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” và chủ đề năm “Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội”.

Trao đổi với P.V, Chủ tịch Hội LHPN huyện Huỳnh Thị Ngọc Lan khẳng định: Không chỉ bán sản phẩm, phương thức livestream còn là cơ hội để người sản xuất kể câu chuyện về sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ và đặc biệt là những cảm xúc về sản phẩm mình làm ra.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là chị em hội viên chưa có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng bán hàng online. Vì vậy, chương trình phiên chợ điện tử do Hội LHPN huyện tổ chức với mục đích hỗ trợ các chủ thể từng bước chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh.

Sự tương tác trực tiếp giữa người sản xuất và người tiêu dùng thông qua nền tảng số giúp tiết kiệm thời gian, tạo điều kiện cho hội viên kết nối cung cầu; đồng thời, tạo thói quen mua sắm, sử dụng sản phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Có thể bạn quan tâm