Kinh tế

Giá cả thị trường

Kỳ vọng công trình thủy lợi Ia Mơr

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khi công trình thủy lợi Ia Mơr (huyện Chư Prông, Gia Lai) hoàn thành, ngoài giải quyết vấn đề lương thực, ổn định quốc phòng-an ninh khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh Gia Lai và Đak Lak còn tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội cho cả vùng biên giới Tây Nam.
Công trình nhiều ý nghĩa
Dự án công trình hồ chứa nước Ia Mơr được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư nhằm phát triển vùng trọng điểm nông nghiệp khu vực biên giới của 2 tỉnh Gia Lai và Đak Lak, góp phần giải quyết vấn đề lương thực và đảm bảo quốc phòng-an ninh vùng biên giới Tây Nam. Dự án được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt tại Quyết định số 2954 QĐ/BNN-XD ngày 27-10-2005 với tổng mức đầu tư hơn 1.263,5 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Ngay sau đó, công trình hồ chứa nước Ia Mơr (công trình thủy lợi cấp II) đã được khởi công xây dựng và đến năm 2017 đã tiến hành chặn dòng. Công trình này có đầu mối nằm trên suối Ia Mơr (xã Ia Mơr), khi hoàn thành sẽ cung cấp nước tưới cho 12.500 ha (8.000 ha thuộc huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai và 4.500 ha thuộc huyện Ea Súp, tỉnh Đak Lak) và cấp nước sinh hoạt cho 50.000 người dân. Ngoài ra, công trình còn giúp đảm bảo môi trường và kết hợp giảm lũ hạ du, phát điện, nuôi trồng thủy sản, du lịch.
Hiện nay, dự án đã hoàn thành hợp phần giai đoạn I gồm đập dâng Ia Lốp và hồ chứa nước Plei Pai. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả của công trình, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phê duyệt chủ trương đầu tư giai đoạn II của dự án là hoàn thiện hệ thống kênh chính gồm 35 km kênh chính Đông và 15 km kênh chính Tây.
 Công trình thủy lợi Ia Mơr (huyện Chư Prông). Ảnh: L.N
Công trình thủy lợi Ia Mơr (huyện Chư Prông). Ảnh: L.N
Ông Nguyễn Anh Dũng-Chủ tịch UBND huyện Chư Prông-cho biết: Công trình hồ chứa nước Ia Mơr sau khi hoàn thành sẽ làm thay đổi bộ mặt của vùng biên giới huyện Chư Prông. Năng lực của công trình khi hoàn thiện sẽ tưới cho 8.500 ha cây trồng của huyện. Hiện nay, huyện đang tiếp tục phối hợp với Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 8 (Bộ Nông nghiệp và PTNT) giải phóng mặt bằng để thực hiện các tuyến kênh. Theo kế hoạch, đến năm 2020, công trình sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Nền tảng để phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Công trình thủy lợi Ia Mơr sau khi đưa vào sử dụng sẽ giúp người dân sản xuất hiệu quả, vừa đảm bảo nguồn nước sinh hoạt. Ngoài ra, công trình còn góp phần điều hòa khí hậu nắng nóng tại khu vực biên giới. Ông Kpă Klen-Trưởng thôn Khôi (xã Ia Mơr) cho biết: “Hiện nay, do công trình chưa hoàn thành để cung cấp nước cho các cánh đồng nên người dân trong làng vẫn chỉ sản xuất được 1 vụ. Chúng tôi rất mong công trình sớm hoàn thành để có nguồn nước sản xuất lúa nước 2 vụ và phát triển các loại cây trồng khác”.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr, toàn xã có 5 thôn, làng với 630 hộ/2.481 khẩu. Riêng làng Khôi có 65 hộ và làng Hnáp có 116 hộ. Đây là 2 làng phải di dời khi thi công lòng hồ và được chuyển lên vị trí mới gần trung tâm xã từ năm 2010. Hiện tại, người dân 2 làng đã ổn định cuộc sống. Người dân trên địa bàn xã hầu hết đều sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích cây trồng hàng năm hơn 1.400 ha gồm: lúa nước, điều, mía, mì... “Do công trình hồ chứa nước Ia Mơr chưa hoàn thành nên khoảng 500 ha lúa nước của người dân chỉ sản xuất được 1 vụ, vụ còn lại phải bỏ không do thiếu nước nên rất lãng phí. Ngoài ra, vào mùa khô, người dân thường thiếu nước sạch do các giếng nước đào đều bị cạn kiệt. Do đó, người dân rất kỳ vọng vào công trình khi hoàn thành sẽ mở ra cơ hội phát triển kinh tế”-ông Anh cho biết.
Trao đổi với P.V, Chủ tịch UBND huyện Chư Prông cho biết: Trên cơ sở quỹ đất 8.500 ha, huyện sẽ xin chủ trương của tỉnh để kêu gọi thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và chuyển đổi đưa vào sản xuất một số cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao. Thông qua sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế. Chỉ có sản xuất nông nghiệp công nghệ cao mới giải quyết được vấn đề tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích. Đồng thời, huyện cũng đang đề nghị UBND tỉnh cho giữ lại 1.000 ha đất trong quỹ đất trên để ổn định đời sống người dân xã Ia Mơr, thực hiện chương trình di dân nội huyện, đặc biệt là giải quyết cho những hộ dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất tại các xã trên địa bàn huyện. Đây là một trong những hướng giúp kinh tế của huyện phát triển. “Khi công trình đưa vào khai thác (năm 2020) sẽ tạo động lực cho vùng phía Nam của huyện, đặc biệt là vùng biên giới. Bên cạnh đó, nếu việc kêu gọi thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thành công thì Chư Prông sẽ hình thành vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao hàng đầu của tỉnh”-Chủ tịch UBND huyện Chư Prông nhấn mạnh.
 LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm