Kinh tế

Nông nghiệp

Kỳ vọng mô hình liên kết sản xuất chanh dây VietGAP

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ nguồn vốn Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hỗ trợ và vốn đối ứng của người dân, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai đã xây dựng mô hình trồng chanh dây theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Ia Phìn (huyện Chư Prông) với diện tích 10 ha. Đến nay, vườn cây bắt đầu bước vào thu bói, kỳ vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao so với phương thức sản xuất truyền thống.
Theo thống kê sơ bộ của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông, toàn huyện có khoảng 700 ha chanh dây trồng rải rác tại các xã, thị trấn. Trong đó, xã Ia Phìn có diện tích lớn nhất với khoảng 200 ha.
Năm 2022, từ nguồn vốn hỗ trợ hơn 287 triệu đồng của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và vốn người dân đối ứng hơn 820 triệu đồng, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP phục vụ phát triển vùng nguyên liệu gắn tiêu thụ tại một số tỉnh Tây Nguyên. Trong đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh chọn xã Ia Phìn làm mô hình điểm trồng chanh dây với diện tích 10 ha của 15 hộ tham gia. Các hộ được hỗ trợ 70% vật tư nông nghiệp như phân hữu cơ vi sinh, vôi bột, chế phẩm sinh học và thuốc bảo vệ thực vật, tập huấn quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng mã số vùng trồng, hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc và ký hợp đồng với Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tiến Phát Gia Lai (thôn Hợp Hòa, xã Ia Drăng) bao tiêu đầu ra sản phẩm. Sau hơn 4 tháng trồng, chăm sóc theo quy trình mới, một số vườn chanh dây của các hộ tham gia mô hình bắt đầu thu bói.
Vườn chanh dây sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Ia Phìn. Ảnh: Nguyễn Diệp
Vườn chanh dây sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Ia Phìn. Ảnh: Nguyễn Diệp
Ông Nguyễn Văn Thanh (làng Grang, xã Ia Phìn) cho biết: “Quá trình sản xuất đều có sổ theo dõi vườn cây hàng ngày, thời gian cách ly trước khi thu hoạch. Sản phẩm hiện đã có tem truy xuất nguồn gốc và đang chờ mã số vùng trồng nên giá trị gia tăng sẽ cao hơn. Hiện vườn chanh dây của tôi mới bắt đầu thu bói nhưng cũng được gần 1 tấn, giá bán 15 ngàn đồng/kg. Nếu thu hoạch chính vụ, sản lượng thấp nhất cũng được 30 tấn. Với giá như hiện nay, trừ chi phí, tôi còn lợi khoảng 300 triệu đồng, cao gần gấp rưỡi so với cách sản xuất truyền thống. Không những thế, sản phẩm thu hoạch được đều được HTX Nông nghiệp Tiến Phát Gia Lai bao tiêu”.
Còn ông Hoàng Xuân Thanh-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Phìn thì cho hay: Toàn xã hiện có khoảng 200 ha chanh dây, riêng 10 ha tham gia mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP sinh trưởng phát triển tốt đã được cấp tem truy xuất nguồn gốc và chờ cấp mã số vùng trồng. Đây là bước đột phá mới trong sản xuất nông nghiệp để xã xây dựng thương hiệu chanh dây VietGAP Ia Phìn trong thời gian tới.
Theo ông Đỗ Minh Tiến-Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Tiến Phát Gia Lai: Hiện nay, HTX đang liên kết với người dân của huyện Chư Prông sản xuất khoảng 200 ha chanh dây. Trong đó, 120 ha đã hoàn thiện hồ sơ mã số vùng trồng, trong đó, riêng xã Ia Phìn có khoảng 70 ha, còn lại 50 ha rải rác ở các xã khác. Hợp tác xã đã đầu tư kho lạnh, thu mua chế biến chanh dây mỗi ngày khoảng 6 tấn. Sau khi ký kết hợp đồng, HTX sẽ đặt điểm thu mua và thực hiện đóng gói tại xã để thuận lợi cho bà con lúc thu hoạch.
Các đơn vị liên quan, hộ dân và hợp tác xã ký kết hợp đồng tiêu thụ chanh dây VietGAP. Ảnh: Nguyễn Diệp
Các đơn vị liên quan, hộ dân và hợp tác xã ký kết hợp đồng tiêu thụ chanh dây VietGAP. Ảnh: Nguyễn Diệp
Ông Nguyễn Văn Luyến-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông-cho biết: Mô hình trồng chanh dây theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Ia Phìn có ý nghĩa rất thiết thực. Mô hình mở ra cơ hội cho người dân trên địa bàn sản xuất nông nghiệp có chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… Hiện nay, huyện rất quan tâm đến sản xuất cây ăn quả có mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc để nâng cao năng suất, chất lượng, tạo đầu ra ổn định. Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp huyện tiếp tục tập trung tuyên truyền, vận động người dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP không chỉ với cây chanh dây mà còn trên cây sầu riêng, bơ…
Trao đổi với P.V, ông Hoàng Thi Thơ-Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh-cho hay: Nhằm hỗ trợ nông dân trồng chanh dây của tỉnh tiếp cận quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, có mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu chính ngạch, Trung tâm đã triển khai dự án “Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP phục vụ phát triển vùng nguyên liệu gắn với tiêu thụ tại một số tỉnh Tây Nguyên”. Trong đó, mô hình trồng chanh dây VietGAP tại xã Ia Phìn đang mở ra nhiều kỳ vọng khi nông dân và HTX đã bắt tay liên kết sản xuất gắn với thu mua sản phẩm để xuất khẩu chính ngạch, mở ra hướng phát triển bền vững trong những năm tới. “Năm 2023, Trung tâm tiếp tục theo dõi và xây dựng mô hình sản xuất chanh dây theo tiêu chuẩn VietGAP ở các địa phương khác để giúp người sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu”-ông Thơ thông tin.       
NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm