Bạn đọc

Lá thư từ biển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những ngày cuối của đợt đầu cách ly xã hội theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, trời Bình Định có ngày mưa tầm tã. Đường phố vốn đã thưa vắng người qua lại thì nay càng vắng hơn. Đa phần người dân chấp hành chủ trương của Chính phủ đến phút chót, hàng quán vẫn im ỉm khóa chờ lệnh mới, các công sở hoạt động bình thường trong sự cảnh giác cao độ với dịch bệnh.
Vợ chồng tôi là công dân Gia Lai về quê Bình Định lo chuyện ông bà vào dịp đại dịch bùng phát, kết quả là bị kẹt ở đây trong đợt cách ly lần này, nơi một xóm lao động nhỏ nằm sát bãi biển phường Trần Phú, TP. Quy Nhơn. Chúng tôi nghiêm túc chấp hành chủ trương của Chính phủ về thực hiện cách ly tại nhà, không giao thiệp với ai, kể cả người thân và hàng xóm láng giềng. Khí hậu nơi đây khá nóng bức, mọi người dân trong thành phố như muốn lao ra biển để giải nhiệt nhưng tất cả đều khựng lại vì lệnh cấm tập trung đông người. Chiếc loa phát thanh của lực lượng chống dịch luôn luôn phát đi chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và nhắc lại những quy định của địa phương về phòng-chống đại dịch Covid 19.
Nhìn bãi biển Quy Nhơn kéo dài từ Ghềnh Ráng-Tiên Sa kéo đến Bãi Nhạn (phường Hải Cảng) nằm im lìm bên tiếng sóng rì rào, không một bóng người lai vãng, lòng bỗng thấy quạnh hiu lạ lùng. Mặc dù Bình Định cũng như Gia Lai thuộc nhóm “nguy cơ thấp” nhưng chấp hành chủ trương chung “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, địa phương đã thực hiện cách ly khá triệt để. Suốt mùa dịch dường như chưa có sự cố nào đáng tiếc, chỉ trừ vài ba trường hợp vi phạm quy định phòng-chống dịch bị nhắc nhở và bị phạt hành chính.
Bãi biển Quy Nhơn. Ảnh: K.N.B
Bãi biển Quy Nhơn. Ảnh: K.N.B
Nơi chúng tôi sống trước đây vốn là một xóm chài, người dân làm đủ mọi nghề, một số ít vẫn còn theo nghề biển, cuộc sống còn nghèo nhưng hiền hòa và chân chất. Trong những ngày thực hiện cách ly toàn xã hội, cuộc sống của họ tuy có đảo lộn, thu nhập giảm sút nhưng không vì thế mà than vãn, ngược lại luôn chấp hành đúng quy định của địa phương. Chỉ thương các cháu thiếu niên, nhiều ngày nghỉ học bó chân trong bốn vách tường, muốn ra biển đá bóng với bạn bè, bơi lội cho thỏa thích cũng không được phép nên đành loay hoay trong nhà hay chạy nhảy quanh con hẻm chật chội của xóm nhỏ. Chúng tôi, cánh già hưu trí cũng cảm thấy hơi bức bối và bắt đầu nhớ biển. Thi thoảng ra ngoài đi chợ, vợ chồng tôi cũng tranh thủ đi ngang bãi biển để được ngắm nhìn không gian rộng mở, hưởng chút gió tươi, hít thở không khí trong lành… Kể ra, lúc bãi biển không một bóng người cũng có cái thú vị của nó. Chính cái lặng im của cát, cái rì rào của sóng, màu xanh của nước, cái bảng lảng của mây trời tạo nên một không gian tĩnh mịch như một bức họa thiên nhiên chân thực làm xao xuyến lòng người. Giữa tháng tư này, tôi lại nhớ đến Trịnh Công Sơn, người đã từng gắn bó với vùng đất Quy Nhơn và bài “Biển nhớ” là tác phẩm ông sáng tác trong những ngày gắn liền với thành phố biển yêu dấu này. Mỗi lần chúng tôi đi ngang quán “Cà phê Trịnh Công Sơn” gần nhà trên đường Xuân Diệu là lại nhớ đến giọng ca Khánh Ly: “Ngày mai em đi biển nhớ tên em gọi về…”, rồi chạnh lòng nhìn ra biển vắng, khơi xa với nỗi buồn man mác.
Đến chiều 16-4, một ngày sau đợt cách ly đầu tiên, bãi biển Quy Nhơn được mở cửa và mọi người lại ùa ra biển với niềm vui vỡ òa. Hàng quán được phép hoạt động trở lại nhưng vắng khách du lịch nên việc kinh doanh vẫn đang cầm chừng. Cho đến ngày 17-4, tình hình ở ngoại ô Quy Nhơn, đặc biệt là Khu Kinh tế Nhơn Hội vẫn im ắng, các hoạt động thi công trên công trường dường như vẫn “án binh bất động”, đường sá vắng tênh. Cả các khu du lịch FLC, Kỳ Co… đều nằm co ro trong nắng hạ.
Hiện nay, Gia Lai, Bình Định và nhiều tỉnh khác thuộc khu vực miền Trung-Tây Nguyên được xếp vào nhóm “nguy cơ thấp”, hoạt động vận tải hành khách giữa 2 địa phương đang được khôi phục theo hướng giảm tối thiểu 50% số chuyến theo biểu đồ chạy xe đã được Sở Giao thông-Vận tải Gia Lai phê duyệt. Như vậy, cũng đã là mừng rồi! 
BÙI QUANG VINH

Có thể bạn quan tâm