Du lịch

Lạc vào thế giới cổ tích ở bản Pơ Mu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những con đường quanh co uốn lượn, khí hậu mát mẻ quanh năm, con người mến khách khiến bản Pơ Mu, xã Ngọc Chiến, tỉnh Sơn La đẹp như một miền cổ tích.

Trải qua đèo Sa Síp với những khúc cua gấp, con đường khó khăn nguy hiểm cùng 20 km đường men hồ thủy điện Nậm Chiến, hình ảnh những nếp nhà sàn được làm bằng gỗ tỏa khói, những cánh rừng rậm bạt ngàn hay hương sắc nhẹ nhàng của những bức tường rào làm bằng tre đã đủ làm du khách ấm lòng.


 

Vẻ đẹp mơ màng tựa thiếu nữ của bản Pơ Mu, Sơn La.
Vẻ đẹp mơ màng tựa thiếu nữ của bản Pơ Mu, Sơn La.



Bản Pơ Mu ở xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La đẹp như một bức tranh mà thiên nhiên tạc vẽ. Cách thành phố Sơn La khoảng 80 km về phía đông bắc, ở độ cao trung bình là 1.800 m so với mực nước biển, Ngọc Chiến là vùng đất cao nhất, đẹp nhất của huyện Mường La. Vẻ đẹp mơ màng, ẩn trong sương núi cùng những đám khói tỏa ra từ những căn nhà gỗ khiến cho nơi đây càng trở nên huyền bí.

Đến với bản Pơ Mu, du khách như lạc vào không gian ngỡ chỉ có ở thiên đường. Những mái nhà san sát được lợp bằng gỗ pơ mu quý hiếm được ông cha nơi đây dựng nên, gìn giữ như những sản vật quý báu mà núi rừng ban tặng.

Những con đường làng quanh co, khúc khuỷu, thời tiết dìu dịu như che chở cho những con người nhỏ bé. Người dân ở đây quá đỗi thân thiện, hiền hòa như núi rừng đại ngàn vậy.

 

 Những mái nhà làm bằng gỗ Pơ Mu quý hiếm được dựng nên từ bao đời nay ẩn mình trong nắng gió vùng núi.
Những mái nhà làm bằng gỗ Pơ Mu quý hiếm được dựng nên từ bao đời nay ẩn mình trong nắng gió vùng núi.


Giữa chốn “rừng thiêng nước độc” lại có những nhành hoa nở trái mùa thơm ngát, suối nước nóng chữa bệnh và những nếp nhà trầm mặc. Khám phá bản Pơ Mu mới thấy những kiến trúc độc đáo, hoa văn đầu đón, đầu xà, kèo cột khá tinh xảo. Người dân Ngọc Chiến với những bộ trang phục rực rỡ chu đáo, ân cần với du khách tới tham quan, cuộc sống cứ thế trôi đi, chầm chậm.

Dạo một lượt quanh bản, những cánh cổng làm bằng gỗ pơ mu, tường rào làm bằng tre độc đáo đưa du khách trở về tuổi thơ, nơi cuộc sống còn đơn giản, nguyên vẹn.

Bên cạnh đó, khi tới bản, phải thưởng thức thứ gạo nếp tan ngon của cánh đồng quả trám Ngọc Chiến. Đây là món quà được ví thơm ngon hơn cả người anh em gạo nếp Tú Lệ, ít nơi nào sánh kịp.

 

Bản Pơ Mu trầm mặc, nhuốm màu thời gian ẩn hiện trong sương mờ.
Bản Pơ Mu trầm mặc, nhuốm màu thời gian ẩn hiện trong sương mờ.


Không chỉ thu hút du khách bằng vẻ đẹp hoang sơ, khung cảnh hữu tình, bản Pơ Mu còn là nơi trú ngụ cho người Mông, người Thái. Dân bản không giàu như những gì người miền xuôi nhắc đến hay như giá trị của cánh rừng pơ mu, nhưng họ cũng không quá nghèo khó. Cuộc sống vẫn còn mang yếu tố tự cung tự cấp, tất cả đều do nhà trồng, nuôi được nên đồ rất tươi ngon.

Những người phụ nữ ở đây cũng vậy, họ đẹp, vẻ đẹp của rừng Pơ Mu đại ngàn. Vào ngày xuân hoặc cuối tuần, đi dọc bản Mường Chiến, Lò Phon, Nà Sảng… mới thấy nét đẹp văn hóa của người dân. Điệu múa xòe đặc trưng, trò kéo co làm cho không khí trở nên vui nhộn, náo nhiệt, những cô gái với nét mặt rạng rỡ, làm bừng sáng cả một góc trời.

 

 Điệu múa xòe đặc trưng của người Thái ở bản Pơ Mu.
Điệu múa xòe đặc trưng của người Thái ở bản Pơ Mu.


Để có chuyến đi “nhớ đời” tới Ngọc Chiến từ thành phố Sơn La hết tầm 80 km, đường khó đi, hiểm trở, nên du khách cẩn thận, nhất là với những bạn trẻ đi phượt xe máy.

Từ Sơn La, đi theo tỉnh lộ 106 khoảng 40 km về phía đông bắc, sau đó đến thị trấn Ít Ong, đi tiếp đến đèo Sa Síp nằm ở độ cao hơn 2.000 m, dài 40 km uốn lượn, bao trọn một vùng với rừng cây um tùm. Du khách sẽ di chuyển tiếp qua cây cầu bắc ngang suối, và xã Ngọc Chiến đã hiện ra trước mắt.

Các dịch vụ ở đây cũng rất phải chăng. Giá ở qua đêm khoảng 70.000-80.000 đồng một người. Đặc biệt khi tới bản, đừng quên tắm suối nước nóng và check in cùng những mái nhà lợp pơ mu liêu xiêu nhuộm màu thời gian.

Theo news.zing.vn

Có thể bạn quan tâm