Cuối năm cần một khoản tiền để chi tiêu, không ít người “nhắm mắt” đi vay để rồi nhanh chóng sập bẫy “nặng lãi” tới mức không có khả năng chi trả, phải trốn nợ hoặc bán sạch tài sản.
Đối tượng Phạm Thị Len bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Bình bắt giữ ngày 18.1 cùng tang vật. Ảnh: CANB |
Từ đầu năm 2022, cơ quan công an nhiều địa phương đã liên tiếp thực hiện bóc gỡ nhiều đường dây tín dụng đen, cho vay nặng lãi.
Mới nhất là ở Ninh Bình, ngày 18.1, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh phát hiện, bắt quả tang Phạm Thị Len, sinh năm 1955 ở thôn Đông Hạ, xã Ninh Phúc, thành phố Ninh Bình đang nhận 43 triệu đồng tiền lãi của hai cá nhân. Phạm Thị Len khai từ cuối năm 2018 đã cho 65 người vay trên 5 tỉ đồng với lãi suất 3.300-4.000 đồng/1 triệu/1 ngày, bằng 119% đến 144%/năm, bản thân Phạm Thị Len đã nhận số tiền lãi trên 2 tỉ đồng.
Cũng ngày 18.1, Công an Đắk Nông thông tin đang tiến hành điều tra một cá nhân cho người dân vay với mức lãi suất lên đến 5.000 đồng/1 triệu/1 ngày, tương đương 180%/năm. Tổng số tiền người này cho vay lên tới 52 tỉ đồng và đã có trên 500 lượt người vay.
Hà Nam, Ninh Thuận, Đà Nẵng, Hải Phòng… cũng đã triệt phá nhiều đường dây cho vay nặng lãi tương tự với mức lãi suất tính theo năm là 150-180%.
Rõ ràng, đó là lãi suất “trên trời” và “cắt cổ”. Theo quy định của pháp luật thì lãi suất thỏa thuận giữa các bên cho vay không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Cụ thể hơn, lãi suất trên 100% năm để thu lời đã có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.
Câu hỏi là ai cũng biết với vay nặng lãi, bên vay có nguy cơ không trả được nợ, tan cửa nát nhà, bên cho vay có thể ngồi tù nhưng hiện tượng cho vay nặng lãi vẫn sinh sôi, phát triển và trở thành dòng chảy ngầm gây nhiều hệ lụy cho xã hội?
Thống kê từ một hội thảo tín dụng gần đây cho thấy, hiện có khoảng 47% người Việt tham gia vay tiền nhưng chỉ 18,5% là vay từ những tổ chức tín dụng và các tổ chức tài chính chính thức, phần còn lại là vay từ người thân, bạn bè hoặc tín dụng đen.
Cuối năm 2021, Hội thảo “Cảnh báo bẫy tín dụng đen, đẩy mạnh kênh tín dụng chính thức" do Báo Lao Động tổ chức đặt ra vấn đề rất nóng này. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do bà con vẫn còn tâm lý e ngại vay vốn ngân hàng vì cho rằng sẽ gặp nhiều thủ tục, quy định về thế chấp, giấy tờ phức tạp.
Mặc dù có nhiều cố gắng từ phía Ngân hàng nhà nước và các tổ chức tín dụng chính thức nhưng rõ ràng cần có nhiều giải pháp hơn, đơn giản hoá các điều kiện để người dân dễ dàng tiếp cận các gói vay tiêu dùng.
Và một phần quan trọng từ phía ý thức, sự hiểu biết của người dân: Phải biết nói không với những khoản vay tưởng chừng như đơn giản về thủ tục nhưng ẩn chứa nguy cơ nặng lãi để rồi ngập ngụa trong nợ nần chồng chất, không có lối ra.
HOÀNG LÂM (LĐO)