TN - Đất & Người

Lâm Đồng: Dự án treo 10 năm, đền bù như giá cũ!?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Người dân cho rằng, nhà đầu tư không thể đền bù giải tỏa nhiều diện tích đất của người dân nằm trong Dự án khu đô thị số 6, Trại Mát (phường 11, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng) với mức giá rất rẻ cách đây 10 năm về trước.
Như Dân Việt đã thông tin, dự án khu đô thị số 6 (gọi tắt là Dự án khu đô thị số 6) được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Kiên Trung (gọi tắt là công ty Kiên Trung) đã bị treo 10 năm nay, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. 
Được biết, tổng diện tích của dự án 75,8ha nhưng chủ yếu là đất nông nghiệp. Các quyết định thu hồi đất được UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành từ năm 2009. 
Đã 10 năm trôi qua, một số người dân đã nhận được tiền bồi thường, nhưng nhiều người vẫn mòn mỏi chờ, mất đi tư liệu sản xuất, cũng không thể chuyển được đến nơi khác ở.
 
Đến nay sau 10 năm triển khai, Dự án khu đô thị số 6 vẫn chưa thực hiện được gì ngoài con đường đất.
Bức xúc về sự chậm trễ của dự án này ông Đỗ Dương (tổ Lâm Văn Thạnh, phường 11, TP. Đà Lạt cho biết, gia đình ông ở địa phương từ năm 1990 đến nay. Từ khi có quyết định phê duyệt dự án này của UBND tỉnh Lâm Đồng đến nay đã 10 năm, gia đình ông vẫn sản xuất bình thường nhưng không thể sang nhượng hay đầu tư thêm vào diện tích 1.200m2.
“Từ năm 2009 đến nay, gia đình tôi nhận được 3 lần quyết định bồi thường với giá khác nhau. Lần 1 vào 2009 là 450 triệu đồng, lần 2 vào năm 2014 là 1 tỷ 19 triệu đồng và lần cuối cùng vào năm 2018 tăng lên 1 tỷ 24 triệu đồng. Nếu với giá thị trường hiện tại khoảng 10 triệu thì giá trị bồi thường lên rất cao, chúng tôi không thể chấp nhận số tiền như vậy”, ông Dương nói.
Cũng là một hộ dân có đất nằm trong dự án, gia đình bà Lê Thị Hộp cũng khẳng định, việc bồi thường cho người dân theo giá thị trường là hợp lý. Thời điểm hiện tại giá đất cao hơn rất nhiều so với thời điểm dự án được phê duyệt và có quyết định thu hồi đất của người dân.
 
Những miếng ván bên hông nhà của bà Hộp đã mục nhưng gia đình bà vẫn chưa được bồi thường.
Ông Cương, chồng của bà Lê Thị Hộp cho biết: “Gia đình tôi làm việc tại đây từ năm 1992 với diện tích 4.500m2. Gia đình tôi và người dân đều muốn thành phố được phát triển, xanh, sạch, đẹp nhưng làm dự án phải đền bù cho người dân thỏa đáng, đúng giá thị trường. Chúng tôi thiết nghĩ, chính quyền TP. Đà Lạt cũng như tỉnh Lâm Đồng cần xem xét lại chủ trương, chính sách của mình sao cho hợp lòng dân. Nếu chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính thì yêu cầu thu hồi lại dự án, trả lại quyền sở hữu đất cho người dân để chúng tôi ổn định đời sống lâu dài”.
Trước đó, ông Cao Văn Tứ (62 tuổi, Trại Mát, phường 11, TP. Đà Lạt) - một người dân bị ảnh hưởng bởi dự án, chưa hề nhận được tiền đền bù suốt 10 năm qua, cũng đã gửi rất nhiều đơn kêu cứu, khiếu nại về việc Dự án khu đô thị số 6 không triển khai, đền bù cho gia đình ông.
Sau khi làm việc với ông Tứ, ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, việc triển khai thực hiện, giải phóng mặt bằng, xử lý khiếu nại của người dân chậm trễ như vậy là rất thiếu trách nhiệm, đặc biệt là Trung tâm phát triển quỹ đất.
 
Ông Tứ nhiều năm đi khiếu kiện vì không được bồi thường, cũng không được đầu tư vào mảnh đất của chính mình.
UBND tỉnh Lâm Đồng cũng giao UBND TP. Đà Lạt trên cơ sở hồ sơ kiểm đếm của Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh, căn cứ quy định của pháp luật đất đai hiện hành, làm việc với Sở Tài chính, Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh để thống nhất, đề xuất ngay chi bồi thường, hỗ trợ cho hộ ông Cao Văn Tứ trong tháng 6/2019. Tuy nhiên cho đến nay, việc bồi thường cho gia đình ông Tứ vẫn chưa được thực hiện.
Gần đây nhất là ngày 11/7, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có quyết định về việc bồi thường, hỗ trợ cho ông Tứ đang sử dụng để xây dựng công trình Khu đô thị mới số 6. Theo đó, dựa vào quyết định này, gia đình ông Tứ sẽ được bồi thường hơn 9 tỷ đồng. Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo Điện tử Dân Việt, ông Tứ cho biết không chấp nhận mức bồi thường này. Bởi theo ông Tứ, so với giá trị đất hiện tại, cộng với những thiệt hại về kinh tế, cây trồng, lãi suất ngân hàng gia đình ông phải chịu từ năm 2009 đến nay là lớn hơn thế rất nhiều.
Được biết, khi dự án được phê duyệt, chủ đầu tư đã nộp 29,5 tỷ đồng để đền bù cho người dân. Tuy nhiên do khó khăn nên Công ty Kiên Trung đã không thể tiếp tục được các bước tiếp theo.
Tiếp đó, 7/10/2016 và ngày 6/12/2016 công ty này tiếp tục tạm ứng tiền bồi thường vào ngân sách tỉnh 15 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến cuối năm 2018, Công ty Kiên Trung đã họp rất nhiều lần với các cơ quan ban ngành để lên phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng nhưng vẫn chưa có phương án cụ thể nào để chủ đầu tư có thể tiếp tục triển khai dự án.
Đặc biệt, theo quy hoạch cũ đã được duyệt, tổng diện tích của toàn dự án là 75,8ha, trong đó phần diện tích đất rừng chiếm 22,74ha. Nhưng đến nay phần diện tích đất rừng trên không được chuyển mục đích sử dụng nên diện tích còn lại để triển khai dự án là 53,06ha.
PV (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm