Nhiều chuyên gia cho rằng, các đơn vị chức năng cần hoàn thiện cơ chế phối hợp, tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, nhất là việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam cho hàng hóa xuất khẩu.
Không phải đến bây giờ, tình trạng bị lạm dụng xuất xứ "made in Vietnam" để hưởng lợi “miễn phí” từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) hoặc lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại mới rơi vào tâm điểm chú ý và buộc cơ quan quản lý phải lên tiếng.
Việc sớm có hành lang pháp lý, qui định chặt chẽ lạm dụng xuất xứ là yêu cầu cấp thiết hiện nay để tránh những tác động trực tiếp đến sản phẩm, giảm uy tín cũng như tính cạnh tranh của hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.
*Gian lận gia tăng
Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, mặc dù chưa ghi nhận trực tiếp vụ việc liên quan đến hàng hóa nước ngoài giả mạo xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế, song hiện tượng gian lận thương mại thông qua ghi nhãn xuất xứ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam ngày càng gia tăng.
Ngoài việc giả mạo xuất xứ, còn có hiện tượng “chuyển tải” đơn hàng từ các nước sang Việt Nam để lẩn tránh thuế khi xuất khẩu sang thị trường khác. Ảnh minh họa: TTXVN
Trong năm 2018, đã có tới hàng chục loại hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam như: tấm năng lượng mặt trời, xe đạp điện, xe tay nâng, lốp xe tải, thép, tôn, gỗ ván ép, thậm chí cả mặt hàng thủy sản như: nguyên liệu tôm… đều có sự gia tăng số lượng xuất khẩu một cách đột biến từ 20-47%. Đây là dấu hiệu cho thấy những hàng hóa này đang có nguy cơ gian lận xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế.
Tuy nhiên, nhìn lại các vụ kiện Việt Nam bán phá giá, rõ ràng các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu hiện không phải là thế mạnh vốn có của doanh nghiệp Việt Nam.
Cũng theo ông Trần Thanh Hải, ngoài việc giả mạo xuất xứ, còn có hiện tượng “chuyển tải” đơn hàng từ các nước sang Việt Nam để lẩn tránh thuế khi xuất khẩu sang thị trường khác ngày càng nhiều khiến hàng loạt sản phẩm của Việt Nam bị các nước điều tra "lẩn tránh" về xuất xứ.
Thống kê cho thấy, năm 2018 Việt Nam đã có 19 vụ điều tra chống lẩn tránh được các nước khởi xướng đối với hàng hóa xuất khẩu như: sắt, thép, sợi, đồ gia dụng, đồ điện tử… Đặc biệt, hầu hết các vụ điều tra đều đi đến kết luận là có tồn tại hành vi lẩn tránh và sau đó hàng hóa Việt Nam sẽ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại khiến thuế nhập khẩu vào các nước tăng mạnh.
Nguyên nhân bởi Việt Nam đã tham gia rất nhiều Hiệp định thương mại tự do mà mới nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); trong đó, các loại hàng hóa sẽ dần dần được hưởng thuế nhập khẩu thấp hoặc giảm về 0%.
Hơn nữa, hàng hóa xuất khẩu đi một số nước khác cũng được hưởng thuế khá thấp như thị trường Mỹ chẳng hạn. Việt Nam hiện là nước đứng thứ 5 có thặng dư xuất khẩu sang thị trường này chỉ sau Trung Quốc, EU, Mexico và Nhật Bản. Trong khi đó, Trung Quốc, EU và Mexico đều đã bị Mỹ thực hành chính sách áp thuế nhập khẩu.
Bà Phạm Hương Giang, Phòng Xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài, Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) chia sẻ, hiện có 3 dạng hành vi lẩn tránh thuế phổ biến của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam, xếp theo mức độ nguy hiểm giảm dần.
Cụ thể là làm giả giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) của Việt Nam để hưởng chênh lệch thuế chống bán phá giá tại một nước thứ ba. Hoặc nhập khẩu hàng hóa nguyên kiện vào Việt Nam rồi sau đó đóng gói “made in Viet Nam” và xin giấy chứng nhận C/O của Việt Nam để hưởng mức thuế thấp tại một nước thứ ba.
Ngoài ra, còn có trường hợp đầu tư FDI với nhà máy đơn giản, sau đó nhập khẩu gần như toàn bộ linh phụ kiện của nước ngoài và lắp ráp tại Việt Nam, rồi xin giấy chứng nhận C/O của Việt Nam dù chưa đủ tiêu chuẩn về giá trị gia tăng để xuất khẩu.
Vì vậy, nếu không giải quyết sớm, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ ngành sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam. Bởi việc chuyển tải bất hợp pháp, giả mạo xuất xứ, nhãn hiệu của hàng hóa Việt Nam sẽ khiến cho lượng hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam tăng đột biến, trong khi hàng hóa có xuất xứ thật sự của Việt Nam không tăng nhiều.
Từ đó, dễ dẫn tới khả năng hàng hóa của Việt Nam bị các nước điều tra, áp thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, thuế đối kháng. Qua đó, gây mất uy tín trên thị trường quốc tế, ảnh hưởng chung đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Nhận định về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thừa nhận, có thực trạng hàng hoá nước ngoài đội lốt hàng Việt Nam để xuất khẩu sang các nước khác. Thậm chí, không làm giả để xuất khẩu mà còn đội lốt hàng Việt Nam để bán ngay tại thị trường Việt Nam.
Do đó, việc xây dựng quy định về hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam là cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý với mục tiêu phòng chống gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa và bảo vệ người tiêu dùng.
*Kỳ vọng vào giải pháp
Lý giải về nguyên nhân của thực trạng này giới chuyên gia cho rằng, thời gian qua một số thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã tăng cường sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại như: chống bán phá giá, chống trợ cấp để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.
Ngoài ra, các quốc gia cũng tích cực giám sát, theo dõi sự biến động của luồng hàng hóa nhập khẩu sau khi biện pháp được áp dụng để phát hiện các hành vi gian lận; trong đó, có gian lận xuất xứ.
Vì vậy, khi bị phát hiện hành vi gian lận, các nước thường áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa tương tự tại quốc gia xảy ra hành vi gian lận. Thực tế này đã gây ảnh hưởng liên đới tới các doanh nghiệp xuất khẩu chân chính.
Nhiều chuyên gia cho rằng, các đơn vị chức năng cần hoàn thiện cơ chế phối hợp, tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, nhất là việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam cho hàng hóa xuất khẩu.
Về phía các doanh nghiệp, phải có biện pháp tự bảo vệ mình bằng cách đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, quyền sở hữu trí tuệ, minh bạch các thông tin về tiêu chuẩn, chất lượng, sản phẩm và kênh phân phối.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam cho hàng xuất khẩu; trong đó, đặc biệt lưu ý tới một số mặt hàng có nguy cơ cao trong việc làm giả xuất xứ Việt Nam.
Đồng thời, Bộ cũng phối hợp với Tổng cục Hải quan để tổ chức theo dõi, nắm bắt những biến động bất thường trong hoạt động xuất khẩu sang một số thị trường. Từ đó, có biện pháp kiểm tra, xác minh và xử lý phù hợp đối với các hành vi gian lận xuất xứ, làm ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp.
Ngoài ra, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi gian lận.
Mặt khác, các doanh nghiệp cần kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý khi thấy có dấu hiệu bất thường, tránh để các ngành sản xuất - xuất khẩu của Việt Nam bị liên lụy và ảnh hưởng bởi các biện pháp chống lẩn tránh tại một số thị trường nhập khẩu.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải kỳ vọng, với những giải pháp quyết liệt này sẽ đẩy lùi những hành vi gian lận nguồn gốc xuất xứ để người tiêu dùng Việt có thể yên tâm chọn lựa hàng hóa “made in Viet Nam”. Qua đó, doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam sẽ được bảo vệ cũng như tự tin hơn để cạnh tranh khi Việt Nam bước vào sân chơi toàn cầu.
Bnews.vn/Uyên Hương/TTXVN