Điểm đến Gia Lai

Làm giàu từ trồng rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dọc tuyến đường từ quốc lộ 19 vào làng Pốt (xã Song An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) là những cánh rừng keo lai, bạch đàn xanh mướt, ngút tầm mắt. Thời gian qua, nhờ tham gia trồng rừng, nhiều hộ dân tộc thiểu số trong làng đã vươn lên làm giàu, điển hình là gia đình anh Đinh Đang.
Đất canh tác của người dân làng Pốt phần lớn ở khu vực đồi núi có độ dốc cao khiến việc sản xuất gặp nhiều khó khăn. Khi được xã vận động, nhiều người dân làng Pốt tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, trình độ canh tác. Năm 2011, anh Đang chuyển đổi 3 ha đất kém hiệu quả sang trồng keo và bạch đàn. Số tiền tích lũy từ bán keo và bạch đàn, anh tiếp tục mua đất để mở rộng trồng rừng. Đến nay, gia đình anh đã có 15 ha rừng trồng. Vừa trở về từ cánh rừng cách nhà không xa, anh Đinh Đang vui vẻ nói: “Tận dụng dưới tán rừng, tôi nuôi 6 con bò, 7 con dê, 8 con trâu cùng đàn gia cầm hơn 1.000 con. Hàng năm, sau khi trừ chi phí, tôi thu nhập trên 600 triệu đồng”. Theo anh Đang, mỗi héc ta chỉ cần đầu tư khoảng 8-10 triệu đồng, bao gồm giống và công trồng. Lợi nhuận bình quân khoảng 50-80 triệu đồng/ha.
Nhiều người dân làng Pốt (xã Song An, thị xã An Khê) tích cực tham gia trồng và phát triển kinh tế rừng. Ảnh: N.M
Nhiều người dân làng Pốt (xã Song An, thị xã An Khê) tích cực tham gia trồng và phát triển kinh tế rừng. Ảnh: Ngọc Minh 
Từ kinh nghiệm của bản thân, anh Đinh Đang đã nhiệt tình giúp đỡ bà con trong làng về cây giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng. Bên cạnh đó, anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động với mức thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng. Trò chuyện với chúng tôi, Trưởng thôn Đinh Chay cho biết: “Đinh Đang là thanh niên tiêu biểu trong phong trào thi đua lập thân, lập nghiệp. Tận mắt nhìn thấy hàng chục héc ta rừng trong thời kỳ phát triển, mới thấy hết sự cần cù, chịu thương, chịu khó của người thanh niên này. Anh đã biết tận dụng thế mạnh của địa phương để vươn lên làm giàu chính đáng. Ngoài ra, anh còn tích cực tham gia công tác địa phương, tạo điều kiện giúp đỡ nhiều người trong làng phát triển kinh tế gia đình”.
Làng Pốt có 80 hộ với 100% dân số là dân tộc Bahnar. Trước đây, đời sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng mấy năm gần đây, nhờ trồng rừng mà đời sống của bà con được cải thiện. Hiện tại, làng chỉ còn 3 hộ nghèo và 6 hộ cận nghèo. Hiện làng Pốt có hơn 143 ha rừng trồng với 2 loại cây chính là keo lai và bạch đàn. Ông Võ Văn Thanh-Bí thư Chi bộ làng Pốt-thông tin: Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phát triển các mô hình kinh tế, đặc biệt là trồng rừng. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế gắn với trồng rừng để vừa nâng cao thu nhập cho người dân vừa bảo vệ môi trường, từng bước hoàn thành các tiêu chí để làng Pốt sớm đạt chuẩn nông thôn mới.
MAI KA - LÊ ĐẠI

Có thể bạn quan tâm