Phóng sự - Ký sự

Làm nông giữa phố: Nông dân bất đắc dĩ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đằng sau phố xá phồn hoa với cả rừng cao ốc, những tòa nhà chọc trời, giữa nội đô TPHCM vẫn còn những làng quê heo hút không kém vùng sâu, vùng xa. Ở đó, những người dân cả đời vẫn lam lũ mưu sinh với ruộng đồng, ao chuồng…

Dù chỉ cách quận 1 - trung tâm thành phố chừng dăm cây số nhưng đến giờ, bán đảo Thanh Đa (phường 28, quận Bình Thạnh, TPHCM) vẫn hoang vu, người dân phải sống trong cảnh “quê trơ, quê trất” nguyên sơ vì “án treo” quy hoạch hơn 30 năm qua.

Xót đất hoang

Theo sự hướng dẫn của người dân, chúng tôi đi sâu vào những con đường nhỏ ngoằn ngoèo ở khu vực Bình Quới thuộc bán đảo Thanh Đa. Nơi đây không xô bồ, tấp nập mà bình yên, trầm lặng đến ngỡ ngàng. Với đồng cỏ xanh mướt, mảnh ao rộng mênh mông đầy cá, ốc, những nông dân chân lấm, tay bùn ngay lòng phố thị.

Làm nông giữa phố: Nông dân bất đắc dĩ ảnh 1

Bà Bùi Thị Cái vui tuổi già với ao cá, hồ sen giữa lòng thành phố

Chạy mãi trên con đường bê-tông nông thôn, chúng tôi gặp ông Sáu Đinh (59 tuổi), một người dân cố cựu ở Bình Quới đang cắt cỏ cho bò ăn. Thấy có người đến, ông Sáu Đinh ngừng tay và cho hay, đây là công việc mấy chục năm nay của vợ chồng ông. Sáng cắt cỏ bò, trưa hái rau đem ra chợ, chiều lại tắm, cho bò ăn… quần quật vậy là hết ngày. “Tôi nuôi gần 20 con bò sữa, bò thịt, bò sinh sản… kiếm tiền sinh sống. Nhà có 2.000 mét đất ông bà để lại, nhưng do quy hoạch treo hơn 30 năm qua nên không thể làm gì ngoài trồng trọt, chăn nuôi. Dân ở đây ai cũng như vậy” - ông Sáu Đinh nói.

Mời tôi ngồi nghỉ chân trên bộ bàn đá đặt giữa sân nhà, những cành hoa muồng muỗng, râm bụt màu vàng, đỏ khoe sắc rực rỡ làm cái nắng hanh hao giữa trưa bỗng trở nên dễ chịu. Đãi khách ly trà ướp hoa nhài vừa hái trong vườn nhà mát lạnh, ông Sáu Đinh chầm chậm kể, các con thấy cha mẹ lớn tuổi nên khuyên nghỉ ngơi an hưởng tuổi già, nhưng ông quen làm ruộng vườn, giờ ở không lại buồn tay buồn chân, sinh ra đau ốm. Ngoài nuôi bò, trên mảnh đất nông nghiệp, ông Sáu Đinh khoanh làm từng mảnh để trồng cỏ, trồng rau màu, cây ăn trái…

Làm nông giữa phố: Nông dân bất đắc dĩ ảnh 2

Thử sức qua nhiều nghề, anh Nguyễn Thanh Bình chọn về nhà trồng sen, hái sen mưu sinh

Cách đó không xa, gia đình chị Trần Thị Chính (49 tuổi) cũng tất bật chăm 30 con bò sữa. Giọng chân chất, chị Chính kể, hồi trước nhà ở quận 2 (nay là thành phố Thủ Đức) có cấy lúa phụ cha mẹ, khi có chồng ở quận Bình Thạnh lại có thêm nghề nuôi bò. “Mặc dù hộ khẩu thành phố nhưng nghiệp nông vẫn gắn liền với số phận” - chị Chính cười hóm hỉnh.

Ông Trần Cao Minh, Tổ trưởng Tổ dân phố 12 (phường 28, quận Bình Thạnh) - người có thâm niên sống ở khu vực Bình Quới cho biết, trước kia dân cả vùng bán đảo Thanh Đa sống bằng nghề trồng lúa, trồng sen, nuôi heo, gà... Sau đó, thành phố quy hoạch lại, cây cầu nối bán đảo Thanh Đa với trung tâm quận 1, quận 3, thành phố Thủ Đức… được xây mới, nhiều nhà hàng, khu vui chơi giải trí và dự án bất động sản lớn nhỏ được quy hoạch. Tuy nhiên, khu quy hoạch treo Thanh Đa vẫn nằm im, chưa thấy chủ trương gì mới.

Theo lời chị Chính, một ngày làm việc của gia đình chị bắt đầu từ lúc 3 giờ sáng, chồng chị chạy xe tới quận 2 mua mía cho bò. Đến 6 giờ tới chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) chở xác đậu, sau đó về nhà tắm bò, cho ăn, vắt sữa… “Mỗi ngày thu được 50 lít sữa, bán với giá 20.000 đồng/lít. Bán hết thì kiếm được 1 triệu đồng để ăn uống, chi tiêu trong nhà. Cũng có hôm sữa ế, phải đổ bỏ coi như lỗ công. Mấy năm dịch bệnh COVID-19 càng khó khăn hơn khi sữa không có người mua, tôi nghĩ ra đủ cách chế biến như làm sữa chua, làm bánh… tặng cho khắp xóm. Nhờ vậy mà cũng dìu nhau qua hết mùa dịch, tình làng nghĩa xóm càng thêm thắm thiết” - nữ nông dân cho hay.

Trưa vắng, chúng tôi len lỏi men theo dọc bờ kênh chạy dài trên con đường rải đá xanh. Hai bên đường là những căn nhà mái lá cũ kỹ, xập xệ. Xung quanh, những ao hồ nuôi cá và khá nhiều cây cầu khỉ bắc ngang qua. Tiếng gà gáy trưa ở đâu vẳng tới, một cơn gió thoảng mát rượi mang theo mùi khói bếp nồng nồng…

Không quen cũng chẳng hẹn trước, thấy tôi hỏi thăm chuyện làm nông ở thành phố, bà Bùi Thị Cái (73 tuổi, ngụ phường 28) vừa rải từng nắm thức ăn xuống hồ cá, vừa xởi lởi trò chuyện. Bà kể, ở đây không lo đói vì cá đầy ao, rau mơn mởn mọc dọc hồ, cây trái xum xuê… Theo bà Cái, khu này nhà nào cũng có một ao cá, một khu vườn rộng trồng đủ các loại rau và trái cây. “Chỉ đơn giản là để không phí phạm đất đai và cũng để tự cung, tự cấp nguồn thực phẩm” - bà Cái cho biết.

Làm nông giữa phố: Nông dân bất đắc dĩ ảnh 3

Ông Sáu Đinh có 2.000 mét đất trồng rau, nuôi bò ngay giữa khu Thanh Đa, quận Bình Thạnh

Quê trơ, quê trất

Tỉ mẩn xếp từng cành hoa sen rồi buộc thành từng bó, anh Nguyễn Thanh Bình (39 tuổi) cho biết gia đình, dòng họ có nhiều người sống nhờ ao sen ở Bình Quới. Sáng sớm thu hoạch bông, đem về phân loại, bó từng bó rồi giao sỉ, bán lẻ… mỗi ngày bình quân thu lợi nhuận 400.000-500.000 đồng.

Chia sẻ về cuộc sống, anh Bình chậm rãi hồi tưởng, trước đây anh mở dịch vụ dọn dẹp, làm đẹp nhà cửa, văn phòng và rất ăn nên làm ra. Anh đi khắp nơi nhận công trình, ngày đêm ôm hoài bão làm giàu. Tuy nhiên, cảm thấy cuộc sống quá bon chen, áp lực, anh quyết định trở về với mảnh ao, trồng sen, hái sen kiếm sống qua ngày. “Bây giờ, tôi cùng vợ, các con đều gắn bó với cuộc sống đồng quê giữa phố. Nó vừa nhẹ nhàng, vừa giúp mình thêm yêu đời, không phải chen chúc mệt mỏi. Sáng lội ruộng, tối giăng võng ngắm sao trời, nghe “bản hòa tấu” của thiên nhiên khi hè về…” - anh Bình kể về cuộc sống an nhiên của mình.

“Nhiều người bất ngờ khi biết mình sống ở phố nhưng vẫn trồng rau, đào ao nuôi cá” - chị Lê Thị Khởi (45 tuổi), một cư dân Bình Quới bộc bạch. Là con gái Tiền Giang, chị lập gia đình rồi theo chồng về Bình Quới sinh sống. Lúc mới về làm dâu, chị Khởi ngỡ ngàng vì nơi đây mênh mông là dừa nước, ao đầm. Tới bây giờ, những rặng dừa vẫn còn phủ đầy bên hông nhà. Công việc của chị Khởi hằng ngày là rút ngó sen, mỗi ngày rút được khoảng chục kg, bán 500.000 đồng. Rảnh rỗi, chị lại bẻ trái mít, hái mớ đu đủ, dăm ba ký rau dền, rau lang mọc trong vườn nhà bán kiếm tiền mua thêm thức ăn…

Đưa tay chỉ tôi phía xa xa kia là những dãy nhà cao tầng, là tòa tháp Landmak 81 tầng (cao nhất Việt Nam) nhưng ở khu Bình Quới này vẫn “quê trơ quê trất”. Bà con không được xây dựng nên mọi thứ cứ giữ nguyên và đơn sơ vậy. Khi nào thích ra trung tâm chỉ cần qua một cây cầu. Rồi những ngày thành phố bắn pháo hoa, cứ việc đem ghế ra sân là ngắm thỏa thích. Đêm nằm nghe tiếng côn trùng rỉ rả, ếch nhái thi nhau “tấu nhạc” hòa với tiếng gió vi vu…” - chị Khởi bồi hồi nói như cởi tấm lòng.

(Còn tiếp)

Có thể bạn quan tâm