Những ngày gần đây, dư luận bất bình trước thông tin ông Nguyễn Đức Lý – Giám đốc sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Quảng Bình đã “tận dụng” nhà kho của 2 đơn vị trực thuộc thành nơi chứa gỗ riêng của gia đình.
Hai đơn vị đó là chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng và trung tâm Kỹ thuật đo lường thử nghiệm (đều đóng ở tổ dân phố 10, P.Đồng Phú, TP. Đồng Hới). Điều đặc biệt, một trong hai lô gỗ đó được cơ quan chức năng xác nhận là gỗ lậu.
Nhà kho của hai đơn vị trực thuộc sở KH&CN được Giám đốc sở biễn thành nơi cất giữ gỗ cho gia đình. |
Gỗ của gia đình ở trụ sở cơ quan
Sau khi nhận được nhiều thông tin phản ánh của người dân tại TP.Đồng Hới về sự việc trên, lực lượng chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình đã tiến hành kiểm tra. Tại Trung tâm Kỹ thuật đo lường thử nghiệm, các lực lượng chức năng bất ngờ phát hiện một lượng lớn gỗ lim được chất thành đống cao và trùm phủ bạt màu xanh nằm chiếm gần hết diện tích của nhà kho. Qua tìm hiểu, Giám đốc trung tâm là bà Nguyễn Thị Ái Trinh – vợ của Giám đốc sở Nguyễn Đức Lý.
Bà Trinh sau đó xuất trình được hóa đơn ghi ngày 22-8-2013 có nội dung: Ông Nguyễn Đức Lý mua của công ty CP chế biến lâm sản và kinh doanh tổng hợp Quảng Bình (P.Bắc Lý, TP.Đồng Hới) hơn 4m3 gỗ lim hộp với tổng tiền hơn 97 triệu đồng. Hồ sơ lô gỗ này hợp pháp khi có bảng kê lâm sản, lý lịch gỗ và trên lô gỗ này có dấu búa kiểm lâm.
Tuy nhiên, tại kho gỗ thứ hai, ở trụ sở của chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, khi các lực lượng chức năng yêu cầu lãnh đạo đơn vị này mở cửa để kiểm tra, thì bà Ái Trinh, mặc dù không có chức năng, nhiệm vụ quản lý tài sản đơn vị này nhưng vẫn có chìa khóa mở nhà kho một cách bình thản. Đúng như phản ánh của người dân, tại đây, lực lượng chức năng khá bất ngờ khi thấy một nhà kho được xây dựng kiên cố lại được dùng làm nơi chứa gỗ. Mà, sở KHCN thì không có danh mục nào của nguyên liệu... liên quan đến gỗ.
Với lô gỗ này, bà Trinh chỉ xuất trình được hóa đơn đề ngày 10-12-2014, khối lượng hơn 2m3, tổng số tiền hơn 48 triệu đồng mà không có bảng kê lâm sản và xác nhận của kiểm lâm theo quy định, trên gỗ cũng không hề có dấu búa kiểm lâm. Chính vì không có giấy tờ hợp pháp, đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ lô gỗ trên.
Được biết, khi xác minh nguồn gốc số gỗ tại chính công ty bán gỗ cho gia đình ông Lý, lãnh đạo Công ty cũng không thể xuất trình được bất cứ giấy tờ nào hợp pháp của lô gỗ nói trên. Sau quá trình xác minh, ngày 8/11, hạt Kiểm lâm TP.Đồng Hới đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản đối với Công ty đã bán gỗ cho ông Nguyễn Đức Lý vì đơn vị này đã thực hiện hành vi bán lâm sản trái quy định của Nhà nước. Mức phạt tiền 30 triệu đồng và tịch thu toàn bộ 35 hộp gỗ chua nhóm 3 với khối lượng hơn 1,8m3 được ông Lý cất giữ tại kho của Chi cục.
Ai phải chịu trách nhiệm?
Lực lượng kiểm lâm làm việc và tiến hành kiểm tra số gỗ trong hai đơn vị trực thuộc sở KH&CN. |
Tuy nhiên, điều khiến dư luận băn khoăn là trong sự việc này, trách nhiệm của ông Lý lại không được nhắc đến. Với hành vi này, việc xử lý hành chính là quá nhẹ. Liên quan đến vấn đề này, một lãnh đạo tại hạt Kiểm lâm TP.Đồng Hới cho biết, không thể xử lý hình sự vì đó là loại gỗ thông thường và khối lượng gỗ chưa đủ cấu thành để xử lý hình sự. Hơn nữa, bên mua đã có hóa đơn và bảng kê loại gỗ đầy đủ.Trong sự việc này, một vấn đề nữa cũng khiến dư luận bất bình đó là việc biến trụ sở của 2 đơn vị trực thuộc là chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng và trung tâm Kỹ thuật đo lường thử nghiệm, đều đóng ở tổ dân phố 10, P.Đồng Phú (TP.Đồng Hới) thành nơi chứa gỗ riêng của gia đình. Người dân bức xúc cho rằng, trụ sở, cơ sở vật chất của cơ quan Nhà nước được xây bằng ngân sách, từ tiền thuế của dân là để phục vụ việc công chứ không thể bị Giám đốc của đơn vị sử dụng vào mục đích cá nhân như vậy. Hơn nữa,việc này không phải chỉ xảy ra trong ngày một, ngày hai, mà nó diễn ra trong một thời gian dài. “Chưa nói đến việc số gỗ mua, bán đó có hợp pháp hay không, chỉ cần nói đến việc Giám đốc Sở biến trụ sở đơn vị thành nơi chứa gỗ cho gia đình trong một thời gian dài là điều không thể chấp nhận được. Trụ sở cơ quan được xây nên từ sự đóng góp của người dân, là để phục vụ cho việc công, nhưng ở đây, họ lại dùng để tích trữ gỗ cho gia đình, việc này quả là hiếm thấy”, một người dân địa phương chia sẻ. “Hơn nữa, ở đây, cũng cần nói đến trách nhiệm của bà Nguyễn Thị Ái Trinh. Bà Trinh mặc dù là Giám đốc trung tâm Kỹ thuật đo lường thử nghiệm nhưng khi cơ quan chức năng kiểm tra nhà kho thuộc trụ sở của Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, bà Trinh lại có chìa khóa riêng và mở cửa một cách ngang nhiên. Về vấn đề này, cơ quan chức năng cũng cần có động thái để thể hiện sự công tư và minh bạch”, ông Nguyễn Văn Thắng (trú TP.Đồng Hới) bày tỏ quan điểm.
Nhìn nhận sự việc trên dưới góc độ pháp lý, luật sư Đỗ Ngọc Thiển, đoàn Luật sư Quảng Bình phân tích, một trong những nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính là một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần. Trong trường hợp này, vì đã xử phạt công ty bán và người bán cũng không có phản ứng gì thì cơ quan chức năng sẽ không xử phạt bên mua nữa. Tuy nhiên, cũng cần phải nghĩ đến trách nhiệm liên đới. Đặc biệt, một trong hai kho gỗ nêu trên có một kho gỗ lậu. Cơ quan chức năng đã xác định, kho gỗ này không có bảng kê lâm sản và xác nhận của kiểm lâm theo quy định, trên gỗ cũng không hề có dấu búa kiểm lâm. Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Nguyễn Đức Lý, Giám đốc sở KH&CN tỉnh Quảng Bình thừa nhận việc dùng trụ sở của 2 đơn vị trực thuộc Sở để cất giữ gỗ của gia đình là sai nguyên tắc. Ông Lý phân trần với PV: “Tôi mua một ít gỗ từ năm 2013 (4m3 gỗ lim) và 2014 (2m3 gỗ chua). Đây là doanh nghiệp có uy tín và tất cả số gỗ đó đều có hóa đơn đỏ. Trung tâm Kỹ thuật đo lường thử nghiệm có một kho dã chiến anh em tự làm để bỏ đồ vặt, nhưng sau này thừa nên đã bỏ 4m3 gỗ lim vào”.
Ông Lý thông tin, liên quan đến 2m3 gỗ chua, khi mua cũng có hóa đơn đỏ nhưng ông không chú ý đến dấu búa của đơn vị kiểm lâm, vì vậy lực lượng kiểm lâm đã quyết định tạm giữ lô gỗ này để xác minh làm rõ. Qua xác minh, công ty Lâm sản không xuất trình được hồ sơ, nguồn gốc rõ ràng của số gỗ chua này nên họ quyết định tịch thu và phạt hơn 30 triệu đồng. “Tại chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, khi làm thì thiết kế 2 cái gara, một để để ô tô và một để chiếc xe bán tải phục vụ cho việc thanh tra, kiểm tra tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Nhưng khi đầu tư ra thì không có tiền, nên chỉ có 1 chiếc ô tô thôi, còn một cái gara thừa và để trống nên vợ tôi đã dùng làm nơi cất gỗ”, ông Lý giải thích thêm.
Được biết, liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đức Lý đang làm giải trình báo cáo lên Tỉnh ủy và UBND tỉnh Quảng Bình về sự việc.
Theo DSPL