Sầu riêng xuất khẩu đi Trung Quốc. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN) |
Sầu riêng đã thực sự mang lại "niềm vui chung" khi 7 tháng năm 2023, "vua các loại trái cây" mang về hơn 1 tỷ USD và dự báo có thể đạt trên 2 tỷ USD trong năm nay.
Tuy nhiên, ngành hàng này vẫn rơi vào "cái bẫy" mà Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đã cảnh báo từ trước, đó là "khi giá cả lên, một bộ phận người nông dân sẽ tăng sản lượng bằng mọi cách, lạm dụng các chất kích thích tăng trưởng, tự phát mở rộng vùng trồng..." Vậy, làm thế nào để thoát khỏi "cái bẫy" này?
Hệ lụy từ "bẫy tăng trưởng nóng"
Ước tính đến nay, cả nước có hơn 112.000ha sầu riêng. Trong 5 năm gần đây, diện tích sầu riêng mỗi năm tăng gần 25%, tổng sản lượng hiện nay khoảng 900.000 tấn; trong đó tập trung ở một số vùng chính như Tây Nguyên hơn 52.000ha (khoảng 47%), Vùng Đồng bằng sông Cửu Long 33.000ha (khoảng 30%), Vùng Đông Nam Bộ 21.000ha (khoảng 19%) và một số địa phương khác.
Hai năm qua, giá sầu riêng đã tăng cao khi Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật xuất khẩu chính ngạch sầu riêng vào Trung Quốc được ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Điều này đã tạo ra cơ hội và động lực mạnh mẽ phát triển ngành hàng sầu riêng, làm gia tăng đáng kể thu nhập, lợi nhuận cho người nông dân, doanh nghiệp trong chuỗi ngành hàng.
Theo ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk, nơi đang trồng khoảng 23.000ha sầu riêng, bên cạnh những yếu tố tích cực, thuận lợi thì việc phát sinh những khó khăn, thách thức, rủi ro, thậm chí là tiêu cực do "tăng trưởng nóng" là điều không thể tránh khỏi.
Đại diện tỉnh Tiền Giang phản ánh tình trạng nhiều doanh nghiệp xin cấp mã số vùng trồng, đặc biệt các doanh nghiệp ngoài tỉnh chưa có sự gắn kết chặt chẽ với nông dân trong vùng trồng. Vẫn còn nhiều vùng trồng, cơ sở đóng gói không duy trì các điều kiện theo yêu cầu của nước nhập khẩu, nhất là đối với thị trường Trung Quốc.
Các cơ sở đóng gói chưa đảm bảo thu mua sản phẩm từ vùng trồng được cấp mã số, một số cơ sở thuê gia công đóng gói từ các cơ sở chưa được cấp mã số hoặc thuê gia công đóng gói từ các cơ sở đã được cấp mã số nhưng ghi nhãn mác chưa đúng với tên cơ sở được thuê gia công theo quy định; đa số cơ sở đóng gói chưa cập nhật đầy đủ sổ ghi chép, đặc biệt sổ thu mua sản phẩm từ vùng trồng. Hầu hết các cơ sở đóng gói đều mua sản phẩm từ thương lái nên rất khó trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Không chỉ vậy, trong thời gian qua, hiện tượng tranh mua, tranh bán, loạn giá, bẻ cọc sầu riêng... tạo ra nguy cơ và hệ lụy rất lớn, ảnh hưởng đến chất lượng, uy tín và thương hiệu sầu riêng Việt Nam trên thị trường xuất khẩu.
Theo bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm, một trong những khó khăn lớn là của ngành hàng sầu riêng là liên kết sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm còn thiếu bền vững.
"Ngành hàng sầu riêng chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các hợp tác xã với nông dân và doanh nghiệp. Các liên kết giữa doanh nghiệp và nông hộ sẵn sàng bị bẻ gãy khi giá lên cao, gây mất ổn định ngành hàng và chất lượng sản phẩm tiêu thụ, xuất khẩu. Trong khi đó, các hợp tác xã chưa thực sự phát huy được vai trò, giá trị của mình tại vùng liên kết," bà Thanh phản ánh.
Ông Lê Anh Trung, Giám đốc Đối ngoại Công ty Đầu tư Phát triển Vạn Hòa ở Đắk Lắk cho rằng việc giá sầu riêng "tăng nóng" gây thiệt hại cho doanh nghiệp xuất khẩu.
“Chúng tôi hy vọng các cơ quan chức năng, Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk sẽ tổ chức tuyên truyền để người dân biết giá trị thực sự của quả sầu riêng, đồng thời tổ chức hướng dẫn, tập huấn thêm kiến thức, kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng cho tất cả bà con nông dân, ổn định giá cả, chất lượng, giúp cho doanh nghiệp và người nông dân an tâm sản xuất, thu mua”, ông Lê Anh Trung kiến nghị.
Để trái sầu riêng vươn xa
Theo ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk, trong bối cảnh toàn cầu hóa, kinh tế kết nối hiện nay chúng ta càng thấm thía câu nói “Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau." Trái sầu riêng muốn đi xa, tạo thị trường bền vững thì mọi chủ thể trong chuỗi giá trị cần phải chung sức chung lòng, hợp tác gắn bó để cùng đi lên. Nông dân, doanh nghiệp, địa phương có vùng trồng và cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học cần “đi cùng nhau” trong tổng thể không gian liên kết phát triển ngành hàng.
Cục Bảo vệ Thực vật đề xuất cần tổ chức tốt chuỗi liên kết sản xuất thực chất từ vùng trồng đến cơ sở đóng gói, cơ sở xử lý kiểm dịch thực vật và doanh nghiệp xuất khẩu.
Thu hoạch sầu riêng. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN) |
Tại huyện Krông Pắc (Đắk Lắk), nơi có 7.157ha sầu riêng, trong những năm gần đây, huyện đã đẩy mạnh đầu tư hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân, người sản xuất sầu riêng áp dụng những quy trình sản xuất an toàn theo các tiêu chuẩn như VietGAP, sản xuất hữu cơ; xây dựng, quản lý vùng sản xuất, cơ sở đóng gói đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, khuyến khích người dân hợp tác liên kết sản xuất tiêu thụ với các hợp tác xã, tổ hợp tác, các cơ sở doanh nghiệp thu mua đóng gói xuất khẩu đã được cấp mã số theo quy định.
Đến cuối năm 2022, diện tích sầu riêng đã được kiểm tra đánh giá cấp giấy chứng nhận Thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) trên địa bàn huyện là 653 ha với 594 hộ dân sản xuất.
Tính đến 31/7/2023, toàn huyện Krông Pắc có tổng số 34 mã vùng trồng sầu riêng được Cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt, với diện tích 2.015ha sầu riêng của 3.761 hộ dân thuộc địa bàn các xã Ea Yông, Ea Kênh và Ea Knuếc.
Krông Pắc cũng thành lập tổ công tác kiểm tra, giám sát mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu của các cơ sở, doanh nghiệp, tổ chức và người dân trên địa bàn huyện.
Theo tiến sỹ Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển Nông thôn, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cần nâng cao nhận thức của chính quyền và người dân về xây dựng mã vùng trồng cho tất cả sản phẩm, tất cả địa phương trong nước.
Hiện nay, bà con nông dân và cơ quan chức năng các địa phương chỉ mới tập trung phát triển mã số vùng trồng cho các nông sản đi Trung Quốc mà chưa quan tâm đến các thị trường khác như Mỹ, châu Âu… và đây có thể xem là sự ngộ nhận về mã số vùng trồng.
Trong khi đó, nhiều hộ dân, hợp tác xã được cấp mã số vùng trồng vẫn nghĩ có được mã số là có được tất cả nên không chú trọng đến việc duy trì, bảo vệ tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm, gây ra nhiều rủi ro cho những mã số đã được cấp.
Ông Vũ Đức Côn - Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk - kiến nghị cần tổ chức tốt chuỗi liên kết sản xuất thực chất từ vùng trồng đến cơ sở đóng gói, cơ sở xử lý kiểm dịch thực vật và doanh nghiệp xuất khẩu nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng đáp ứng các tiêu chuẩn về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, cần ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cung cấp thông tin mã số để phục vụ kiểm tra, giám sát, triển khai đồng bộ cho các vùng trồng, cơ sở đóng gói áp dụng phần mềm quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói để phục vụ công tác giám sát, truy xuất nguồn gốc khi có yêu cầu.
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn “Nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng 2023 và giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng sầu riêng Việt Nam" được tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, người dân trồng sầu riêng, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương bên cạnh sự háo hức khi có cơ hội xuất khẩu sầu riêng chính ngạch cũng cần lường trước những khó khăn, thách thức trong ngành hàng này.
Theo Bộ trưởng, trước đây, đã có nhiều ngành hàng tiềm năng ban đầu rất háo hức phát triển nhưng sau đó lại rơi vào bi kịch vì chúng ta nghĩ đến thời cơ nhiều hơn là nhận diện thách thức.
Bộ trưởng cho rằng muốn ngành hàng sầu riêng nói riêng, các ngành hàng khác nói chung phát triển thì phải cấu trúc ngành hàng bền vững, trong đó phải có sự hiện diện của cả sản xuất và tiêu thụ, nghĩa là có nông dân và doanh nghiệp. Việc tổ chức lại sản xuất không đơn thuần chỉ là cải tiến kỹ thuật gieo trồng mà là tạo không gian để nông dân, doanh nghiệp ngồi lại với nhau.
Đóng thùng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN) |
Muốn ngành hàng phát triển hiệu quả, phải bắt đầu từ sản xuất, nghĩa là doanh nghiệp đến với người dân ngay từ khi xuống giống để hướng dẫn, tạo niềm tin; nếu chỉ liên kết từ khâu tiêu thụ thì sẽ rơi vào mối quan hệ "thuận mua, vừa bán."
Bộ trưởng nhấn mạnh đã đến lúc phải kết hợp giữa việc siết chặt quản lý nhà nước và quản lý nhà nước chuyên ngành ở địa phương. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần thấm nhuần tư tưởng kinh doanh, buôn bán sầu riêng không chỉ vì lợi nhuận mà còn là trách nhiệm với nền nông nghiệp quốc gia, từ đó chuyển từ quan hệ "thuận mua, vừa bán" sang quan hệ hợp tác.